Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên

2020-02-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Gần đây, Bắc Triều Tiên đã thay thế nhà ngoại giao hàng đầu Ri Yong-ho, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp ngoại giao, bằng Cựu Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon. Các vị trí chóp bu của Bộ Ngoại giao bị xáo trộn đã thu hút sự chú ý của giới ngoại giao Bắc Triều Tiên, và làm dấy lên nhiều câu hỏi ai sẽ được bổ nhiệm làm đại diện cho đất nước, và nhiệm vụ của họ là gì. Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất sẽ lý giải những câu hỏi này.


Quy trình tuyển chọn cán bộ ngoại giao rất khắt khe

Theo một trang web của Ủy ban Quốc gia Mỹ về Bắc Triều Tiên và Trung tâm Đông-Tây có liên kết với Đại học Hawaii, miền Bắc có quan hệ ngoại giao với 161 quốc gia. Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên được thành lập năm 1948 và có vị thế rất cao trong nước. Thậm chí, cựu lãnh đạo Kim Jong-il còn đặt cơ quan này dưới quyền kiểm soát trực tiếp của ông vào năm 1982. Mọi người đều khao khát trở thành nhà ngoại giao, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được mong muốn. Lý lịch ứng viên phải thực sự trong sạch và năng lực của họ cũng phải được chứng minh. Họ là những người ưu tú được dạy ngoại ngữ từ khi còn nhỏ. Người từng thể hiện tốt nhất trong quá trình tuyển chọn khắt khe này là Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui. Là con gái nuôi của Thủ tướng uy tín Choe Yong-rim, bà Choe Son-hui được học cùng trường trung học cơ sở với con cháu của gia đình họ Kim và giới quyền lực, và trải qua tất cả các giai đoạn cần thiết để trở thành quan chức quan trọng trong Bộ Ngoại giao.

Một nhà ngoại giao quyền lực nổi tiếng khác ở Bắc Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Kang Sok-ju, người đóng vai trò then chốt trong quá trình ký kết Khung thỏa thuận Geneva, đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 1994. Ông đã làm nghiên cứu tại Matxcơva (Nga) sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng. Theo sau Thứ trưởng Kang Sok-ju là Kim Kye-gwan vào những năm 2000, cũng học cùng trường đại học với ông Kang. Quá trình đào tạo nghiêm ngặt giúp họ trở thành những người hiểu biết sâu rộng trong các vấn đề đối ngoại và quan hệ toàn cầu, nhưng những hành động của họ trong cộng đồng quốc tế lại được xem là gây hấn nghiêm trọng. 


Hành động như các “chiến binh ngoại giao” trên trường quốc tế

Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khá hung hãn, đúng với cái danh “chiến binh ngoại giao”. Để thực thi các chỉ thị từ đảng Lao động Bắc Triều Tiên, họ đại diện cho chế độ để tranh luận, bất chấp các lệnh trừng phạt và mọi chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Hành động của họ là một phần trong chiến lược ngoại giao của Bình Nhưỡng nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia bằng cách phát triển kho vũ khí hạt nhân và chế ngự hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Chiến thuật nổi tiếng nhất của giới ngoại giao miền Bắc là “bên miệng hố chiến tranh”, tức là đẩy tình huống đến đỉnh điểm xung đột. Chiến thuật này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui sử dụng tháng 12 năm ngoái khi gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “lão già lẩm cẩm”, và đổ lỗi cho Washington vì đã trì hoãn các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Những hành động trắng trợn và không phù hợp của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, như công khai lăng mạ một nhà lãnh đạo nước ngoài, đã nhận phải chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là hành vi đáng trách duy nhất của giới ngoại giao miền Bắc. Thậm chí, họ còn tham gia các hoạt động tội phạm trong một số trường hợp. 


Tham gia vào một số hoạt động tội phạm xuyên quốc gia

Một báo cáo năm 2017 của “Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” đã vạch trần tội ác của giới ngoại giao Bắc Triều Tiên, cho rằng những người sở hữu hộ chiếu ngoại giao của miền Bắc có dính líu đến hơn 18 vụ buôn lậu sừng tê giác và ngà voi trong 30 năm qua.

Tình hình ngày càng khó khăn hơn bởi chính phủ các nước đã cắt giảm số lượng nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở nước họ trong nỗ lực thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc lên miền Bắc. 

Các nhà ngoại giao thường đại diện cho vị thế và uy tín của một quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên đối với Bắc Triều Tiên, giới ngoại giao buộc phải làm việc như một cơ quan ngôn luận của chế độ và kiếm thêm nguồn thu cho chính phủ. Các hoạt động phi pháp càng tiếp diễn thì các cán bộ ngoại giao miền Bắc càng khó lòng chiếm được lòng tin của cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập