Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc điều động quân đến eo biển Hormuz

2020-01-23

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 21/1, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cử lực lượng chống cướp biển đến eo biển Hormuz, nơi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang. Tuy vậy, quân đội Hàn Quốc sẽ không tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu, mà tiến hành các hoạt động độc lập ở eo biển. Quyết định triển khai quân được Chính phủ đưa ra sau khi Washington liên tục gây áp lực lên Seoul, nên dự kiến sẽ ảnh hưởng tích cực đến quan hệ của hai đồng minh Hàn-Mỹ. Giáo sư nghiên cứu về khoa học chính trị và ngoại giao Lee Jong-hoon đến từ Đại học Myongji, phân tích sâu hơn.

 

Điều đáng chú ý là việc triển khai quân sẽ độc lập với liên minh hàng hải do Mỹ lãnh đạo, tên là “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế” (IMSC). Nói cách khác, binh sĩ Hàn Quốc sẽ không chịu sự chỉ huy của quân đội Mỹ, mà sẽ tự hành động. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng tại Seoul cho biết quân đội Hàn Quốc có thể hợp tác với IMSC nếu cần thiết.

 

Bộ Quốc phòng hôm 21/1 thông báo phạm vi hoạt động của lực lượng chống cướp biển Hàn Quốc sẽ mở rộng sang cả eo biển Hormuz, với mục đích bảo vệ các công dân và tàu thuyền của Hàn Quốc trong vùng biển chiến lược ngoài khơi Iran.

 

Đơn vị hải quân Hàn Quốc Cheonghae (Thanh Hải) vốn thực hiện nhiệm vụ ở vịnh Aden ngoài khơi Somalia, nhưng cũng được phép tham gia các hoạt động ở vùng biển được chỉ định để bảo vệ công dân Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp. Quy định này là căn cứ để Chính phủ ra quyết định mở rộng có thời hạn phạm vi hoạt động của đơn vị hải quân. Các khu vực hoạt động sẽ không được mở rộng vĩnh viễn, và đơn vị quân đội mới cũng không được triển khai. Tóm lại, đơn vị Cheonghae hiện đang thực thi nhiệm vụ chống cướp biển ở vùng biển xung quanh Somalia sẽ mở rộng phạm vi hoạt động.

 

Biệt đội hải quân Cheonghae đã đảm nhận nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden ngoài khơi Somalia kể từ năm 2009. Theo quyết định của Chính phủ, đợt luân chuyển thứ 31 của đơn vị cùng tàu khu trục Wang Geon đã bắt đầu thực hiện các hoạt động mở rộng phạm vi từ 5 giờ 30 phút chiều 21/1, với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

 

Trên thực tế, Mỹ và Iran đã bước vào cục diện gần như chiến tranh kể từ khi chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran Qassem Soleimani bị ám sát. Hệ lụy là căng thẳng càng leo thang ở eo biển Hormuz, nơi 70% lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc đi qua. Hàn Quốc rất cần duy trì và quản lý eo biển này một cách ổn định, nên lẽ ra phải điều động quân đến sớm hơn. Trong bối cảnh này, Mỹ đã công khai đề nghị Hàn Quốc phái cử quân đội tham gia liên quân đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo trong khu vực. Vì vậy, triển khai quân cũng là cần thiết để thắt chặt quan hệ Hàn-Mỹ.

 

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của vận chuyển quốc tế tại eo biển Hormuz. Hiện tại, khoảng 25 nghìn người Hàn Quốc đang cư trú ở Trung Đông. Nếu Hàn Quốc thấy cần sơ tán nhanh chóng các công dân trong khu vực này, đơn vị Cheonghae có thể thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng về mặt ngoại giao khi quyết định triển khai quân độc lập và mở rộng tạm thời vai trò của đơn vị.

 

Bị mắc kẹt giữa Mỹ và Iran, Hàn Quốc dường như đã tìm thấy một thỏa hiệp. Seoul đang duy trì mối quan hệ tương đối tốt với Tehran. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Hàn Quốc khó có thể đứng về phía một trong hai. Iran đã cảnh báo sẽ coi Hàn Quốc là kẻ thù nếu Seoul gia nhập liên minh do Mỹ lãnh đạo nhằm chống lại các hoạt động quân sự của Iran. Tất nhiên, Hàn Quốc phải tránh kịch bản này.

 

Quyết định cử đơn vị hải quân thực hiện các hoạt động độc lập của Hàn Quốc được coi là động thái vừa chấp thuận yêu cầu của Washington, vừa cân nhắc quan hệ với Iran. Kể từ năm ngoái, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc tham gia liên minh quân sự để góp phần ổn định eo biển Hormuz. Nhưng nếu Hàn Quốc tham gia liên minh, quan hệ kinh tế với Iran sẽ bị hủy hoại, an toàn của người Hàn Quốc cư trú ở Trung Đông cũng sẽ bị đe dọa. Cuối cùng Hàn Quốc đã chọn phương án có thể được cả Mỹ và Iran chấp thuận, đó là triển khai quân độc lập.

Liên quan đến vấn đề này, cả hai nước đều hiểu quyết định của Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/1 cho biết Washington hoan nghênh và đánh giá cao quyết định của Seoul, nhận định quyết định này thể hiện sức mạnh của liên minh song phương. Bình luận này là dấu hiệu tốt cho tương lai của quan hệ Hàn-Mỹ.

 

Đúng là đã có những xích mích giữa Hàn Quốc và Mỹ liên quan đến chính sách của Seoul đối với Bắc Triều Tiên và thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự đối với quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc chi trả gấp 5 lần so với năm ngoái, khiến các cuộc đàm phán gặp nhiều khó khăn.

Gần đây, Hàn Quốc đã bắt đầu khuyến khích du lịch khách lẻ tới Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng Seoul vẫn cần được Washington chấp thuận về vấn đề này. Tôi nghĩ Hàn Quốc đã cân nhắc quan hệ Hàn-Mỹ cũng như quan hệ liên Triều khi ra quyết định điều động binh sĩ.

 

Dư luận đang quan tâm liệu Hàn Quốc quyết định đưa quân tới eo biển Hormuz có giúp Seoul tranh thủ được sự ủng hộ của Washington cho chính sách đối với Bình Nhưỡng hay không. Về cơ bản, chính phủ Hàn Quốc muốn cải thiện quan hệ xuyên biên giới để tạo xung lực cho đối thoại Mỹ-Triều. Một phần của nỗ lực đó là tạo điều kiện cho người Hàn Quốc thực hiện các chuyến du lịch riêng lẻ tới miền Bắc trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù du lịch không thuộc đối tượng bị trừng phạt, nhưng chuyển tiền mặt và các vấn đề khác có thể bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt. Đó là lý do tại sao sự hợp tác của Mỹ là cần thiết. Nếu Mỹ chấp thuận du lịch khách lẻ tới Bắc Triều Tiên có thể giúp phá vỡ bế tắc trong quan hệ hai miền Nam-Bắc.

 

Bắc Triều Tiên từ lâu đã gây áp lực cho Hàn Quốc nối lại các dự án kinh tế chung đang bị đình chỉ, như chương trình du lịch núi Geumgang và dự án khu công nghiệp Gaeseong. Khi cục diện trở nên không êm đẹp, miền Bắc thậm chí đã thông báo với miền Nam rằng sẽ phá dỡ tất cả các cơ sở của Hàn Quốc tại khu nghỉ dưỡng núi Geumgang.

Tôi nghĩ du lịch khách lẻ là một cách gián tiếp để nối lại các trao đổi xuyên biên giới. Nếu khách du lịch Hàn Quốc được phép tới miền Bắc dù không đi theo đoàn, tôi đoán Bình Nhưỡng có thể dịu thái độ đối với Seoul ở một mức độ nào đó, tạo tiền đề để hàn gắn mối quan hệ. Diễn biến tích cực này cũng có thể tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ-Triều. Quyết định triển khai quân đội gần đây của Seoul có thể được hiểu trong bối cảnh này.

 

Trong Hội nghị giải trừ quân bị diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 21/1, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ không tiếp tục tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Dù vậy, Hàn Quốc và Mỹ vẫn tái khẳng định cam kết đối thoại của họ.

Thế giới sẽ phải chờ xem liệu quyết định điều động quân gần đây của Chính phủ Hàn Quốc có tạo xung lực đủ mạnh để phá vỡ bế tắc trong đối thoại Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều hay không.

Lựa chọn của ban biên tập