Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ảnh hưởng của dịch corona-19 lên quan hệ liên Triều

2020-02-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Dịch corona-19 đang làm chệch hướng kế hoạch hợp tác liên Triều của Hàn Quốc mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập trong Bài phát biểu chào mừng năm mới. Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới đã khiến Hàn Quốc gặp khó khăn với đề xuất xúc tiến du lịch khách lẻ tới núi Geumgang, và kế hoạch tìm kiếm đột phá trong quan hệ liên Triều gần như rơi vào tuyệt vọng. Giáo sư Lee Jong-hoon đến từ Đại học Myongji, phân tích sâu hơn.


Bắc Triều Tiên là nước đầu tiên cấm người Trung Quốc nhập cảnh sau khi dịch corona-19 bùng phát. Cả nước đang trong tình trạng khẩn cấp. Thậm chí, Bình Nhưỡng cũng đã ngăn chặn dòng khách du lịch từ các quốc gia khác. Đây không phải thời điểm thích hợp để thúc đẩy các dự án liên Triều, trong đó có du lịch cá nhân. Nếu không vì sự cố dịch corona-19, có thể miền Bắc đã chấp nhận đề xuất du lịch khách lẻ của Hàn Quốc thay vì khăng khăng đòi phá dỡ các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng ở khu vực núi Geumgang. Các quan chức Seoul liên tục yêu cầu một cuộc họp với Bình Nhưỡng để thảo luận vấn đề này, nhưng dịch corona-19 đã khiến Seoul phải chuyển hướng. Trái với ý định của Chính phủ Hàn Quốc, tình trạng bế tắc này có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới.


Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng cải thiện quan hệ liên Triều thông qua du lịch cá nhân. Từ đầu năm nay, các quan chức Seoul đã tìm hiểu nhiều lựa chọn khác nhau để thảo luận với Bình Nhưỡng, làm rõ rằng du lịch cá nhân không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các lệnh trừng phạt độc lập của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.

Ngày 3/2, các quan chức Hàn Quốc đã có cuộc gặp với Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong, yêu cầu Washington hợp tác và hỗ trợ các ý tưởng liên quan đến dự án liên Triều của Hàn Quốc. Nhưng cuộc họp này cũng không đi đến đâu, bởi ông Alex Wong đã được bổ nhiệm làm đại diện thay thế của Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị đặc biệt tại Liên hợp quốc ngay sau đó, làm tan rã nhóm đàm phán về vấn đề Bắc Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi Bộ Tài chính Mỹ gần đây đã gọi Bắc Triều Tiên là một “diễn viên tồi”, và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay góp sức trong việc trừng phạt chính quyền miền Bắc. Điều này khiến nỗ lực thu hẹp khác biệt về các vấn đề Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc và Mỹ càng trở nên mờ mịt. 


Bắc Triều Tiên cho phép du lịch khách lẻ từ các quốc gia khác, dù vẫn cấm công dân Hàn Quốc. Mỹ cũng đã cho phép công dân nước này đến miền Bắc trước khi xảy ra vụ việc của sinh viên Otto Warmbier. Vì thế, du lịch cá nhân không vi phạm lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Do đó, chính phủ Hàn Quốc đã hạ quyết tâm đạt thỏa thuận về nội dung này trong mùa xuân năm nay, và đã dần thuyết phục được các quan chức Mỹ. Tôi nghĩ rằng đã có một thỏa thuận giữa Seoul và Washington. Đó là lý do tại sao Hàn Quốc đồng ý gửi quân đến eo biển Hormuz và đáp ứng yêu cầu chia sẻ chi phí quốc phòng của Mỹ ở một chừng mực nhất định.


Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch corona-19 đã kìm hãm kế hoạch của Seoul. Các chuyên gia nhận định tình trạng đình trệ có thể sẽ tiếp diễn đến nửa cuối năm nay. Đáng chú ý là phản ứng khá thờ ơ của Bắc Triều Tiên đối với kế hoạch của Seoul. 


Ưu tiên hàng đầu của Bắc Triều Tiên là cải thiện quan hệ với Mỹ. Chủ tịch Kim Jong-un muốn đạt được một số kết quả hữu hình, ưu tiên mục tiêu nới lỏng các lệnh trừng phạt thông qua một hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo miền Bắc muốn nối lại du lịch núi Geumgang và mở cửa trở lại khu công nghiệp Gaesung. Có lẽ ông Kim hy vọng Mỹ sẽ sớm tạo điều kiện. 


