Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên thay thế Bộ trưởng Ngoại giao

2020-01-30

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 23/1, Truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên đã đưa tin về việc bổ nhiệm ông Ri Son-kwon làm Bộ trưởng Ngoại giao quốc gia. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe phân tích về biến động trong đội ngũ ngoại giao và những ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên trong tương lai cùng Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện Thống nhất, Đại học Ajou.

 

Tuần trước, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã xác nhận bổ nhiệm ông Ri Son-kwon là Ngoại trưởng quốc gia, đồng thời đưa tin về bữa tiệc chiêu đãi của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên với các Đại sứ tại Bình Nhưỡng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cựu Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon đã thay thế người tiền nhiệm Ri Yong-ho, nhậm chức năm 2016. Thông thường, các Bộ trưởng Ngoại giao của miền Bắc có thời gian tại chức tương đối dài, tầm 5 đến 10 năm. Vì vậy, nhiệm kỳ 4 năm của ông Ri Yong-ho là khá ngắn. Việc ông bị thay thế sớm được coi là một hình thức trừng phạt vì tình trạng bế tắc kéo dài trong đối thoại Mỹ-Triều.

Bộ trưởng mới là một cựu quân nhân, được cho là có lập trường cứng rắn với Hàn Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên sẽ có cách tiếp cận cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

 

Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc họp toàn thể của đảng Lao động cuối năm ngoái, Bắc Triều Tiên đột ngột bãi nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho, nhà ngoại giao kì cựu đã chỉ đạo hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bộ trưởng Mặt trận Thống nhất Kim Yong-chol, từng dẫn dắt các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ, cũng đã bị trừng phạt vì thất bại của hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đầu năm ngoái. Dư luận cho rằng ông Ri cũng phải chịu hậu quả do đối thoại Mỹ-Triều đình trệ.


Ông Ri Son-kwon trước đây làm việc tại Tổng cục Trinh sát phụ trách các hoạt động tình báo ở nước ngoài và dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên tham gia đàm phán quân sự liên Triều, hỗ trợ phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol. Ở Hàn Quốc, ông Ri nổi tiếng bởi những lời lẽ xúc phạm các ông trùm kinh doanh đến thăm Bình Nhưỡng tháng 9/2018 nhân hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Trong khi ăn mỳ lạnh với các doanh nhân Hàn Quốc, ông Ri dè bỉu “Cũng nuốt trôi mỳ lạnh à?”, ý nói giờ này mà cũng ngồi ăn cho được. Ông cũng chế giễu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun vì đi họp muộn. Giờ đây, khi một nhà ngoại giao có lập trường cứng rắn với Hàn Quốc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên, thực hiện nhiệm vụ ngoại giao với Mỹ, động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng cần được theo dõi sát sao.

 

Việc bổ nhiệm một cựu sĩ quan quân đội ít kinh nghiệm về ngoại giao làm Ngoại trưởng là khá bất thường, cho thấy Chính quyền Bắc Triều Tiên quyết tâm tìm kiếm một con đường mới mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trình bày tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động. Tại cuộc họp đảng cuối năm ngoái, Chủ tịch Kim cam kết sẽ tạo bước đột phá trực diện để đối phó với các lệnh trừng phạt do cộng đồng quốc tế và Mỹ áp đặt.

 

Sự xáo trộn trong đội ngũ ngoại giao hàng đầu cho thấy Bắc Triều Tiên quyết tâm theo đuổi tự lực trên mặt trận kinh tế để đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn đối với Mỹ trong khi tăng cường hợp tác ngoại giao với Trung Quốc và Nga. Đưa ông Ri với lập trường cứng rắn lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng là cách để Bình Nhưỡng xoa dịu sự bất mãn của quân đội về chính sách thúc đẩy đối thoại với Mỹ trước đây. Qua đó, miền Bắc cũng muốn khẳng định với Washington rằng nước này sẽ tiếp tục củng cố vị thế quốc gia vũ khí hạt nhân bằng cách tiếp tục phát triển hạt nhân và vũ khí chiến lược.

 

Việc đưa một quân nhân hiếu chiến lên vị trí chủ chốt trong ngành ngoại giao báo hiệu Bắc Triều Tiên sẽ hung hăng hơn trong ngoại giao với Mỹ. Một chi tiết đáng chú ý khác là sự tái xuất bất ngờ của bà Kim Kyong-hui, cựu bí thư đảng uỷ, cô của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

 

Hình ảnh bà Kim Kyong-hui đang xem một buổi biểu diễn chào mừng Tết Nguyên đán cùng Chủ tịch Kim Jong-un và Đệ nhất phu nhân miền Bắc Ri Sol-ju cho thấy bà vẫn còn sống và khỏe mạnh. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của bà trong 6 năm qua.

Ở Bắc Triều Tiên, bà Kim Kyong-hui được coi là một nhân vật biểu tượng. Bà là con gái của nhà sáng lập quốc gia Kim Nhật Thành, em gái của cựu lãnh đạo Kim Jong-il và là cô của nhà lãnh đạo đương thời Kim Jong-un. Bà mang trong mình dòng máu Baekdu của gia tộc cầm quyền họ Kim, những người duy trì tinh thần cách mạng của núi Baekdu. Tinh thần này được cho là càng quan trọng tại thời điểm miền Bắc tuyên bố sẽ tấn công trực diện khi đối đầu với Mỹ. Bằng cách đưa bà Kim Kyong-hui xuất hiện trước công chúng, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ sức mạnh gia tộc họ Kim không hề bị suy giảm, và một lần nữa nhấn mạnh tính hợp pháp của huyết thống Baekdu, qua đó tăng cường đoàn kết nội bộ quốc gia.

 

Hiện tại, Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đối thoại đình trệ với Mỹ. 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế, song có vẻ Bình Nhưỡng đã không đạt được bất kỳ kết quả rõ ràng nào do các lệnh trừng phạt quốc tế và thất bại của các cuộc đàm phán với Mỹ. Trước tình thế này, miền Bắc đã để người cô của nhà lãnh đạo xuất hiện công khai, một động thái chứng minh sự thống nhất của dòng máu Baekdu và thắt chặt tình đoàn kết nội bộ để cả nước cùng vượt qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.

Dự báo Bắc Triều Tiên sẽ cứng rắn hơn với Mỹ, như đã thể hiện trong bài phát biểu gần đây của tân Bộ trưởng Ngoại giao theo nguồn tin từ tờ tin tức NK, trang tin chuyên về Bắc Triều Tiên.

 

Tại bữa tiệc dành cho các Đại sứ nước ngoài ở Bình Nhưỡng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Ri đã nhấn mạnh quyết tâm của miền Bắc về tăng cường tự lực và tấn công trực diện. Những phát biểu này rõ ràng nhắm vào Mỹ. Để xây dựng nền kinh tế tự chủ, quốc gia biệt lập này vẫn cần trợ giúp từ bên ngoài. Vì vậy, Bắc Triều Tiên đang tìm cách tranh thủ hợp tác từ Trung Quốc và Nga. Như vậy, miền Bắc sẽ mở cửa sau cho Trung Quốc và Nga, đồng thời khóa cửa trước với Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ đưa ra đề xuất mới trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi hết năm, nhưng Washington đã không đáp ứng. Trong tình huống này, Bắc Triều Tiên tin rằng nhượng bộ trước là không phù hợp. Vì vậy, Bình Nhưỡng sẽ khóa cửa đối thoại và từ chối mở lại cho đến khi Mỹ thể hiện thay đổi trong thái độ. Dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ duy trì cách tiếp cận này trong năm nay.

 

Tân Bộ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên cho hay miền Bắc cần giải quyết áp lực bên ngoài, nhưng cũng ngụ ý rằng quan hệ Mỹ-Triều có thể được cải thiện nếu Washington nới lỏng chính sách thù địch với Bình Nhưỡng. Phát biểu này tái khẳng định quan điểm của miền Bắc rằng Mỹ nên đảm bảo an toàn cho chế độ Bắc Triều Tiên trước khi tiến hành phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng. Rõ ràng, miền Bắc đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán dai dẳng với Mỹ.

Phía Washington vẫn không thay đổi thái độ. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell đã khẳng định vào tuần trước rằng Mỹ không vội vàng trong vấn đề ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thường xuyên đề cập đến cụm từ “không vội vàng”. Phương hướng quan trọng hơn tốc độ, miễn là Washington luôn lưu tâm đến chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Mỹ vẫn giữ vững lập trường là miền Bắc cần đưa ra lộ trình phi hạt nhân hóa chi tiết trước, rồi mới nối lại đối thoại và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương khác. Tương tự Bình Nhưỡng, có thể Washington sẽ đóng cánh cửa đối thoại với Bắc Triều Tiên vào thời điểm hiện tại. Cả hai bên đều dứt khoát rằng sẽ mở cửa nếu bên kia thay đổi thái độ. Tôi nghĩ cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn.

 

Trong bối cảnh cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đều khăng khăng đề nghị đối phương mở cửa trước, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Son-gyong sẽ tham dự Hội nghị an ninh Munich (Đức), khai mạc ngày 14/2. Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ tham gia các cuộc thảo luận, nên dư luận đang rất chú ý liệu hội nghị an ninh ở Đức có thể mở đường cho đối thoại Mỹ-Triều hay không.

Lựa chọn của ban biên tập