Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thay đổi lớn trong đội hình ngoại giao của Bắc Triều Tiên

2020-03-19

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tập các thành viên gia đình ông ở nước ngoài về nước, chức vụ của họ cũng được thay thế bởi các quan chức ngoại giao khác. Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao miền Bắc tuyên bố Quyền Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ Choe Kang-il sẽ đảm nhận vai trò tân Đại sứ tại Áo, thay thế người tiền nhiệm Kim Kwang-sop. Cùng với đó, cựu Vụ trưởng Vụ Châu Âu thứ hai Ju Won-chol đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Cộng hòa Séc, thay thế ông Kim Pyong-il. Bộ Ngoại giao cũng điều Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Choe Il sang làm Đại sứ tại Ba Lan, ông Han Song-u làm tân Đại sứ tại Iran và ông Jong Song-il làm Đại sứ tại Nam Phi.

Trong các quan chức ngoại giao mới được bổ nhiệm, nhân vật thu hút nhiều sự chú ý nhất là ông Choe Kang-il, tân Đại sứ tại Áo. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích về đợt cải tổ mới nhất trong giới chop bu Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên.

 

Ông Choe Kang-il là một trong những thành viên của phái đoàn Bắc Triều Tiên tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang tại Hàn Quốc tháng 2/2018, tháp tùng ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động. Nhưng ông được biết đến nhiều hơn nhờ tích cực tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ với tư cách chuyên gia về các vấn đề hạt nhân. Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai tại Hà Nội tháng 2 năm ngoái, ông Choe cùng ông Kim Hyok-chol là hai đại diện đặc biệt của Bình Nhưỡng tham gia thảo luận chương trình nghị sự cho hội nghị với các quan chức Mỹ. Ông cũng tham dự các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Tóm lại, ông Choe đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ trước đây, nên việc ông này nhậm chức Đại sứ tại Áo chắc chắn đáng chú ý.

 

Giới phân tích cho rằng việc bổ nhiệm một chuyên gia lâu năm về các vấn đề của Mỹ như ông Choe Kang-il làm đặc phái viên hàng đầu tại Áo báo hiệu sự tan rã của nhóm đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngụ ý rằng Bình Nhưỡng không còn quan tâm đến các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Christopher Hill cũng đồng tình với quan điểm này. Ngày 16/3, ông Hill dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ không hé lộ bất kỳ thay đổi lớn nào từ giờ đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Một số khác lại nhận định ông Choe đã được bổ nhiệm đúng vị trí, bởi Vienna là nơi lý tưởng cho các cuộc đàm phán không chính thức giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Điều này cũng làm dấy lên một số suy đoán rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ sử dụng Áo làm “kênh New York” thứ hai, vì cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có trụ sở chính đặt tại Vienna.

 

Vienna là trung tâm ngoại giao ở châu Âu, nơi Bắc Triều Tiên và Mỹ thường tổ chức các cuộc họp. Tại Vienna, nơi đặt trụ sở của IAEA, chuyên gia hạt nhân Choe có thể thảo luận các vấn đề hạt nhân với các quan chức IAEA trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên có thể diễn ra trong tương lai với Mỹ.

Một số chuyên gia khác lại có quan điểm trái ngược, đó là Bắc Triều Tiên đã loại ông Choe ra khỏi nhóm đàm phán hạt nhân, vì nước này tin rằng khó có thể đối thoại với Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống.

 

Một nhân vật đáng chú ý khác là ông Ju Won-chol, chuyên gia về các vấn đề châu Âu, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Cộng hòa Séc. Theo trang tin chuyên về Triều Tiên NK News trụ sở tại Mỹ, ông Ju từng là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Praha, Cộng hòa Séc. Ông được cho là rất thông thạo tiếng Séc vì đã theo học tại Viện nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông, Đại học Charles danh tiếng ở Praha. Từ tháng 1/2015 đến tháng 12 năm ngoái, vị trí Đại sứ Cộng hòa Séc do ông Kim Pyong-il, em cùng cha khác mẹ của cựu lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il, đảm nhiệm.

