Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm tranh cử.

2020-02-20

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Gần một năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước đã gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo ba nước Hàn-Triều-Mỹ đã tổ chức một cuộc họp ngắn tại làng biên giới liên Triều Bàn Môn Điếm vào tháng 6 năm ngoái. Bình Nhưỡng và Washington cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên hồi tháng 10, nhưng không đem lại kết quả gì.

Một số quan chức Mỹ từng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên đã được thay thế gần đây, làm dấy lên lo ngại tiến trình đàm phán phía trước sẽ còn nhiều thách thức hơn nữa. Phó Đặc phái viên về Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Alex Wong đã được đề cử làm đại diện thay thế của Mỹ cho các vấn đề chính trị đặc biệt tại Liên hợp quốc, nghĩa là đang có khoảng trống trong đội hình ngoại giao phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Washington, và việc tái kích hoạt kênh đối thoại Mỹ-Triều vốn đang đình trệ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc phân tích.


Cả Bắc Triều Tiên và Mỹ đã thay đổi các quan chức từng tham gia hội nghị thượng đỉnh Hà Nội và đàm phán cấp chuyên viên ở Stockholm. Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã được đề bạt làm Thứ trưởng Ngoại giao, ông Mark Lambert và ông Alex Wong được giao các chức trách mới - một động thái có thể làm suy yếu đội hình đàm phán của Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Trump tin rằng ông đã đạt được một số thành tựu nhất định liên quan đến chính sách đối với Bình Nhưỡng. Ông Trump chắc chắn các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên sẽ không làm chệch hướng chiến dịch tranh cử của mình, miễn là miền Bắc kiềm chế các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Rõ ràng, Tổng thống Mỹ đã quyết định duy trì tình hình như hiện tại. Tất nhiên, kịch bản tốt nhất sẽ là một số kết quả hữu hình tại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, có lẽ người đứng đầu Nhà trắng nhận thức rõ thách thức khó khăn này. Hiện tại, ông Trump không nhất thiết phải đạt được thỏa thuận rõ ràng tại các cuộc đối thoại, do đó, không có lý do gì để tổ chức một đội ngũ đàm phán cho mục đích này.


Không rõ Washington sẽ lấp chỗ trống trong nhóm đàm phán hạt nhân vào thời điểm nào và cách thức ra sao. Quyết định thay thế có thể sẽ không được đưa ra trong thời điểm hiện tại, khiến triển vọng đàm phán với Bắc Triều Tiên thêm phần ảm đạm. Phía Chính phủ Hàn Quốc lại khẳng định sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng, bởi ông Stephen Biegun vẫn đảm nhiệm chức vụ Đại diện đặc biệt cho Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa nhấn mạnh những lo ngại về lỗ hổng trong các vấn đề của Bắc Triều Tiên là không có căn cứ, vì ông Biegun vẫn đóng vai trò hàng đầu trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên, trong khi đó Seoul và Washington cũng đang xúc tiến nhiều kênh liên lạc khác nhau. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại có thể Mỹ sẽ không đáp trả thích hợp với các diễn biến khó lường liên quan đến Bắc Triều Tiên.


Tuy được cho là vẫn tiếp tục dẫn đầu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, ông Stephen Biegun đang phải giải quyết một loạt các vấn đề phạm vi toàn thế giới với cương vị mới là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Vì vậy, ông Biegun không thể chỉ tập trung vào các vấn đề của Bắc Triều Tiên như trước đây, và mối quan tâm của ông với đối thoại Mỹ-Triều chắc chắn sẽ giảm sút. Tuy vậy, chính quyền Seoul nhận định không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy đội ngũ đàm phán của Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên đã suy yếu.


Một loạt các thay đổi nhân sự của Mỹ có liên quan đến bầu không khí chính trị gần đây ở Washington. Tổng thống Trump đã không hề đề cập đến Bắc Triều Tiên trong bài phát biểu Thông điệp liên bang ngày 4/2. Vào ngày 10/2, Đài CNN của Mỹ đưa tin ông Trump không muốn một hội nghị thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống. Ngày 12/2, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien đã đưa ra một vài nhận xét mơ hồ về sự cần thiết của một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thậm chí đã gọi Bắc Triều Tiên là “quốc gia lừa đảo”. Nhìn chung, triển vọng cho đối thoại Mỹ-Triều đang ngày càng u ám.


Hiện tại, Tổng thống Trump sẽ nghiêm túc tập trung vào chiến dịch tái tranh cử. Các vấn đề ngoại giao, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, chưa bao giờ tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn bị ảnh hưởng bởi chính trị trong nước, các bê bối, vấn đề về thuế, bảo hiểm y tế, tình hình kinh tế và nhiều vấn đề trong nước khác. Ông Trump đã huênh hoang rằng việc Bắc Triều Tiên đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo ICBM là thành tựu ngoại giao của mình. Vì vậy, Tổng thống Mỹ cho rằng mọi chuyện sẽ ổn, miễn là nhà lãnh đạo miền Bắc không vượt qua lằn ranh đỏ. Có vẻ ông Trump không còn nhiều hứng thú với các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên.


Thái độ không mấy mặn mà của Tổng thống Mỹ là một dấu hiệu không tốt cho Bắc Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un đã cảnh báo rằng có thể Bình Nhưỡng sẽ có những hành động gây sốc và Washington sẽ chứng kiến một vũ khí chiến lược mới. Đáp lại thái độ khá thờ ơ gần đây của Mỹ, có thể miền Bắc sẽ có động thái khiêu khích mạnh mẽ hơn nhằm giành thế thượng phong trong đàm phán.


Việc ông Trump ít quan tâm hơn đến vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ khiến đàm phán phi hạt nhân hóa mất đi động lực, buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải đưa ra các hành động khiêu khích như thử hạt nhân hoặc ICBM, vốn được coi là hành động vượt qua lằn ranh đỏ. Miền Bắc hiểu rõ sự nguy hiểm khi vượt giới hạn, nhưng cũng đồng thời nhận thức được đó là cách duy nhất để thu hút sự chú ý của người đứng đầu Nhà Trắng. Để giải quyết vấn đề nan giải này, Bắc Triều Tiên có thể sẽ đe dọa Mỹ bằng cách “chạm” vạch đỏ. Cụ thể, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành thử nghiệm động cơ tên lửa, tăng lượng vật liệu hạt nhân hoặc khôi phục bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye. Nhưng nếu những hành động khiêu khích này không tạo ra hiệu ứng mong muốn, Bắc Triều Tiên có thể sẽ đi xa đến mức vượt qua lằn ranh đỏ. Đây là một kịch bản rất đáng lo ngại.


Nhiều nhà phân tích dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ không vượt qua ranh giới đỏ trong thời điểm hiện tại, vì động thái khiêu khích cường độ mạnh như vậy có thể phá vỡ hoàn toàn các cuộc đàm phán với Mỹ. Miền Bắc không hề mong muốn điều này. Hơn nữa, Wasington vẫn đang trong tâm thế theo đuổi đối thoại với Bình Nhưỡng. Rõ ràng, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực đến quan hệ Mỹ-Triều, mặc dù hy vọng cho các cuộc đàm phán giữa hai bên đang giảm dần.


Lập trường của Mỹ là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Năm ngoái, ông Biegun đã đến thăm Seoul để đề xuất một cuộc gặp với Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, và thực hiện một chuyến thăm không báo trước đến Bắc Kinh. Điều này đã thể hiện cam kết đối thoại của Washington với Bình Nhưỡng. Ông Alex Wong gần đây cũng đã đến Seoul để thảo luận ý tưởng của chính phủ Hàn Quốc về việc thực hiện các chuyến du lịch cá nhân tới Bắc Triều Tiên và giải pháp khai thông bế tắc trong quan hệ liên Triều. Rõ ràng, chính phủ Mỹ vẫn đang rộng mở cánh cửa đối thoại. Sẽ thật lý tưởng nếu miền Bắc và Mỹ cùng nỗ lực đạt tiến triển đàm phán hạt nhân thông qua đối thoại, cũng là phương thức ngăn chặn Bắc Triều Tiên vượt qua lằn ranh đỏ ngoài mong muốn của Mỹ.


Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực để giữ đà đối thoại giữa miền Bắc và Mỹ. Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa nhận định các cuộc đàm phán liên Triều nên được kết nối với đối thoại Mỹ Triều, tạo ra một mối liên kết đồng bộ và hiệu ứng dây chuyền. Bà Kang cũng nhấn mạnh hồi sinh hợp tác liên Triều là một trong những mục tiêu của chính quyền Seoul trong năm nay. Có vẻ Mỹ đang ủng hộ định hướng của Hàn Quốc.

Quan hệ hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc đã rơi vào đình trệ kể từ thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Hy vọng rằng nỗ lực cải thiện quan hệ xuyên biên giới của chính phủ Hàn Quốc sẽ tạo thuận lợi cho đối thoại Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập