Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mỹ tiếp tục gửi tín hiệu đối thoại tới Bắc Triều Tiên

2020-01-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu rằng Mỹ không phải là mối đe dọa an ninh đối với chính quyền Bắc Triều Tiên. Trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo các doanh nghiệp thung lũng Silicon ở San Francisco ngày 13/1, ông Pompeo bày tỏ hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra quyết định đúng đắn. Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cá nhân chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Dư luận đang quan tâm liệu một loạt các thông điệp hòa giải của Washington gửi đến Bình Nhưỡng có tạo ra bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều hay không. Giáo sư Yang Moo-jin đến từ Đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên phân tích sâu hơn.


Thông điệp sinh nhật gửi tới một nguyên thủ quốc gia thường mang ý nghĩa chính trị. Thường thì người ta không thể thể hiện thái độ thù địch trong lời chúc mừng sinh nhật. Bằng cách gửi thư chúc mừng sinh nhật tới Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump đã thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng đối với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trên tinh thần đó, ông Trump kêu gọi Chủ tịch Kim phá vỡ bế tắc cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều, và nối lại đối thoại.


Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 8/1, đúng dịp sinh nhật lần thứ 36 của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Trump đã nhờ Chánh văn phòng Chung chuyển lời chúc mừng sinh nhật tới nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông qua Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in.

Bất cứ khi nào các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều có dấu hiệu chững lại, lãnh đạo hai nước sẽ tìm kiếm bước đột phá thông qua “ngoại giao thư từ”. Tháng 3/2018, Chánh văn phòng Chung đã chuyển thông điệp bằng lời nói của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Người đứng đầu Nhà trắng, qua đó mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên. Do đó, lời chúc mừng sinh nhật mới đây của ông Trump dành cho ông Kim cũng được xem là một dấu hiệu tích cực cho cải thiện quan hệ Mỹ-Triều. Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Mỹ Robert O'Brien cũng đã phát biểu với một trang tin trực tuyến rằng Washington đã liên lạc với Bình Nhưỡng để đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân.

Tuy nhiên, phía miền Bắc vẫn thể hiện lập trường cứng rắn. Ngày 11/1, Cố vấn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ lặp lại một cuộc hội đàm như hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Việt Nam, tại đó Bắc Triều Tiên đề xuất hủy bỏ một cơ sở hạt nhân trọng yếu để đổi lại việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.


Bài phát biểu của Cố vấn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-kwan có hai hàm ý. Thứ nhất, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân, ngay cả khi các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn được áp dụng trong tương lai. Thứ hai, miền Bắc dường như đang nhấn mạnh chính sách thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt của Washington đối với miền Bắc là một phần của chính sách thù địch. Theo đó, Bình Nhưỡng nhấn mạnh Washington nên từ bỏ chính sách thù địch trước, rồi mới tiến hành phi hạt nhân hóa.


Tuyên bố của Cố vấn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-kwan là thông điệp đầu tiên của Bình Nhưỡng với thế giới bên ngoài, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì phiên họp toàn thể của đảng Lao động cuối năm ngoái. Trong bài phát biểu, Bắc Triều Tiên bày tỏ không tin tưởng và không hài lòng với Mỹ, cho thấy nguy cơ nước này sẽ không còn bị ràng buộc bởi các cuộc đàm phán hạt nhân, vốn chỉ phơi bày những khác biệt lớn trong quan điểm của 2 nước Mỹ-Triều.

Tuy vậy, Bình Nhưỡng vẫn chưa từ bỏ mong muốn đối thoại. Cố vấn Kim Kye-gwan cũng nói rằng chính quyền Bắc Triều Tiên đã trực tiếp nhận thư cá nhân chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Kim từ Tổng thống Mỹ, phần nào cho thấy các kênh liên lạc giữa hai nước vẫn đang hoạt động.


Được biết, có khoảng 4 kênh liên lạc giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, trong đó có kênh New York, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và Ủy ban đình chiến quân sự tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ngoài ra, có vẻ một đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước đã được thiết lập sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore.

Bắc Triều Tiên thường đề cập đến các điều kiện tiên quyết cho phi hạt nhân hóa, nói rằng họ không có lý do sở hữu vũ khí hạt nhân, miễn là Mỹ không đe dọa quân sự và từ bỏ chính sách thù địch với miền Bắc. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ không thực hiện bất kỳ biện pháp phi hạt nhân hóa nào, trừ khi Mỹ loại bỏ những trở ngại đối với sự tồn tại và phát triển của Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ thông điệp chính của miền Bắc là nếu Mỹ thể hiện thiện chí sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Bình Nhưỡng, thì Bắc Triều Tiên sẵn sàng tham gia đối thoại bất cứ lúc nào.


Tuyên bố mới nhất của Bắc Triều Tiên một lần nữa hướng sự chú ý đến các điều kiện cơ bản cho đàm phán phi hạt nhân hóa mà quốc gia này đã đề cập từ trước đến giờ, và làm rõ quan điểm của miền Bắc về cách thức tiến hành các cuộc đàm phán. Tuyên bố của ông Kim Kye-gwan có vẻ khá cứng rắn, nhưng vẫn hàm chứa thông điệp về khả năng nối lại đối thoại nếu Mỹ chấp nhận những nhượng bộ lớn. Trong khi Bình Nhưỡng đã gửi tín hiệu hối thúc Washington ra quyết định, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 vẫn kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.


Thông qua các bình luận của ông Mike Pompeo, bức thư gần đây của Tổng thống Trump gửi đến Chủ tịch Kim, và chú trọng của Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun về đối thoại Mỹ-Triều, Mỹ dường như đang rất tập trung cho đối thoại ở thời điểm hiện tại. Tôi có thể hình dung miền Bắc đánh giá khá tích cực tinh thần này của chính quyền Tổng thống Trump.


Thông qua thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Washingtontiếp tục bày tỏ hy vọng duy trì xung lực đối thoại. Ông Pompeo nói rằng hệ thống vũ khí của Bắc Triều Tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro, và cũng nhấn mạnh Mỹ không uy hiếp an ninh cho miền Bắc. Điều này là rất quan trọng, bởi Mỹ đã nhắc lại cam kết sẽ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh cho chế độ Bắc Triều Tiên nếu miền Bắc thực hiện phi hạt nhân hóa. Tuy vậy, có vẻ Mỹ khó chấp nhận quan điểm của Bình Nhưỡng rằng họ sẽ không quay lại bàn đối thoại nếu không có sự nhượng bộ từ Mỹ.


Mỹ đề xuất rõ ràng rằng miền Bắc nên phi hạt nhân hóa trước, sau đó Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho chính quyền Bắc Triều Tiên. Nhưng trong quá trình đàm phán, miền Bắc sẽ gợi ý Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an ninh để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa đồng bộ Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng khá lạc quan là có thể đạt được thỏa hiệp này.

Tuy nhiên hiện tại, khả năng Washington chấp nhận các yêu cầu của Bình Nhưỡng là khá thấp, vì Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường chỉ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt sau khi Bắc Triều Tiên đề xuất lộ trình phi hạt nhân hóa rõ ràng và chi tiết. Mỹ đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống, và ông Trump đang phải đối phó với các cáo buộc luận tội, nên tôi nghĩ Tổng thống Mỹ khó có thể tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên ở thời điểm hiện tại.


Tổng thống Trump đang tiến vào chiến dịch tái tranh cử năm nay. Ông sẽ không thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên ngay bây giờ, bởi nước này chưa đưa ra lộ trình phi hạt nhân hóa. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran là một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến đối thoại Mỹ-Triều. Mặc dù căng thẳng vừa tạm lắng, dự kiến người đứng đầu Nhà Trắng sẽ vẫn tập trung vào các vấn đề liên quan đến Iran trong thời điểm hiện tại. Còn Chủ tịch Kim Jong-un cũng có thể nghĩ rằng chưa cần vội vàng trong lúc này. Điều này sẽ còn gây khó khăn hơn cho nỗ lực nối lại đối thoại.


Trong khi Mỹ nhấn mạnh đối thoại, Bắc Triều Tiên đã yêu cầu từ cuối năm ngoái rằng Mỹ nên dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, hủy kế hoạch triển khai tài sản chiến lược trên bán đảo Hàn Quốc, và giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với miền Bắc. Vì vậy, Bình Nhưỡng và Washington khó có thể tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại quan trọng nào trong thời gian gần nhất. Đối với Mỹ, ngăn chặn Bắc Triều Tiên tái diễn các hành động khiêu khích mạnh mẽ và giữ cho tình hình không tồi tệ hơn là rất quan trọng. Vì vậy, Lầu Năm Góc chỉ có thể một mặt tỏ ra chú trọng đối thoại, mặt khác tập trung nhiều hơn vào kiểm soát tình huống. Tôi nghĩ quan hệ Mỹ-Triều sẽ còn tiếp tục bế tắc trong thời gian tới. Ngay cả khi hai nước bằng cách nào đó có liên lạc thì vẫn khó đạt kết quả tích cực, trừ khi Mỹ thực hiện một biện pháp đáng kể, rút lại chính sách mà Bắc Triều Tiên cho là thù địch.


Trong cuộc họp báo năm mới ngày 14/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phát biểu vẫn còn quá sớm để bi quan về đối thoại Mỹ-Triều. Ông khẳng định chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy hai nước sớm tổ chức các cuộc đàm phán, vì không còn nhiều thời gian nữa. Như Tổng thống Moon đã chỉ ra, cả Bắc Triều Tiên và Mỹ nên quay lại bàn đối thoại trước khi bế tắc hạt nhân giữa hai nước thêm sâu sắc.

Lựa chọn của ban biên tập