 

Rất nhiều người Hàn Quốc biết đến ông Kim Pyong-il, người thân của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông này chỉ xuất hiện trong một số dịp như tang lễ cha - người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành năm 1994, và tại hội nghị các Đại sứ năm 2015. Ông Kim đã sống lưu vong ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ. Có vẻ ông đã được triệu hồi về Bình Nhưỡng đột ngột vào tháng 12 năm ngoái, làm dấy lên suy đoán rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lấy lại được tự tin và củng cố vững vàng chế độ của mình.

 

Người tiền nhiệm của tân Đại sứ tại Áo Choe Kang-il là ông Kim Kwang-sop, con rể của cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành, còn ông Kim Pyong-il là em cùng cha khác mẹ của cựu lãnh đạo Kim Jong-il. Việc Chủ tịch Kim Jong-un triệu tập hai thành viên gia đình đã sống trôi dạt ngoài Bắc Triều Tiên trở về khiến nhiều người tin rằng nhà lãnh đạo miền Bắc đã đủ tự tin và không còn cảm thấy mối đe dọa từ họ.

 

Trong những năm đầu cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một giai đoạn khó khăn để củng cố quyền lực. Ông lên nắm quyền sau khi cha bất ngờ qua đời, và tôi đoán lúc đó ông chưa hề sẵn sàng. Thế giới bên ngoài đã nghi ngờ về khả năng dẫn dắt, ổn định chế độ của nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Vụ xử tử dã man người chú ruột Jang Song-thaek đã phần nào phản ánh rằng Chủ tịch Kim chưa đủ tự tin. Nhưng giờ đây, nhà lãnh đạo miền Bắc đã tích cực tăng cường quyền lực, thậm chí còn tổ chức đối thoại song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

Trong một kịch bản khác, Chủ tịch Kim Jong-un có thể đã lo lắng rằng các cựu Đại sứ có khả năng xin tị nạn khi cư trú ở nước ngoài. Dù lý do là gì thì trên thực tế, các Đại sứ cũng không thể tham gia các hoạt động ngoại giao đúng nghĩa, vì Bắc Triều Tiên theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các động thái của họ. Việc nhà lãnh đạo Kim thay thế lớp Đại sứ lần này được cho là vì ông kỳ vọng các quan chức khác sẽ đảm nhận tốt vai trò của mình và đạt được một số kết quả nhất định.

 

Trong quá khứ, cộng đồng quốc tế hầu hết đều không chấp nhận chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên. Không có gì quá ngạc nhiên khi Bắc Triều Tiên khá thụ động trong các hoạt động ngoại giao. Nhưng chính quyền đương nhiệm đã cam kết ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc để theo đuổi mục tiêu trở thành một “quốc gia bình thường”. Tất nhiên, mặc dù quan hệ với Mỹ rất quan trọng, Chủ tịch Kim có thể cho rằng giành được sự ủng hộ từ các nước châu Âu cũng là rất cần thiết để dẫn dắt các cuộc đàm phán hạt nhân theo ý muốn. Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nữa khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và việc tạo tiền đề thuận lợi cho Bắc Triều Tiên ở châu Âu trong thời gian đó là rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao miền Bắc quyết định cử các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đến châu Âu.

 

Sau các cuộc bổ nhiệm tân Đại sứ gần đây, quyền lực của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Son-gwon dự kiến sẽ được củng cố hơn nữa. Khi còn là Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc, ông Ri đã nổi tiếng với những lời xúc phạm các doanh nhân Hàn Quốc khi họ đến thăm Bình Nhưỡng tháng 9/2018, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Một Ngoại trưởng có thái độ cứng rắn đối với Hàn Quốc được củng cố quyền lực rõ ràng không phải tin vui cho Chính phủ Hàn Quốc.

 

Chính quyền Seoul có thể sẽ thấy áp lực khi phải ứng đối ngoại giao với tân Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên có lập trường cứng rắn với Hàn Quốc. Tôi nghĩ từ trước đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển tốt về ngoại giao và cần tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế khi làm việc với Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.

 

Seoul cần hết sức chú ý đến tân Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Áo Choe Kang-il, đồng thời tích lũy chuyên môn cho cuộc chiến ngoại giao xoay quanh IAEA. Chính phủ Hàn Quốc nên phân tích kỹ lưỡng động thái thay đổi mới nhất trong đội hình ngoại giao của miền Bắc, từ đó đưa ra chiến lược hiệu quả để thuyết phục Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập