Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Moon nhấn mạnh hợp tác liên Triều trong thông điệp năm mới

2020-01-09

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Trong bài phát biểu năm mới ngày 7/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông sẽ nỗ lực hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Hàn Quốc bằng cách cải thiện quan hệ liên Triều.

Bài phát biểu năm mới gồm các định hướng chính sách cơ bản của chính quyền Seoul trong năm 2020, trong đó có lời mời tới thăm miền Nam dành cho Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Hong Hyun-ik, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Sejong, phân tích thông điệp của Tổng thống Hàn Quốc.


Thông điệp cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính phủ Seoul về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai miền Nam-Bắc, cũng như tầm quan trọng của hòa bình liên Triều. Trên thực tế, Seoul và Bình Nhưỡng hầu như chỉ chú trọng đến quan hệ Mỹ-Triều trong suốt năm 2019. Năm nay, Tổng thống Moon đề xuất cả hai bên tập trung nhiều hơn vào tăng cường hợp tác song phương để giải quyết vấn đề hòa bình trên bán đảo bị chia cắt, và cải thiện tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Theo đó, ông Moon đề nghị 2 nước thực hiện nhiều dự án hợp tác ở các cấp thấp hơn để khôi phục lòng tin lẫn nhau và thiết lập hòa bình.


Ý của Tổng thống Moon là Seoul và Bình Nhưỡng cần nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều độc lập với vấn đề đàm phán Mỹ-Triều. Ông Moon cũng bày tỏ thất vọng về bế tắc trong quan hệ xuyên biên giới.


Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã có nhiều bước tiến trong tiến trình hòa bình song phương năm 2018, nhưng những nỗ lực này đã đóng băng sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tháng 2/2019 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Chính phủ Hàn Quốc lẽ ra nên đóng vai trò tích cực hơn để ngăn chặn bế tắc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều gây ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều. Tôi nghĩ ông Moon đã suy ngẫm về vấn đề này và thể hiện ý chí sẽ không bị lung lay bởi thái độ của Washington đối với quan hệ liên Triều. Tổng thống có vẻ rất quyết tâm hàn gắn lại quan hệ hai miền Nam-Bắc bằng mọi cách.


Cho đến nay, chính quyền Seoul luôn ưu tiên đối thoại Mỹ-Triều với niềm tin rằng đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng thành công sẽ giúp thúc đẩy hợp tác liên Triều nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng đã có dấu hiệu thụt lùi sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 2 năm ngoái. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên liên tục chỉ trích chính quyền Seoul vì để Mỹ chi phối quá nhiều. Trong Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng cuối tháng 12/2019, miền Bắc thậm chí không hề đề cập đến quan hệ liên Triều.

Trong bối cảnh tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đang có dấu hiệu bị bỏ lại phía sau, Tổng thống Moon đang cố gắng khởi động lại đối thoại xuyên biên giới, kêu gọi Chủ tịch Kim Jong-un có chuyến thăm “đáp lễ” tới Seoul.


Tổng thống Moon đã đến Bình Nhưỡng tháng 9/2018 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều và ký Tuyên bố chung Bình Nhưỡng 19/9. Khoản 6 của Tuyên bố chung có nội dung Chủ tịch Kim đồng ý sớm đến thăm Seoul theo lời mời của Tổng thống Moon.

Nhưng sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội thất bại, Bắc Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt chính phủ Hàn Quốc. Do đó, chuyến thăm đáp lễ của nhà lãnh đạo miền Bắc không hề được đề cập trong cả năm 2019. Bây giờ, có vẻ Tổng thống Moon nhận thấy chính quyền Seoul nên làm điều gì đó tích cực hơn. Nếu nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Seoul, quan hệ song phương hai miền sẽ cải thiện đáng kể. Đó là lý do tại sao Tổng thống Hàn Quốc đề nghị hai nước tích cực phối hợp để xúc tiến chuyến thăm của Chủ tịch Kim đến Seoul.


Tất nhiên, lời mời của Tổng thống Moon Jae-in không có nghĩa là Hàn Quốc xem nhẹ tầm quan trọng của đàm phán Mỹ-Triều. Điểm mấu chốt của vấn đề an ninh bán đảo Hàn Quốc vẫn là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều bế tắc kéo dài và quan hệ liên Triều thậm chí có nguy cơ thụt lùi, ông Moon một lần nữa nhấn mạnh Seoul cần tăng cường vai trò lèo lái trong tiến trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Tổng thống đang nỗ lực tạo bước tiến trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và quan hệ Bình Nhưỡng-Washington bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ Nam-Bắc trước. Ông Moon cũng nhấn mạnh hai miền Nam-Bắc là một “cộng đồng sinh tồn”.


