Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên công khai “Hướng đi mới” trong cuộc họp Đảng

2020-01-02

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Năm 2019, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố rằng miền Bắc sẽ tìm kiếm một con đường mới nếu Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt và gây áp lực. Có vẻ Hội nghị toàn thể của đảng Lao động cầm quyền gần đây đã hé lộ phần nào về “con đường mới” đó.

Trong một động thái khá bất thường, nhà lãnh đạo miền Bắc đã bỏ qua bài phát biểu Năm mới thường niên vào ngày 1/1. Tuy nhiên, trong suốt phiên họp toàn thể kéo dài 4 ngày của Ủy ban Trung ương đảng Lao động, Chủ tịch Kim Jong-un đã nói bóng gió về khả năng nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện Thống nhất, Đại học Ajou phân tích sâu hơn.

 

Thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên là hoạt động thường niên kể từ năm 1946. Tuy nhiên lần này, có vẻ bài báo cáo về các ưu tiên chính sách trong năm tới của Chủ tịch Kim Jong-un tại hội nghị của Đảng đã thay thế bài phát biểu Năm mới. Người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành thường phát biểu trực tiếp thông điệp Năm mới, trong khi con trai ông là cựu lãnh đạo Kim Jong-il lại gửi thông điệp dưới dạng bài xã luận do các cơ quan truyền thông thực hiện. Năm nay, rất hiếm hoi là truyền thông Bắc Triều Tiên không hề đề cập đến thông điệp của nhà lãnh đạo.

 

Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu phát biểu thông điệp Năm mới vào ngày 1/1 hàng năm kể từ năm 2013. Nhưng năm nay, Báo Lao động, tờ báo chính thức của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã đưa 4 trang tin về kết quả của cuộc họp đảng, Đài truyền hình trung ương cũng phát sóng liên tục báo cáo này từ sáng 1/1. Rõ ràng, các báo cáo đã thay thế bài phát biểu trực tiếp thường niên của nhà lãnh đạo miền Bắc. Việc miền Bắc tổ chức cuộc họp đảng 4 ngày cuối năm 2019 cũng rất đáng chú ý.


Trước đây, cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cũng kéo dài nhiều ngày trong một vài dịp. Nhưng hội nghị 4 ngày lần này là khá bất thường. Thông thường, phiên họp được tổ chức trong một ngày và kết quả sẽ được công bố sau đó. Nhưng lần này, Bắc Triều Tiên thông báo về cuộc họp Đảng vào đầu tháng 12, và kết quả được cập nhật liên tục trong thời gian diễn ra cuộc họp. Tôi nghĩ miền Bắc đã lên kế hoạch cuộc họp rất kỹ lưỡng để truyền đi thông điệp tăng cường đoàn kết nội bộ.

 

Cuộc họp bắt đầu từ 28/12 và kéo dài đến ngày cuối cùng của năm 2019, thời hạn cuối năm Bắc Triều Tiên đặt ra cho đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, yêu cầu Mỹ nhượng bộ. Đây là hội nghị đảng dài nhất trong 29 năm qua, sau một cuộc họp 5 ngày năm 1990. Ở Bắc Triều Tiên, Hội nghị toàn thể chỉ đứng thứ hai sau sự kiện chính trị quan trọng nhất là Đại hội đảng. Đáng chú ý, cuộc họp toàn thể lần này đã phác thảo về lộ trình mới mà miền Bắc đã đề cập trước đó.

 

Năm 2013, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố cam kết theo đuổi song song phát triển vũ khí hạt nhân và tăng trưởng kinh tế. Nhưng hội nghị toàn thể năm 2018 cho thấy trọng tâm đã được chuyển sang phát triển kinh tế. Trong cuộc họp Đảng mới nhất, ông Kim Jong-un nhấn mạnh miền Bắc sẽ tăng cường khả năng tự phòng thủ để đảm bảo an ninh, trong khi vẫn tập trung vào phát triển kinh tế. Rõ ràng, “con đường mới” ở đây ám chỉ sự tự lực, tự cải thiện kinh tế không phụ thuộc vào nước ngoài, như Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh suốt thời gian quaTôi nghĩ cuộc họp Đảng đã phần nào giải đáp băn khoăn của giới phân tích về con đường mới ở góc nhìn chính trị và quân sự, đó là tăng cường năng lực phòng thủ.

