Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tổ chức Hội nghị nhân dân tối cao

2020-04-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên mới triệu tập phiên họp toàn thể Hội đồng nhân dân tối cao (tương đương Quốc hội Hàn Quốc). Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV đã mở phiên họp thứ ba tại Đại lễ đường Mansudae ở Bình Nhưỡng ngày 12/4, do Chủ tịch Quốc hội Choe Ryong-hae chủ trì. Khoảng 680 đại biểu đã tham gia phiên họp, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên có thông tin là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không tham dự.
 Phiên họp vốn dự kiến diễn ra ngày 10/4, nhưng đã bị hoãn lại mà không có lý do. Có nhiều diễn giải khác nhau về nguyên nhân trì hoãn của cuộc họp. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích.
 
 Theo tờ báo trực tuyến Daily NK trụ sở tại Seoul, chuyên cung cấp tin tức về Bắc Triều Tiên, phiên họp toàn thể Hội đồng nhân dân tối cao của Bắc Triều Tiên bị hoãn có liên quan đến dịch COVID-19. Được biết, tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp tại Bình Nhưỡng đều phải xét nghiệm virus. 7 người trong số đó được cho là có dấu hiệu sốt, khiến miền Bắc phải vội vàng hoãn cuộc họp. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc lại giải thích lịch trình được điều chỉnh do một số sự kiện chính trị chưa được xác định ở miền Bắc. Theo một diễn giải khác, thay đổi lịch trình lần này có thể liên quan đến một số điều chỉnh chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên, đã được thảo luận tại cuộc họp Bộ Chính trị của đảng Lao động do Chủ tịch Kim Jong-un chủ trì. Theo đó, phiên họp Hội đồng nhân dân tối cao đã bị hoãn lại vì Bình Nhưỡng muốn tổ chức sau cuộc họp của Bộ Chính trị
.
 
 Cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra ngày 11/4, sớm hơn Hội nghị nhân dân tối cao một ngày, với ưu tiên thảo luận hàng đầu là công tác phòng chống dịch COVID-19. Cuộc họp cũng đề cao vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, miền Bắc càng phải nỗ lực quản lý tình hình kinh tế. 


Cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động đã thông qua nghị quyết chung kêu gọi thực thi các biện pháp triệt để hơn để bảo vệ cuộc sống và an toàn của người dân trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Trong nghị quyết, Bắc Triều Tiên thừa nhận không thể ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus trong một sáng một chiều. Rõ ràng, quốc gia ẩn dật khép kín này đang đối mặt với khó khăn rất lớn trong nước, buộc phải tập trung nhiều hơn vào các giải pháp trấn an dân chúng và tăng cường đối phó dịch bệnh. Cuộc họp của Bộ Chính trị thường đưa ra các quyết định quan trọng, liên quan đến cả chính sách đối ngoại của quốc gia. Năm nay, cuộc họp do chính Chủ tịch Kim chủ trì ngay trước thêm Hội nghị nhân dân tối cao.
 
 Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo miền Bắc, đã được khôi phục chức ứng cử viên ủy viên Bộ Chính trị. Bà Kim đã bị cách chức năm ngoái sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Nhưng giờ đây, có vẻ bà đã tăng cường đáng kể địa vị và tầm ảnh hưởng của mình. 


Năm nay, bà Kim Yo-jong đã thẳng thắn chỉ trích Phủ tổng thống Hàn Quốc trong một tuyên bố dưới danh nghĩa cá nhân. Bà cũng công bố việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư cá nhân cho anh trai mình. Trước cuộc họp của Bộ Chính trị tuần trước, bà đã tháp tùng Chủ tịch Kim trong chuyến thị sát một căn cứ không quân. Giới phân tích cho rằng bà Kim Yo-jong đang mở rộng sự hiện diện của mình sang tất cả các lĩnh vực, kể cả quân đội. Bà vừa gia nhập Bộ Chính trị và được cho là đã nâng cao vị thế lên chỉ huy thứ hai của quốc gia.


Hội nghị nhân dân tối cao đã đưa ra quyết định đối với một số chủ đề thảo luận tại cuộc họp của Bộ Chính trị. Dư luận đã rất quan tâm liệu Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có tham dự phiên họp hay không, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng gây lo ngại. Việc Chủ tịch Kim có mặt tại cuộc họp của Bộ Chính trị và vắng mặt trong Hội nghị nhân dân tối cao ngay ngày hôm sau khiến giới phân tích tin rằng tầm quan trọng của Hội đồng nhân dân tối cao có vẻ đã giảm so với trước đây. 


Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên đã nỗ lực không ngừng để gây dựng sự sùng bái đối với nhà lãnh đạo đất nước kể từ nửa cuối năm ngoái. Chủ tịch Kim Jong-un đang nỗ lực nâng tầm vị thế lên ngang với ông nội Kim Nhật Thành, bằng cách tập trung vào dòng máu Baekdu, củng cố tính hợp pháp của việc chuyển giao quyền lực ba thế hệ nhà họ Kim. Trong quá trình đó, ông cùng em gái đã phân chia vai trò trong trị vì đất nước. Quyền lực của Chủ tịch Kim đã được nâng lên mức tuyệt đối, em gái thì bắt đầu đảm nhiệm các vấn đề thực tiễn. Như vậy, hai anh em đang cùng nhau cai trị đất nước. Nhà lãnh đạo miền Bắc không tham gia Hội nghị nhân dân tối cao trong bối cảnh này là dễ hiểu, bởi ông tin tưởng phiên họp sẽ diễn ra suôn sẻ mà không cần sự hiện diện của mình.
 

 Như dự đoán từ sự vắng mặt của nhà lãnh đạo miền Bắc, cuộc họp Hội đồng nhân dân tối cao đã không đưa ra bất kỳ quyết định mang tính thay đổi chính sách nào, và cũng không công bố thông điệp đáng chú ý nào ra thế giới.
 Nhưng điều đáng chú ý là Hội nghị đã phê chuẩn tăng 7,4% chi tiêu cho y tế công cộng trong năm nay. Đây là một bước đi đáng kể, nhất là khi khoản chi cho quốc phòng chỉ tăng 1% so với năm ngoái, chiếm 15,9% tổng ngân sách. Miền Bắc cũng quyết định dành 47,8% ngân sách hàng năm cho các dự án xây dựng kinh tế, tăng 6,2% so với năm ngoái. Nhìn chung, dự thảo ngân sách năm nay tập trung vào ổn định sinh kế công cộng và khắc phục khó khăn kinh tế. 


Dự thảo ngân sách hướng tới chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe. Miền Bắc có kế hoạch xây lại hoặc hiện đại hóa các nhà máy sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế. Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng mà Chủ tịch Kim rất quan tâm cũng được dự kiến hoàn thành sớm.
 Bắc Triều Tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh không mấy sáng sủa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên trên thực tế, 
Bình Nhưỡng có rất ít phương sách để hiện thực hóa mục tiêu. Trong bối cảnh này, lựa chọn duy nhất của Bắc Triều Tiên là “tự lực tự cường” hay “tự phục hồi”. Chính quyền miền Bắc tuyên bố sẽ quản lý chặt chẽ việc phát triển tài nguyên ngầm và bảo vệ tài nguyên thủy sản, từ đó đảm bảo nguồn vốn cần thiết và giải quyết vấn đề lương thực.
 
 Phiên họp Hội đồng nhân dân tối cao cũng thông qua vấn đề nhân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Son-kwon và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Hyung-jun được bầu làm thành viên Ủy ban Quốc vụ. Ông Ri Son-kwon phụ trách chiến lược ngoại giao của Nội các, còn ông Kim Hyung-Jun đảm nhiệm chiến lược ngoại giao của đảng. Hai nhân vật tiền nhiệm là Ri Yong-ho và Ri Su-yong đã bị loại khỏi Ủy ban. Sự nổi lên của một quan chức lập trường cứng rắn nhưng không có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại như ông Ri Son-kwon phần nào hé lộ hướng đi mới trong chiến lược ngoại giao của Bắc Triều Tiên. 


Bắc Triều Tiên đã bãi nhiệm các quan chức dẫn đầu các cuộc đàm phán với Mỹ, và đưa những nhân vật có lập trường cứng rắn về vấn đề phát triển vũ khí lên vị trí hàng đầu. Nhân vật chủ chốt là Ri Son-kwon, vừa trở thành ủy viên Ủy ban Quốc vụ. Có vẻ miền Bắc đang bắt chước Mỹ, như cách Tổng thống Trump bổ nhiệm ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia. Những phát ngôn cứng rắn của ông Bolton thường được Tổng thống Trump hoặc Ngoại trưởng Mike Pompeo điều chỉnh về sau. Đó là cách Mỹ đối phó với Bắc Triều Tiên trong các cuộc đàm phán song phương. Tôi cho rằng nhà lãnh đạo miền Bắc cũng đang áp dụng chiến thuật tương tự.

 

 Đội hình ngoại giao mới của Bắc Triều Tiên đang thu hút nhiều sự chú ý hơn vì đối thoại Mỹ-Triều vẫn đang bế tắc kéo dài. Bình Nhưỡng gần đây đã thành lập một Vụ mới thuộc Bộ Ngoại giao, phụ trách vấn đề đàm phán với Mỹ. Vẫn phải chờ xem liệu miền Bắc có thành công trong việc thắt chặt kiểm soát nội bộ và xử lý các vấn đề đối ngoại như các quyết định của cuộc họp Bộ Chính trị và phiên họp Quốc hội hay không.

Lựa chọn của ban biên tập