Thật khó để nối lại dự án du lịch núi Geumgang hoặc khu công nghiệp liên Triều, trừ khi đàm phán hai bên có tiến triển. Khu công nghiệp Gaesung đã bị đóng cửa được 4 năm. Các doanh nhân và người dân Hàn Quốc đã tổ chức một hội nghị trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Seoul, kêu gọi Washington chung tay xúc tiến tái khởi động các dự án này. Tuy nhiên, khu công nghiệp lại chính là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, vì vậy Seoul khó có thể can thiệp sâu. Thêm vào đó, với sự lan rộng của dịch corona-19, việc mở lại khu công nghiệp Gaesung sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa. 


Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu công nghiệp Gaesung đã gặp khó khăn trong 4 năm qua. Vì vậy, họ đã gửi kiến nghị lên Bắc Triều Tiên về một số vấn đề cơ bản để mở cửa lại khu công nghiệp. Trên thực tế, quỹ hỗ trợ khu liên hợp công nghiệp Gaesung của Hàn Quốc đã thảo luận với cơ quan phụ trách các dự án phát triển đặc biệt của miền Bắc về việc tổ chức một cuộc họp song phương cấp chuyên viên. Tuy vậy, Bắc Triều Tiên vẫn quyết định đóng cửa biên giới cho đến khi dịch corona-19 được đẩy lùi. Có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tự cô lập chỉ để thể hiện với thế giới rằng nước này hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chính quyền miền Bắc sẽ chỉ nối lại đối thoại với miền Nam khi khách du lịch nước ngoài được phép nhập cảnh trở lại.


Bắc Triều Tiên không có phương án nào tốt hơn ngoài đóng cửa biên giới, bởi nước này thiếu thốn trầm trọng về hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng. Một số người dân Hàn Quốc cho rằng Seoul nên hỗ trợ Bình Nhưỡng để khôi phục quan hệ liên Triều. Một số đề xuất gửi bộ dụng cụ chẩn đoán, khẩu trang, nước khử trùng tay cho miền Bắc. Vì bệnh truyền nhiễm là vấn đề liên quan đến toàn bộ bán đảo Hàn Quốc, một số người kêu gọi đề xuất các kế hoạch hợp tác liên Triều cho tình huống này. Nhưng Seoul không thể tiến hành động thái gì bởi không hề nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng. 


Việc giúp đỡ một quốc gia có hệ thống y tế thiếu thốn như Bắc Triều Tiên trong tình hình hiện tại là cần thiết. Hàn Quốc đã đề nghị hỗ trợ trong các đợt chống dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS), virus Ebola và cúm lợn, nhưng Bắc Triều Tiên không hề phản hồi. Có thể Chính phủ miền Bắc sẽ tiếp tục từ chối đến cùng bất chấp thành ý viện trợ của Seoul, bởi nước này cho rằng lượng trợ cấp là không đủ. Đây là thông điệp gửi đến Chính phủ Hàn Quốc, nhưng nhiều khả năng chủ yếu nhắm đến Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang muốn ám chỉ rằng “Đừng cố thuyết phục Bắc Triều Tiên bằng những hành động nhỏ nhặt khi nước này đang cân nhắc từ bỏ chương trình hạt nhân.”


Mặc dù Bắc Triều Tiên vẫn thờ ơ với những nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều của Hàn Quốc, Seoul sẽ vẫn tiếp tục đề xuất các dự án khả thi, và thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đối thoại. Những đề xuất này bao gồm dự án đường sắt liên Triều, đồng diễu hành đại diện cho một đội thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, và phản hồi đề xuất trợ cấp cho dịch corona-19. Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều tốt hơn, bất chấp phản ứng của Bình Nhưỡng. 


Sau khi tránh được luận tội, Tổng thống Trump không còn lý do gì để tập trung vào các vấn đề của Bắc Triều Tiên từ giờ đến kỳ bầu cử Tổng thống. Nhưng mục tiêu của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in rất rõ ràng, đó là cải thiện quan hệ liên Triều. Mặc dù Mỹ và Bắc Triều Tiên không có đàm phán gì ở thời điểm hiện tại, nhưng Hàn Quốc sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực để tăng cường quan hệ với Bắc Triều Tiên một cách độc lập. Với định hướng đó, các quan chức Seoul sẽ tiếp tục thảo luận về khu công nghiệp Gaesung và du lịch cá nhân.


Mặc dù quan hệ của Seoul với Bình Nhưỡng có vẻ ảm đạm ở thời điểm hiện tại, nhưng quan hệ liên Triều luôn có hy vọng khởi sắc. Chính vì lẽ đó, Hàn Quốc nên tiếp tục thúc đẩy trao đổi và hợp tác bền vững với Bắc Triều Tiên, sẵn sàng ứng phó với các kịch bản khác nhau sau khi dịch corona-19 được đẩy lùi.

Lựa chọn của ban biên tập