Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng vũ khí lần thứ hai trong vòng một tuần

2020-03-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Bắc Triều Tiên ngày 9/3 đã phóng vũ khí nhiều chủng loại về phía Biển Đông từ khu vực Sondok, tỉnh Nam Hamgyeong, vùng Đông Bắc nước này. Đây là lần thứ hai Bình Nhưỡng phóng vũ khí trong năm nay, tròn một tuần sau vụ phóng “pháo phản lực siêu lớn” ở khu vực Wonsan ngày 2/3. Truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát đợt tập trận pháo binh này. Vụ thử nghiệm đã giáng một đòn khá bất ngờ lên Hàn Quốc, bởi trước đó 5 ngày, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un còn gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk phân tích những ẩn ý đằng sau các hành động khiêu khích liên tiếp của Bình Nhưỡng.


Bắc Triều Tiên đã phóng vũ khí vào ngày 2/3 và 9/3. Trong khoảng thời gian đó, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã chỉ trích nặng nề Phủ Tổng thống Hàn Quốc, trong khi Chủ tịch Kim lại gửi thư cho Tổng thống Moon. Có vẻ Bắc Triều Tiên đang cố gắng tiếp cận đồng thời hai hướng, vừa gửi cảnh báo tới Chính phủ Hàn Quốc vừa tìm cách giao thiệp với Tổng thống. Tôi đoán vụ thử nghiệm còn có mục đích củng cố hệ thống vũ khí và tăng cường thống nhất nội bộ, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ đang bế tắc.


Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định có khả năng Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa bằng hệ thống phóng vũ khí đa năng siêu lớn, cho biết các vũ khí đã bay được quãng đường tối đa khoảng 200 km, đạt đỉnh độ cao khoảng 50 km.

Bắc Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ thử nghiệm pháo phản lực siêu lớn trong năm ngoái, và cả tuần trước. Thời gian giữa các lần phóng giảm rõ rệt qua từng đợt, cụ thể, đợt thử nghiệm đầu tiên ngày 24/8 năm ngoái là 17 phút, đợt hai ngày 10/9 là 19 phút, đợt ba ngày 31/10 là ba phút và đợt bốn ngày 28/11 giảm xuống chỉ còn 30 giây. Trong vụ phóng tuần trước, các lần bắn chỉ cách nhau 20 giây, cho thấy miền Bắc đã nâng cao năng lực phóng vũ khí. Trong cuộc thử nghiệm đầu tuần này, hai vũ khí đầu tiên cũng được phóng cách nhau 20 giây.


Quân đội Hàn Quốc cho rằng nếu được bắn về phía trước với tầm bắn tối đa hơn 400 km, các vũ khí có thể chạm đến căn cứ không quân của Hàn Quốc ở Cheongju và gần sát nút căn cứ tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) ở Seongju.

Một điểm đáng lưu ý nữa là liệu cuộc thử nghiệm mới nhất của Bắc Triều Tiên có thành công hay không. Thời gian giữa các lần bắn đã giảm xuống còn 20 giây, cho thấy năng lực phát triển vũ khí của Bắc Triều Tiên đang được cải thiện. Do đó, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần củng cố “hệ thống phòng thủ ba trục” để chống lại các mối đe dọa tăng cường từ vũ khí của Bắc Triều Tiên.


Liên quan đến vụ phóng vũ khí của Bình Nhưỡng hôm 9/3, Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhận định các động thái này không hề có lợi cho những nỗ lực hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Sau vụ phóng tương tự tuần trước, văn phòng đã ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn giữa các Bộ trưởng liên quan, bày tỏ lấy làm tiếc về hành động gây ra căng thẳng quân sự của Bắc Triều Tiên, và yêu cầu Bình Nhưỡng dừng các hành động tương tự. Nhưng với lần phóng tuần này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã tránh sử dụng các diễn đạt có thể kích động miền Bắc.


Chúng ta phải lưu ý rằng Chủ tịch Kim đã gửi một lá thư cá nhân cho Tổng thống Moon, truyền tải thông điệp hai miền nên thông cảm và hợp tác với nhau. Tổng thống Hàn Quốc cũng đã gửi thư phúc đáp. Thật khó để mong đợi bất kỳ cải thiện nào trong mối quan hệ Mỹ-Triều ở thời điểm hiện tại, vì Mỹ đã bước vào giai đoạn bầu cử Tổng thống. Trong tình huống này, có thể Hàn Quốc đã cân nhắc khả năng liên lạc giữa lãnh đạo hai miền, và sự cần thiết của việc duy trì tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, Seoul muốn ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí và thực hiện các hành động khiêu khích theo thói quen. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Hàn Quốc đã không bình luận gay gắt về động thái thử vũ khí mới nhất của miền Bắc.


Khi em gái Chủ tịch Kim đả kích Phủ tổng thống Hàn Quốc, nhiều chuyên gia lo ngại rằng mối quan hệ xuyên biên giới đã thực sự chạm đáy. Nhưng ngay ngày hôm sau, nhà lãnh đạo miền Bắc lại gửi thư cho Tổng thống Moon, bày tỏ cảm thông về dịch corona-19 ở Hàn Quốc, khiến giới chuyên gia càng thêm bối rối.


Bức thư của Chủ tịch Kim bày tỏ sự cảm thông và động viên nhân dân Hàn Quốc trong cuộc chiến đấu chống lại dịch corona-19, thể hiện sự tương phản rõ rệt với những lời lên án mạnh mẽ của em gái ông ngày hôm trước, cũng như các động thái khiêu khích của miền Bắc. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào bức thư, vì nó chứa đựng quan điểm cá nhân của nhà lãnh đạo hàng đầu Bắc Triều Tiên. Tuy vậy, vẫn có nhiều người miền Bắc giữ lập trường cứng rắn đối với Hàn Quốc, trong đó có cả em gái ông. Những nhận xét gay gắt của bà đã phản ánh hiện trạng của quan hệ liên Triều.


Lá thư của Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện ngay sau tuyên bố của em gái ông. Giới phân tích nhận định động thái thay đổi thái độ đột ngột này có lẽ đã được lên kế hoạch cẩn thận. Tức là nhà lãnh đạo Kim và em gái đã phối hợp ăn ý để đạt được cả hai mục đích là vừa an ủi Tổng thống và người dân Hàn Quốc, vừa chỉ trích Phủ tổng thống và Chính quyền Seoul.


Rõ ràng, Bắc Triều Tiên đang áp dụng cách tiếp cận hai chiều. Trong tình hình hiện tại, miền Bắc sẽ không hưởng lợi nhiều với chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” điển hình thường sử dụng trước đây. Để quản lý tình hình trong nước ổn định hơn, Bình Nhưỡng cho rằng phải vừa tìm kiếm hợp tác vừa gây áp lực lên Seoul. Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên đang có ý định hợp tác với miền Nam trong các chương trình chung như dự án khu công nghiệp Gaeseong và tour du lịch núi Geumgang.


Về tuyên bố của Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, một số nhà phân tích dự đoán rất khó để mong đợi quan hệ hai miền Nam-Bắc được cải thiện. Mặt khác, một số lại nhận định bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tạo ra xung lực khôi phục quan hệ xuyên biên giới. Giữa những quan điểm trái chiều đó, động thái khiêu khích lần thứ hai trong tuần qua của Bình Nhưỡng một lần nữa cho thấy vấn đề quan hệ liên Triều chưa bao giờ là bài toán dễ dàng.

Sau hàng loạt các động thái khiêu khích vũ khí, chỉ trích gay gắt, bức thư thân tình, ngay sau đó lại là một hành động khiêu khích khác của miền Bắc, Chính phủ Hàn Quốc đang gặp áp lực về cách thức duy trì quan hệ với quốc gia láng giềng. Song, cần phân tích thái độ nước đôi của Bắc Triều Tiên từ góc độ dài hạn.


Hàn Quốc cũng dự kiến áp dụng chính sách nước đôi để đối phó với Bắc Triều Tiên. Miền Nam phải lên các kế hoạch cẩn thận, thay vì tạo ra xung đột không cần thiết với miền Bắc. Đầu tiên, Chính phủ nên thực hiện những nỗ lực ngoại giao bằng cách hợp tác với các đồng minh, trong đó có Mỹ, để khuyến khích Bắc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa và mở cửa xã hội. Đồng thời, chúng ta cần đề xuất các cuộc đàm phán quân sự liên Triều để thảo luận về các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và các vụ phóng vũ khí tầm ngắn của miền Bắc. Song song với quá trình đó, Seoul nên ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp diễn những hành động khiêu khích. Về mặt kinh tế, miền Nam cũng cần thực hiện các dự án chung và trao đổi riêng với miền Bắc tích cực hơn. Tóm lại, Seoul nên phản ứng mạnh mẽ trước mọi hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng, đồng thời tăng cường nỗ lực thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến vào con đường cởi mở hơn và cùng tồn tại.


Nhiều chuyên gia tin rằng hành động trao đổi thư giữa hai nhà lãnh đạo đã tạo ra bước đột phá cho hợp tác song phương, dù không lớn. Trong tuần qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ trong quan hệ liên Triều, vốn đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại tại Hà Nội tháng 2 năm ngoái. Chính phủ Hàn Quốc cần đáp trả thích hợp chiến lược hai mặt của Bắc Triều Tiên và điều chỉnh linh hoạt chính sách với miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập