Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc khôi phục tuyến đường sắt dọc biển Đông

2020-04-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định Seoul cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Bắc Triều Tiên và tiếp tục tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Cam kết trên được đưa ra tại lễ kỷ niệm năm thứ hai Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm 27/4/2018. Theo đó, ông Moon nhấn mạnh Hàn Quốc nên thúc đẩy các dự án hợp tác mà hai miền có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại, đưa quan hệ liên Triều ra khỏi bế tắc. Tổng thống Moon đã đề xuất dự án hợp tác kiểm dịch liên Triều nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và kết nối các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích sâu hơn.


Phát biểu nhân dịp kỷ niệm lần năm hai của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Tổng thống Moon nhận định Hàn Quốc có thể thúc đẩy các dự án nhân đạo liên Triều bao gồm các cuộc đoàn tụ của gia đình ly tán sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ông cũng bày tỏ cam kết của Chính phủ Hàn Quốc về việc kết nối các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Đáng chú ý, một lễ kỷ niệm khởi công tuyến đường sắt dọc biển phía Đông đã diễn ra vào đúng hôm 27/4. Nếu tuyến đường sắt trên bờ biển phía Đông được liên kết với một tuyến đường sắt của Bắc Triều Tiên, tuyến này sẽ được kết nối đến châu Âu. Seoul đang thực hiện các thỏa thuận mà hai miền Nam Bắc đã cam kết cách đây hai năm, dù bối cảnh hiện tại không thuận lợi.


Ngày 27/4, Bộ Thống nhất và Bộ Địa chính và giao thông Hàn Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm xúc tiến dự án xây dựng tuyến đường sắt phía Bắc ven biển Đông tại ga Jejin, huyện Goseong, tỉnh Gangwon. Đoạn đường Hàn Quốc trên tuyến đường sắt nối thành phố Gangneung và ga Jejin cùng thuộc tỉnh Gangwon đã bị đứt đoạn cách đây 53 năm. Seoul có kế hoạch hoàn thành việc khôi phục phần này vào cuối năm 2021.


Dự án đường sắt liên Triều bao gồm hai tuyến chính: tuyến Gyeongui phía Tây và tuyến dọc biển phía Đông. Buổi lễ hôm 27/4 có liên quan đến phần đường Hàn Quốc bị cắt đứt thuộc tuyến đường sắt phía Đông. Trên thực tế, không dễ để khôi phục đoạn đường sắt dài 110,9 km giữa ga Nam Gangneung và ga Jejin, ngay phía Nam của đường phân giới quân sự. Công việc khôi phục dự kiến kéo dài từ 7 đến 10 năm, với tổng chi phí ước tính lên tới từ khoảng 2.300 tỷ won (tương 1,88 tỷ USD) đến 2.800 tỷ won (tương đương 2,29 tỷ USD). Chi phí sẽ được chi trả bởi Quỹ hợp tác liên Triều. Hiện tại, dự án xây dựng đường sắt đã được miễn nghiên cứu khả thi sơ bộ, công việc phục hồi sẽ bắt đầu sớm.


Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4/2018, các nhà lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã đồng ý kết nối tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển phía Đông. Hy vọng về các kết nối đường sắt liên Triều đã tăng cao vào tháng 12 cùng năm, khi hai bên tổ chức lễ khởi công tại ga Panmun ở Gaesung, miền Bắc. Tuy nhiên, dự án đường sắt đã lâm vào bế tắc kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội không đi đến thỏa thuận. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã đóng cửa kênh đối thoại. Theo nhà bình luận Choi Young-il, bế tắc trong dự án kết nối tuyến đường sắt một phần do quan hệ Mỹ-Triều không có tiến triển.


Dự án đường sắt vẫn bế tắc trong hai năm, chủ yếu là do quan Mỹ-Triều. Miền Bắc đã chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Liên hợp quốc. Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện các dự án liên quan đến Bắc Triều Tiên một cách độc lập, vì phải xem xét mối quan hệ với Mỹ. Đặc biệt, việc phục hồi các tuyến đường sắt xuyên biên giới nên được Mỹ thông qua, bởi quân đội Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa gần đây cho hay Hàn Quốc và Mỹ đã hợp tác về vấn đề đường sắt một cách chi tiết, quan điểm của Washington về vấn đề này không khác nhiều so với Seoul. Theo đó,  hai miền Nam Bắc có thể thực hiện dự án đường sắt mà không cần sự can thiệp của Mỹ.


Trong khi quan hệ Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều đã bị đình trệ, xung lực cho hợp tác kinh tế liên Triều vẫn được duy trì. Đặc biệt, việc khôi phục tuyến đường sắt phía Bắc ven biển phía Đông là rất quan trọng, bởi nó sẽ mở màn cho "Cộng đồng đường sắt Đông Á" theo sáng kiến của Chính phủ Hàn Quốc, được Tổng thống Moon đề xuất trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945) hồi 2018. Vào thời điểm đó, Seoul đã đưa ra tầm nhìn về hợp tác đường sắt với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mông Cổ, Nhật Bản và Mỹ. Việc kết nối đường sắt xuyên biên giới ở bờ biển phía Đông sẽ tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế liên Triều và tăng cường khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Tuyến đường sắt phía Đông khi được kết nối với các tuyến khác chạy từ Tây sang Đông, từ thủ đô Seoul đến phía Đông tỉnh Gangwon cũng sẽ thúc đẩy du lịch. Nếu được kết nối với một tuyến đường sắt của Bắc Triều Tiên dọc theo bờ biển phía Đông và xa hơn là với mạng lưới đường sắt ở lục địa Á-Âu, cư dân và hàng hóa của Hàn Quốc có thể di chuyển từ phía Đông Nam của đất nước là thành phố cảng Busan đến tận London, Anh. Đó là lý do tại sao dự án đường sắt liên Triều được xem là một “Thỏa thuận mới của bán đảo Hàn Quốc”.


Tuyến đường sắt liên Triều sẽ không kết thúc trên bán đảo Hàn Quốc. Bắt đầu từ Busan, đi qua miền Bắc và đến London qua Trung Quốc và Nga. Nghĩa là các chuyến tàu cũng có thể đi đến Berlin (Đức), Paris (Pháp) và Rome (Ý). Hiện tại, Hàn Quốc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hoặc tàu và thực hiện giao dịch với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sử dụng các tuyến đường bộ là cách rẻ nhất để vận chuyển hàng hoá. Nếu được kết nối với lục địa Á-Âu thông qua đường sắt hoặc đường bộ, chi phí giao nhận của Hàn Quốc có thể được giảm đáng kể. Các nhà kinh tế cho rằng Hàn Quốc có thể tạo ra hiệu quả kinh tế lên tới hàng trăm tỷ USD.


Trong khi đó, Tổng công ty đường sắt Hàn Quốc (KORAIL) đã phát hành “ vé danh dự” để kỷ niệm ngày bắt đầu phục hồi tuyến đường sắt phía Đông. Vé có thể được sử dụng khi đường sắt xuyên biên giới đi vào vận hành. Các vé được đánh dấu với các điểm như Gangneung, Jejin (Hàn Quốc), Wonsan (Bắc Triều Tiên) và Berlin (Đức). Giá vé là 615.427 won Hàn Quốc (tương đương khoảng 500 USD), rẻ bằng khoảng một nửa giá vé thực tế. 


Giá vé trở thành một chủ đề thú vị để bàn luận. Năm nay đánh dấu 20 năm Tuyên bố chung 15/6 do cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cựu lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il công bố trong Hội nghị thượng đỉnh năm 2000. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đương nhiệm cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 27/4/2018. Hai ngày quan trọng, ngày 15/6 và ngày 27/4 được kết hợp để đặt mức giá 615.427 won Hàn Quốc (tương đương 500 USD) cho vé tàu, mang ý nghĩa lịch sử cho các chuyến đi từ Hàn Quốc đến phần lục địa Á Âu.
 
Dự án đường sắt có được hiện thực hóa hiện hay không phụ thuộc vào thái độ của miền Bắc. Bình Nhưỡng đã tiếp tục với những hành động khiêu khích vũ trang như phóng vũ khí và chỉ trích Seoul kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội thất bại. Không chắc chắn liệu Bình Nhưỡng có phản ứng tích cực với các dự án hợp tác liên Triều hay không, bởi nước này không hài lòng về lập trường của Hàn Quốc là sẽ tiến hành các dự án liên Triều trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, rất khó để mong đợi bất kỳ bước tiến nào ở trong đàm phán Mỹ-Triều từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Tuy vậy, nhà bình luận chính trị Choi Young-il nhận định Bắc Triều Tiên khó mà chối bỏ hoàn toàn dự án đường sắt khi xem xét lợi ích kinh tế.


Nếu tuyến đường sắt được kết nối được sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm cả giao thông vận tải và du lịch, miền Bắc sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ phải quyết định về việc có theo đuổi một nền kinh tế thị trường mở hay không. Tất nhiên, Nhà nước cộng sản không thể chuyển sang nền kinh tế thị trường ngay tức thì. Cá nhân tôi tin miền Bắc rất mong muốn kết nối tuyến đường sắt vì lợi ích kinh tế lớn. Em gái của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tàu cao tốc KTX của Hàn Quốc trong khi di chuyển từ Seoul đến Pyeongchang dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông năm 2018. Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 cùng năm, chính nhà lãnh đạo miền Bắc cũng đã hỏi Tổng thống Moon khá nhiều về hệ thống đường sắt tiên tiến của Hàn Quốc. Rõ ràng, Bắc Triều Tiên rất muốn có sự hỗ trợ của Hàn Quốc trong lĩnh vực đường sắt. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng Bắc Triều Tiên muốn hợp tác kinh tế nhất, và kết nối đường sắt là ưu tiên hàng đầu.


Tổng thống Moon khẳng định Hàn Quốc sẽ làm những gì có thể để kết nối các tuyến đường sắt xuyên biên giới, nhấn mạnh Seoul sẽ không yên vị đợi thời cơ cho đến khi các điều kiện bên ngoài được cải thiện. Ông nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiến lên dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và cam kết hòa bình mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo hai miền Nam Bắc. Vẫn phải chờ xem liệu dự án đường sắt liên Triều có góp phần thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng tích cực hay không.

Lựa chọn của ban biên tập