Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Áo truyền thống Hanbok ở Bắc Triều Tiên

2020-01-23

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu từ ngày 24/1. Trước một trong những ngày lễ truyền thống lớn nhất của quốc gia, các gia đình Hàn Quốc thường thực hiện tập tục seolbim, tức là chuẩn bị trang phục Hanbok mới để mặc trong dịp Tết. Nhiều người trẻ cũng thuê Hanbok mặc rồi đi thăm quan các cung điện cổ.

Vậy còn người dân ở phía Bắc bán đảo Hàn Quốc thì sao, họ có mặc trang phục truyền thống để ăn mừng Tết Nguyên đán không? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về trang phục truyền thống Hanbok ở Bắc Triều Tiên cùng bà Kang Mi-jin, đã đào thoát thành công và hiện là phóng viên tại tờ báo trực tuyến Daily NK có trụ sở tại Seoul.

 

Không mặc Hanbok vào sáng mùng 1 Tết

Bắc Triều Tiên đã bãi bỏ Tết âm lịch vào những năm 1960 trên danh nghĩa xóa bỏ các tập tục phong kiến. Nhưng ngày Tết này đã hồi sinh năm 1989 dưới thời cựu lãnh đạo Kim Jong-il, trong một động thái nhằm giải tỏa bất bình của công chúng về khó khăn kinh tế. Từ đó trở đi, cứ vào dịp Tết, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chia sẻ những món ăn ngon và chơi các trò dân gian truyền thống như thả diều, đá cầu, và trò chơi gậy yutnori.

Trong khi nhiều người Hàn Quốc mặc Hanbok để thực hiện nghi thức tưởng niệm tổ tiên vào buổi sáng ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, tập tục này lại không hề phổ biến ở miền Bắc. Song điều đó không có nghĩa là người Bắc Triều Tiên coi nhẹ Hanbok. Trái lại, trang phục truyền thống này có ý nghĩa rất đặc biệt nơi đây.

Bắc Triều Tiên gọi quần áo truyền thống là quần áo Joseon nhằm tôn vinh bản sắc dân tộc Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã rất khuyến khích phụ nữ mặc Hanbok, và cho rằng bộ Hanbok của phụ nữ rất đáng để khoe với thế giới.

 

Nữ giới tự hào, nam giới e dè khi mặc Hanbok

Trong khi nữ sinh đại học phải mặc đồng phục Hanbok, nam giới ở Bắc Triều Tiên lại hiếm khi mặc trang phục truyền thống. Nhiều người nghĩ rằng Hanbok hợp với phụ nữ hơn. Ngoài ra, những bộ Hanbok nam thường gợi nhớ về chiến binh huyền thoại Kim Koo luôn luôn mặc Hanbok. Ông phản đối thành lập chính phủ riêng biệt ở 2 miền Nam-Bắc, do đó đã chống lại người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành. Do đó, nam giới ở Bắc Triều Tiên khá e dè khi mặc Hanbok, vì việc này có thể ám chỉ họ chống lại chế độ Kim Nhật Thành.

Ngược lại, phụ nữ coi Hanbok là thứ đáng tự hào và chỉ được mặc trong những dịp đặc biệt. Họ mặc Hanbok tại các sự kiện quan trọng của chính phủ và gia đình như đám cưới và sinh nhật các cao lão trong gia tộc. Vậy người dân miền Bắc chuẩn bị cho trang phục không thể thiếu này như thế nào?

 

Không mặc Hanbok trong các sự kiện quan trọng thì bị coi thường

Trước đây, chính quyền Bắc Triều Tiên phân phát quần áo, gồm cả Hanbok, cho mọi người. Nhưng hệ thống phân phối Nhà nước đã sụp đổ giữa những năm 1990 do khó khăn kinh tế cực độ. Ngày nay, mọi người mua Hanbok tại chợ tư nhân, hay còn gọi là jangmadang. Nhìn chung, Hanbok đắt hơn quần áo thông thường. Những người không đủ tiền mua thường đi thuê, bởi nếu không mặc Hanbok trong các sự kiện quan trọng thì sẽ bị coi thường. Các họa tiết Hanbok cũng mang ý nghĩa đặc biệt đối với người Bắc Triều Tiên.

Hanbok là lễ phục dành riêng cho những ngày quan trọng, và các mẫu hoa thêu trên hanobk tượng trưng cho niềm vui và phước lành. Lụa từ huyện Yongbyontỉnh Bắc Pyongan là loại vải may Hanbok nổi tiếng nhất. Được biết đến qua bài thơ trữ tình sâu lắng “Những đóa hoa đỗ quyên” của nhà thơ lừng danh Kim So-wol, huyện Yongbyontỉnh Bắc Pyongan của Bắc Triều Tiên nổi tiếng với lụa có hoa văn hoa đỗ quyên.

 

Chính quyền hiện hành tích cực khuyến khích mặc Hanbok

Chính quyền Bắc Triều Tiên đã tích cực khuyến khích mặc Hanbok dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Một trong những thay đổi lớn là đàn ông đã bắt đầu mặc Hanbok nhiều hơn.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái, Báo Lao động, tờ báo chính thức của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin các cửa hàng quần áo chật cứng người mua Hanbok, kèm hình ảnh trẻ em đang nhảy dây trong những bộ Hanbok. Đàn ông Bắc Triều Tiên đã từng tránh trang phục truyền thống này, nhưng giờ đây, một số người đã chọn mặc nó trong đám cưới của họ.

Trong vòng vây cấm vận quốc tế mạnh mẽ, Bắc Triều Tiên đang nỗ lực tăng cường đoàn kết nội bộ, nhấn mạnh tinh thần và độc lập dân tộc bằng cách lan tỏa văn hóa Hanbok trong dân chúng.

Lựa chọn của ban biên tập