 

Tóm lại, hướng đi mới của Bắc Triều Tiên là tái kiến thiết nền kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự. Đây được coi là lời tuyên bố miền Bắc sẽ quay lại con đường đối đầu quân sự, tức là Bắc Triều Tiên có thể sẽ chấm dứt lệnh tạm dừng các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân mà nước này tự đưa ra tại phiên họp toàn thể của Đảng vào tháng 4/2018. Chủ tịch Kim Jong-un còn chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Washington đối với Bắc Triều Tiên trong cuộc họp Đảng lần này.

Ông cáo buộc Mỹ đã làm trì trệ tiến trình đàm phán hạt nhân, đe dọa sẽ thực hiện “hành động gây sốc” để trực tiếp giải quyết các lệnh trừng phạt của Washington, và cảnh báo về vũ khí chiến lược mới.

 

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không nêu rõ “hành động gây sốc” và “vũ khí chiến lược” là gì. Hành động gây sốc được dự đoán là một động thái khiêu khích quân sự, và vũ khí chiến lược là ICBM hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Trong khi công nghệ ICBM của Bắc Triều Tiên đã được minh chứng là khá hùng mạnh, miền Bắc mới chỉ phóng được một tên lửa từ bệ sà lan để thử nghiệm các vụ phóng dưới nước, chưa đạt đến trình độ phóng SLBM từ tàu ngầm. Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên đang nỗ lực cải thiện công nghệ này, trong khi đối thoại Bình Nhưỡng-Washington vẫn dậm chân tại chỗ. Có thể một vụ phóng SLBM thành công sẽ là động thái quân sự tiếp theo của Bắc Triều Tiên, nhằm giành thế thượng phong tại các cuộc đàm phán trong tương lai.

 

Vũ khí chiến lược mới mà Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đề cập được dự đoán là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với động cơ mới, hoặc phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Cả hai vũ khí đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Giới phân tích đang quan tâm nhiều nhất về khả năng ra mắt phiên bản mới của ICBM. Mỹ đánh giá thử nghiệm ICBM, có khả năng vươn đến lãnh thổ Mỹ, là hành động vượt qua lằn ranh đỏ. Nếu miền Bắc xúc tiến phóng ICBM, có thể Mỹ sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và cũng xem xét một lựa chọn quân sự. Nếu điều đó xảy ra, căng thẳng trên Bán đảo Hàn Quốc có thể nhanh chóng lên đến đỉnh điểm. Một điểm đáng lo ngại khác là nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không hề đề cập đến quan hệ liên Triều Tiên trong cuộc họp. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn để ngỏ về một giải pháp ngoại giao, bởi nước này không đề cập chính xác vũ khí chiến lược mới là gì và khi nào chúng sẽ được công bố.

 

Phát biểu của ông Kim Jong-un trong buổi họp đảng chủ yếu tập trung vào thông điệp gửi tới người dân rằng đất nước sẽ tiếp tục tự chủ, hơn là đe dọa chấm dứt đàm phán với Mỹ. Bắc Triều Tiên ngụ ý có thể tổ chức đàm phán bất cứ lúc nào, miễn là Mỹ từ bỏ chính sách thù địch và đưa ra đề xuất mới như miền Bắc mong muốn. Bình Nhưỡng không tiết lộ cụ thể sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa, hay tiếp tục các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa, qua đó để ngỏ khả năng đối thoại.

 

Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng phạm vi đe doạ hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào thái độ của Washington. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đánh giá tích cực rằng Bắc Triều Tiên chưa tuyên bố chấm dứt đối thoại, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại đàm phán Mỹ-Triều. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phản ứng khá nhẹ nhàng, và nhận định nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là người biết giữ lời.

 

Phản ứng trước những chỉ trích của Chủ tịch Kim rằng Mỹ đang trì hoãn thời gian, ông Trump nhấn mạnh có mối quan hệ tốt với ông Kim, rõ ràng muốn thể hiện hai nhà lãnh đạo vẫn duy trì quan hệ. Tương tự, nhà lãnh đạo miền Bắc cũng cố gắng kiềm chế những lời chỉ trích gay gắt đối với người đứng đầu Nhà Trắng. Cả Bắc Triều Tiên và Mỹ đều muốn để một lối thoát cho đối thoại, và duy trì xung lực ngoại giao thượng đỉnh. Tôi nghĩ hai bên sẽ cố gắng tìm cơ hội tiếp xúc song phương và một số sự kiện ngoại giao trong nửa đầu năm nay.

 

Điểm mấu chốt hiện nay là Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ làm thế nào để thu hẹp khác biệt quan điểm về các biện pháp đối ứng trong tiến trình phi hạt nhân hóa của miền Bắc. Điều này có khả năng sẽ quyết định cục diện an ninh Bán đảo Hàn Quốc trong năm 2020.

Lựa chọn của ban biên tập