Trong chuyến thăm Bắc Âu năm ngoái, Tổng thống Moon đã đề cập đến “một cộng đồng sống”. Có nghĩa là hai miền Nam-Bắc không chỉ là cộng đồng dân tộc, mà còn là một cộng đồng sinh tồn, nơi người dân đối mặt với các vấn đề đời sống chung như môi trường, hệ sinh thái và chăm sóc sức khỏe. Bây giờ, Tổng thống lại một lần nữa nhắc lại khái niệm này, khẳng định hai miền không chỉ có biên giới chung mà còn chia sẻ chung một cộng đồng sống. Và ông đề nghị hai bên bắt đầu hợp tác ở khu vực biên giới.


Trong chuyến thăm Na Uy năm 2019, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã đề nghị miền Nam và miền Bắc phối hợp để giải quyết các vấn đề hỏa hoạn, lũ lụt và lở đất ở khu vực biên giới. Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền của Bắc Triều Tiên cuối năm 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai. Do đó, hai miền có thể chung tay hợp tác ở khu vực biên giới. Trong bài phát biểu năm mới, Tổng thống Moon cũng liệt kê một số chương trình hợp tác liên Triều khác có thể triển khai.


Đối với hai miền bán đảo Hàn Quốc, giao lưu thể thao là một trong số ít các dự án chung không chịu sự trừng phạt của Liên hợp quốc. Ông Moon nói rằng Seoul và Bình Nhưỡng nên tiếp tục thảo luận thành lập các đội thi đấu liên Triều tại Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Ông cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên cử vận động viên đến các cuộc thi thể thao sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc năm nay, như Giải vô địch cử tạ Đông Á và Giải vô địch bóng bàn thế giới. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhắc lại ông và Chủ tịch Kim đã đồng ý cùng đấu thầu giành chức chủ nhà Thế vận hội Mùa hè 2032, và đã trình bày nguyện vọng đồng tổ chức Thế vận hội lên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ xúc tiến kết nối đường sắt và đường bộ xuyên biên giới trong khuôn khổ không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Năm ngoái, ông đã đề nghị chuyển đổi Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), biểu tượng của sự chia cắt bán đảo Hàn Quốc, thành “Khu vực hòa bình quốc tế” do Liên hợp quốc đứng đầu. Giờ đây, ông còn đề xuất miền Nam và miền Bắc phối hợp đồng đăng ký DMZ lên Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để được công nhận là di sản thế giới.


Những đề xuất về các dự án hợp tác liên Triều này có thể thực hiện được, ngay cả khi các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế lên Miền Bắc đang có hiệu lực. Hợp tác song phương ở các cấp thấp có thể thúc đẩy hai miền Nam-Bắc tăng cường liên lạc và trao đổi, qua đó đạt được bước tiến nhất định trong đối thoại Mỹ-Triều. Đây là mối tương quan mà ông Moon đang hướng tới.

Vấn đề là Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào. Năm 2018 bắt đầu với nhiều kỳ vọng dành cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Tuy nhiên, hội đàm tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận nào đã gây sốc cho giới ngoại giao và cũng nhanh chóng làm đóng băng quan hệ liên Triều. Trong tình huống này, chính quyền Seoul cần nỗ lực nhất quán để mở ra cánh cửa đối thoại.


Kể từ tháng 2/2019, Bắc Triều Tiên đã chỉ trích Seoul mạnh mẽ, đặc biệt là khi Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ, mặc dù quy mô các đợt diễn tập đã bị thu nhỏ lại. Trong bối cảnh này, chính phủ Hàn Quốc phải tìm phương hướng để hàn gắn quan hệ liên Triều và tiếp tục thể hiện sự kiên nhẫn với Bình Nhưỡng như vẫn làm từ trước tới nay. Đây là thời điểm các kỹ năng ngoại giao và sự khôn ngoan cần được phát huy cao độ.


Bộ Thống nhất Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một bộ phận mới phụ trách hợp tác khu vực biên giới, trong khi Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong đã đến Mỹ ngày 7/1 để tham dự đàm phán an ninh ba bên Hàn-Nhật-Mỹ. Hy vọng các đề xuất trong thông điệp năm mới của Tổng thống Hàn Quốc sẽ đem lại thay đổi tích cực trong ngoại giao khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập