Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc

2020-05-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang tập trung vào ngoại giao với Trung Quốc ngay sau khi tái xuất trước công chúng sau đợt vắng bóng nhiều tuần liền. Ngày 7/5, Chủ tịch Kim đã gửi thư tới Chủ tịch Tập Cận Bình, chúc mừng Trung Quốc kiểm soát thành công dịch COVID-19. Lá thư được gửi đi vào thời điểm cả Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang chuẩn bị bình thường hóa nền kinh tế, sau khi phần nào kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk phân tích sâu hơn về động thái này.


Trong thư, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đánh giá cao Chủ tịch Trung Quốc đã lãnh đạo Đảng và nhân dân nắm bắt cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch chưa từng có tiền lệ. Ông Kim ca ngợi cách quản lý tình hình của Chủ tịch Tập rất có chiến lược, đồng thời bày tỏ cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh giá trị của liên minh song phương.

Ở các diễn biến liên quan, các quan chức Trung Quốc gần đây đã kiểm tra công tác chống dịch ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc, khu vực giáp ranh với Bắc Triều Tiên. Rõ ràng hai nước đang thảo luận hợp tác kiểm dịch, rất có thể sẽ dẫn đến hợp tác kinh tế song phương. Bắc Triều Tiên đang rất cần điều này. Dư luận đang rất quan tâm liệu hai bên có thống nhất một số chính sách và củng cố tình hữu nghị trong thời gian tới hay không.


Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết tạo ra bước đột phá trực diện để giải quyết các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế, và xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát tại Trung Quốc đã buộc Bình Nhưỡng phải nhanh chóng đóng cửa biên giới với Bắc Kinh. Đây là một động thái dễ hiểu vì cơ sở hạ tầng y tế của miền Bắc còn nghèo nàn. Tuy vậy, việc đóng cửa biên giới đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên, vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương mại với Trung Quốc.


Bắc Triều Tiên đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Nước này đã phải đóng biên giới với Trung Quốc từ cuối tháng 1. Trung Quốc chiếm 95% giao dịch thương mại của miền Bắc, nên có thể dễ dàng hình dung nền kinh tế nước này vốn đã khó khăn lại càng nghiêm trọng hơn. Theo một báo cáo của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) trình lên Ủy ban tình báo tại Quốc hội hôm 6/5, kim ngạch thương mại giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc trong quý I giảm 55% so với cùng kỳ năm trước, và giảm tới 91% chỉ trong tháng 3. Có vẻ các hoạt động mua bán ở Bắc Triều Tiên đã bị thu hẹp bởi ngày càng ít khu chợ còn mở cửa, người dân cũng có xu hướng tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày. Rõ ràng, Bắc Triều Tiên đang rất cần sự giúp đỡ từ Trung Quốc.


Trong thời điểm này, ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Kim Jong-un trong quản lý Nhà nước là cải thiện sinh kế cộng đồng và đạt tăng trưởng kinh tế một cách độc lập. Nhà lãnh đạo miền Bắc đã đến thăm một nhà máy phân bón ở Sunchon, tỉnh Nam Pyongan. Đây là hoạt động công khai đầu tiên của ông sau 20 ngày vắng bóng trước công chúng. Tại buổi lễ, Chủ tịch Kim đã cắt băng khánh thành, đánh dấu nhà máy đã hoàn tất xây dựng. Tất nhiên, nhà máy cần được trang bị các cơ sở hạ tầng sản xuất cần thiết trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Bắc Triều Tiên không đủ khả năng thực hiện việc này. Còn có một danh sách dài các dự án kinh tế mà Bình Nhưỡng cần triển khai trong năm nay. Đó là lý do tại sao miền Bắc cần sự giúp đỡ từ Trung Quốc hơn bao giờ hết.


Trong bối cảnh đóng cửa biên giới, những bất mãn và chỉ trích của dư luận đang leo thang ở Bắc Triều Tiên. Chính quyền Kim Jong-un cần hợp tác với Trung Quốc để lãnh đạo đất nước ổn định hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ. Nhà lãnh đạo đã ra lệnh cho các quan chức hoàn thành xây dựng một bệnh viện đa khoa ở Bình Nhưỡng trước lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động (10/10). Tuy nhiên, điều này khó có thể thành hiện thực nếu không có sự trợ giúp từ Trung Quốc, vì miền Bắc thiếu thốn cả vật liệu xây dựng lẫn thiết bị y tế. Bắc Triều Tiên cũng sẽ gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho nhà máy sản xuất phân lân ở Sunchon nếu không được Bắc Kinh giúp đỡ.


Đáp lại thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi thư phúc đáp hôm 8/5, khẳng định quan hệ thân thiết giữa hai đồng minh cộng sản.


Trong bối cảnh trao đổi kinh tế Trung-Triều đã bị đình chỉ một thời gian, Chủ tịch Tập bày tỏ sẵn sàng hợp tác với miền Bắc trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong thư, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết Bắc Kinh sẽ nỗ lực hết khả năng để giúp Bình Nhưỡng kiểm soát dịch bệnh. Ông bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tình hình sức khỏe của người dân miền Bắc, và lấy làm vui mừng trước các kết quả tích cực trong nỗ lực chống dịch của Bình Nhưỡng. Ông Tập cũng đề cao tầm quan trọng của quan hệ Trung-Triều, bày tỏ hy vọng thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới. Chủ tịch Tập mong muốn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực bằng cách tăng cường truyền thông chiến lược và thúc đẩy trao đổi, hợp tác giữa hai nước. Việc trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Triều cho thấy hai nước đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.


Liên quan đến việc Chủ tịch Trung Quốc nhanh chóng phúc đáp thư của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, giới phân tích nhận định Trung Quốc đang cố gắng nắm chắc một đồng minh trung thành trong cuộc chiến với Mỹ để giành quyền bá chủ toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ gần đây đã tuyên bố đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát của dịch bệnh.


Mỹ đang chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm COVID-19 của toàn thế giới. Với công chúng trong nước, Washington giải thích Trung Quốc là nguyên nhân gây ra đại dịch toàn cầu. Phía Trung Quốc cũng đang đổ trách nhiệm lên Mỹ. Trong cuộc chiến công kích chỉ trích lẫn nhau giữa các quốc gia quyền lực hàng đầu thế giới, Trung Quốc sử dụng Bắc Triều Tiên như một quân bài chiến lược để minh chứng cho vị thế của mình và đối đầu hiệu quả với Mỹ. Nói cách khác, Bắc Kinh đang tìm cách chia rẽ Bình Nhưỡng và Washington cũng như gây ảnh hưởng lớn hơn lên Bắc Triều Tiên. Vì vậy, ngoài việc hợp tác kiểm dịch và hữu nghị với miền Bắc, Trung Quốc còn nhắm đến mục đích chính trị là giữ chắc đồng minh cộng sản Bắc Triều Tiên, củng cố mặt trận chống lại Mỹ.


Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã gửi thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/5 nhân dịp kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Nga nhân dịp kỷ niệm.

Thái độ của Bắc Triều Tiên với Trung Quốc và Nga khác hẳn đối với Hàn Quốc. Seoul đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ với hợp tác kinh tế liên Triều từ đầu năm nay, nhưng Bình Nhưỡng vẫn thờ ơ. Dường như miền Bắc đang tiến gần hơn với Trung Quốc và Nga trong nỗ lực giải quyết hậu quả của các cuộc đàm phán thất bại với Mỹ. Quan hệ Trung-Triều, Nga-Triều bền chặt hơn làm dấy lên lo ngại bế tắc trong quan hệ liên Triều và đối thoại Mỹ-Triều sẽ còn kéo dài.


Việc miền Bắc gửi thông điệp hữu hảo tới hai quốc gia viện trợ kinh tế là Trung Quốc và Nga có vẻ là một tín hiệu thúc giục Hàn Quốc nỗ lực nhiều hơn nữa để phá vỡ bế tắc trong quan hệ Mỹ-Triều.

Tuy nhiên trên thực tế, cả Trung Quốc và Nga khó có thể hỗ trợ Bắc Triều Tiên ở thời điểm hiện tại, cho dù miền Bắc vẫn tiếp tục đương đầu với khó khăn kinh tế. Vì vậy, rất có thể khi thời cơ chín muồi, Bình Nhưỡng sẽ đưa ra quyết định chiến lược để hàn gắn quan hệ với Seoul. Do đó, Hàn Quốc không nên quá lạc quan hay bi quan trong các tình huống. Bắc Triều Tiên phải miễn cưỡng lắm mới thay đổi thái độ, nên Hàn Quốc cần lưu tâm điều này và kiên nhẫn chờ đợi, nhìn nhận hợp tác liên Triều từ góc độ dài hạn. Tôi tin cánh cửa đối thoại và hợp tác xuyên biên giới cuối cùng cũng sẽ mở ra.


Để giải quyết khó khăn kinh tế cấp bách hiện tại, nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ tập trung nhiều hơn vào thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và tạm thời trì hoãn đối thoại với Mỹ. Quan hệ liên Triều có bước tiến đáng kể hay không phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập