Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Dịch corona-19 kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên

2020-03-26

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Nhiều nhà phân tích suy đoán nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang rơi vào khủng hoảng do dịch corona-19. Quốc gia khép kín này đã đóng cửa biên giới hai tháng qua để ngăn chặn virus lây lan vào lãnh thổ. Do đó, thương mại với Trung Quốc và Nga cũng như thu nhập ngoại tệ đang tiếp tục giảm sâu, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang khó khăn. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk phân tích sâu hơn.


Giao thương với Trung Quốc và tại thị trường tư nhân (jangmadang) là hai nguồn thu chính cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền cô lập miền Bắc đã đình chỉ thương mại với Trung Quốc trong hai tháng, gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn thu ngoại tệ, vốn được coi là rất quan trọng đối với chế độ cộng sản.

Tình hình lương thực tại đây cũng đang khá nghiêm trọng. Bắc Triều Tiên nhập khẩu một lượng đáng kể thực phẩm, nguyên liệu thô và các hàng hóa khác từ Trung Quốc. Gián đoạn nhập khẩu nhu yếu phẩm đang gây chấn động lên toàn bộ nền kinh tế miền Bắc. Khó khăn kinh tế nghiêm trọng của Bắc Triều Tiên cũng đang nổi lên như một vấn đề toàn cầu.


Ngày 17/3, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ xuất hiện tại lễ khởi công Bệnh viện đa khoa Bình Nhưỡng, và chỉ đạo các quan chức hoàn thành xây dựng trước lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động vào tháng 10. Tại đây, Chủ tịch Kim nhấn mạnh: “Đây là thời điểm khắc nghiệt chưa từng thấy ở cả trong và ngoài nước”. Ngày 10/3, một trang web tuyên truyền của Bắc Triều Tiên nhận định tăng cường các biện pháp kiểm dịch quyết liệt trong bối cảnh thiệt hại kinh tế nặng nề là không hề dễ dàng. Một loạt báo cáo trên các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên đang hé lộ những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế miền Bắc.


Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại buổi lễ khởi công ở Bình Nhưỡng tuần trước đã thu hút sự chú ý, bởi ông đề cập đến tình hình khó khăn của đất nước. Rõ ràng, Chủ tịch Kim đang kêu gọi toàn dân cùng chung tay vượt qua khó khăn. Nhưng điều này cũng cho thấy nền kinh tế miền Bắc đang trong tình trạng nguy kịch thực sự. Bình Nhưỡng có thể sẽ gặp khó khăn trong một thời gian.


Nền kinh tế Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đình chỉ thương mại với Trung Quốc, vốn chiếm hơn 90% giao dịch ngoại thương của miền Bắc. Năm ngoái, Trung Quốc đã gửi một lượng lớn khách du lịch đến Bắc Triều Tiên, cung cấp một lượng ngoại tệ đáng kể cho đồng minh cộng sản. Du lịch không nằm trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên Bắc Triều Tiên. Nhưng miền Bắc hiện không thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc do đại dịch corona-19.

Chính Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào tháng 1. Nhưng giờ đây, có thông tin cho rằng Trung Quốc, nơi tình hình dịch bệnh đang tiến triển khả quan, lại đang chủ trương hạn chế thương mại chính thức và không chính thức với Bắc Triều Tiên để ngăn chặn virus tái xâm nhập vào lãnh thổ nước mình.


Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên hiện tại, thương mại Trung-Triều đang trải qua thời kỳ sụt giảm nghiêm trọng. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản trích dẫn dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho biết tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 năm nay đạt 10,7 triệu USD, giảm gần 72% so với năm ngoái. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 23,2% trong cùng kỳ. Điều đó có nghĩa là tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm đang ngày càng trầm trọng ở miền Bắc nghèo khó. Đại dịch corona-19 lây lan toàn cầu càng khiến Bình Nhưỡng không thể mở cửa biên giới, dù dịch bệnh ở Trung Quốc đang có dấu hiệu thuyên giảm.


Nếu những người bán rong hoặc buôn lậu gặp khó khăn trong việc đưa hàng hóa Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên, thì thị trường tư nhân (jangmadang) ở đây cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Giá gạo và các mặt hàng khác được cho là đã tăng vọt ở khu vực biên giới kể từ khi đóng cửa.


Cho đến nay, jangmadang luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Bắc Triều Tiên, bởi tại đây, các giao dịch thương mại được tiến hành, tiền tệ được trao đổi, công việc được cung cấp hoặc tìm kiếm, và thông tin được chia sẻ. Đây là địa điểm dành cho tài chính tư nhân và các giao dịch bất động sản cũng như thuốc men. Nhưng giờ đây, thương mại chính thức với Trung Quốc và buôn lậu bị cản trở, hàng hóa không được cung cấp cho jangmadang. Khó khăn trong việc nhập khẩu gạo, bột mì, đường, dầu ăn và các nhu yếu phẩm khác đã khiến giá cả đội lên từ 20 đến 50%. Các jangmadang không được vận hành thông suốt đã làm suy giảm chất lượng sống của người dân. Một số quan điểm bi quan còn cho rằng nhiều người sẽ chết vì đói hơn là vì virus.


Điều đáng buồn là tình hình khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ còn tiếp diễn. Giáo sư William Brown đến từ Đại học Georgetown của Mỹ dự báo hồi tháng trước rằng nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ thất bại thảm hại nếu người dân địa phương không làm việc cùng nhau trong vụ lúa bận rộn, và nước này tiếp tục duy trì đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong tháng 4 tới. Báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) tại Seoul trình bày dự đoán chi tiết hơn.


Theo báo cáo do nhóm chuyên gia tư vấn công bố hôm 24/3, Bắc Triều Tiên vốn đang chịu lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn kinh tế nghiêm trọng hơn trong năm nay, do đại dịch corona-19 và nguồn thu ngoại tệ giảm mạnh. Đáng chú ý, năm ngoái, Bình Nhưỡng đã ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất từ trước đến nay với Bắc Kinh. Viện nghiên cứu dự đoán rằng thương mại của miền Bắc với Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong năm nay, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới.


Đối với Bắc Triều Tiên, khắc phục dịch corona-19 để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Chủ nhật tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị giúp miền Bắc đối phó với đại dịch, trong khi Lãnh đạo Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên và Iran để cả thế giới cùng nỗ lực đối phó với dịch corona-19. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, đang bày tỏ ý định hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên.


Cộng đồng quốc tế nên cung cấp viện trợ cho miền Bắc, nơi các hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe không được thiết lập tốt. Trong khi Bình Nhưỡng phủ nhận chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm corona-19 nào, rất nhiều ý kiến nghi ngờ dịch bệnh đã lây lan ở nước này. Điều quan trọng là phải hành động kịp thời và phù hợp để hỗ trợ Bắc Triều Tiên phòng chống dịch bệnh trong hòa bình, không chỉ ở Đông Bắc Á mà trên toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế nên cùng hợp tác trong vấn đề này.


Nhiều người cho rằng khủng hoảng kinh tế của Bắc Triều Tiên nên được thảo luận trong bối cảnh hợp tác kiểm dịch của cộng đồng quốc tế. Bắc Triều Tiên cần nhận thức rõ tiếp nhận hỗ trợ và hợp tác cùng cộng đồng quốc tế là cần thiết để ứng phó hiệu quả với đại dịch corona-19.

Lựa chọn của ban biên tập