Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tìm cách tăng cường tình hữu nghị với Nga

2020-05-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều bế tắc kéo dài, Bình Nhưỡng đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với Nga, sau động thái tương tự nhằm tăng cường mối liên kết với Trung Quốc. Ngày 9/5, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, nhà lãnh đạo miền Bắc gửi thông điệp tới Tổng thống Nga nhân dịp này. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích sâu hơn.


Trong thư, Chủ tịch Kim Jong-un ca ngợi Nga đã giành chiến thắng lớn lao trong cuộc chiến tranh công lý vĩ đại tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Ông Kim cho biết Bắc Triều Tiên và Nga đã thiết lập tình đồng chí hữu nghị trong cuộc chiến thiêng liêng chống lại kẻ thù chung, phản ánh mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa hai nước. Nhà lãnh đạo chúc Tổng thống Putin và người dân Nga chiến thắng trong cuộc đấu tranh xây dựng nước Nga hùng mạnh và ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Rõ ràng, Chủ tịch Kim đang tìm cách tiến gần hơn với các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga.


Ngày 17/5, trang web tuyên truyền Triều Tiên ngày nay của miền Bắc một lần nữa nhấn mạnh tình bạn Nga-Triều. Tờ báo đánh giá hai nước đang ngày càng phát triển quan hệ song phương, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trên nền tảng tình đồng chí hữu nghị truyền thống quý giá. Bài viết còn lấy ví dụ về một hội nghị thượng đỉnh song phương và trao đổi tin nhắn giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva để chứng minh nhận định này. Tại sao chính quyền miền Bắc lại để các cơ quan truyền thông đưa tin về mối quan hệ bền chặt với Nga?


Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên có xét đến khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ. Một số nhà phân tích nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ ba sẽ sớm diễn ra, bằng chứng là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi tín hiệu tích cực đến Bắc Triều Tiên gần đây. Tất nhiên, nếu Hội nghị diễn ra, các vấn đề liên quan đến hai nước Mỹ-Triều sẽ có kết quả rõ ràng. Trong tiến trình cải thiện quan hệ với Washington, Bình Nhưỡng cần một số đòn bẩy. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã sử dụng các hành động khiêu khích quân sự như phóng tên lửa tầm xa hoặc thử nghiệm hạt nhân. Nhưng nếu những hành động cực đoan này không còn hiệu quả, Bình Nhưỡng không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường ngoại giao. Miền Bắc có thể sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ thông qua Trung Quốc và Nga.

Ngoài mục đích chính trị, Bắc Triều Tiên cũng cần nhanh chóng khôi phục thương mại với Nga. Giao thương xuyên biên giới giữa hai nước đã bị thu hẹp đáng kể do dịch COVID-19, giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế miền Bắc.


Ngày 13/5, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin thương mại Nga-Triều trong tháng 2 đã giảm mạnh. Theo một số nguồn dữ liệu liên quan, xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Nga trong tháng 2 chỉ đạt khoảng 8.000 USD, giảm gần 96% so với cùng kỳ năm trước.


Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Nga trong tháng 1 đạt tổng cộng 140.000 USD, giảm đáng kể so với mức 196.000 USD cùng kỳ năm ngoái. Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Triều Tiên sau Trung Quốc. Miền Bắc còn đưa người lao động sang Nga để kiếm ngoại tệ, nhưng khoản thu này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Do đó, Bình Nhưỡng nhận định nối lại hoạt động thương mại với Matxcơva là nhiệm vụ bức bách trước mắt.


Hai nhà lãnh đạo Nga-Triều đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga. Sau đó, hai bên đã tăng cường hợp tác trong vấn đề gửi công nhân Bắc Triều Tiên đến Nga và nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ lên miền Bắc, đồng thời tham gia trao đổi cấp cao về quân sự và kinh tế.

Tháng 11 năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui, một trong những quan chức quan trọng phụ trách đàm phán hạt nhân với Mỹ, đã đến Matxcơva để thảo luận hợp tác chiến lược về các vấn đề khu vực và quốc tế với các quan chức Bộ Ngoại giao Nga. Đây là lần đầu tiên hai nước có cuộc hội đàm theo hình thức đối thoại chiến lược. Kể từ đó, Bình Nhưỡng và Matxcơva đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực đa dạng để thắt chặt quan hệ song phương.


Sẽ công bằng khi nói rằng Nga đóng vai trò quyết định trong việc khai sinh ra chính quyền Bắc Triều Tiên. Trong thời kỳ quân đội Liên Xô chiếm đóng nửa phía Bắc bán đảo Hàn Quốc ngay sau khi dân tộc Hàn được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản, ông Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo lực lượng du kích chống Nhật và tham gia các hoạt động quân sự theo chỉ đạo của Liên Xô, đã được chọn làm thủ lĩnh của miền Bắc. Liên Xô cũng viện trợ vũ khí quân sự cho Bắc Triều Tiên trong cuộc Chiến tranhTriều Tiên (1950-1953). Có thể nói, Bắc Triều Tiên và Nga đã có một mối liên kết chặt chẽ trong lịch sử.

Ở lập trường của Chủ tịch Kim Jong-un, cần phải tận dụng Nga để củng cố quan hệ với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên áp dụng chính sách ngoại giao bình đẳng giữa Trung Quốc và Nga bằng cách duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai nước. Đây là một chiến thuật hóc búa, đòi hỏi sự mềm mỏng và thận trọng, nhưng có lẽ nhà lãnh đạo miền Bắc không còn phương kế ngoại giao nào tốt hơn để giành được sự ủng hộ từ cả hai nước.


Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều nhà phân tích tin rằng việc Bắc Triều Tiên cung cấp lao động cho Nga là hợp tác đôi bên cùng có lợi, bởi miền Bắc có thể kiếm ngoại tệ còn Nga cũng cắt giảm được đáng kể chi phí lao động.


Lao động Bắc Triều Tiên đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Nga, trong đó có xưởng gỗ, công trường xây dựng và nông trại. Có lẽ Bình Nhưỡng hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang Nga để thu thêm ngoại tệ.

Về phần mình, Matxcơva rất quan tâm đến xuất khẩu khí đốt sang Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên, từ đó cải thiện khu vực Đông Bắc còn tương đối kém phát triển của nước này. Đó là lý do tại sao Nga rất để tâm đến dự án kết nối đường sắt xuyên Siberia với tuyến đường sắt xuyên biên giới liên Triều.


Bắc Triều Tiên còn mong muốn biến Nga thành đòn bẩy để giành lợi thế trong đàm phán hạt nhân đình trệ với Mỹ, đồng thời tìm cách giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Tổng thống Trump luôn ủng hộ tăng cường các biện pháp cấm vận lên miền Bắc để gây sức ép, buộc nước này thực hiện phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Tổng thống Putin lại nhấn mạnh cần nới lỏng các lệnh trừng phạt để khiến Bình Nhưỡng trung thực thi hành nghĩa vụ.


Bắc Triều Tiên cần sự hỗ trợ từ cả Trung Quốc và Nga. Cả hai quốc gia đều là thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nên chắc chắn có thể góp phần nới lỏng các biện pháp trừng phạt lên miền Bắc. Nếu quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện và Mỹ chuyển sang giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, dù khả năng này không cao, có thể Trung Quốc và Nga sẽ tích cực hợp tác kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận lên miền Bắc tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đây sẽ là kịch bản tốt nhất với Bắc Triều Tiên.


Có khả năng Bắc Triều Tiên sẽ tiến gần hơn với Trung Quốc và Nga trong khi trì hoãn các cuộc đàm phán với Mỹ và đối thoại liên Triều. Nếu điều đó xảy ra, Chính phủ Hàn Quốc phải làm gì?


Như mọi khi, Hàn Quốc sẽ phải cảnh giác khi mối quan hệ Trung-Triều và Nga-Triều bền chặt hơn, bởi Trung Quốc và Nga có thể tận dụng thời cơ này để yêu cầu Hàn Quốc làm điều gì đó. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác trước vì cả Trung Quốc và Nga đều đang phụ thuộc nhiều hơn vào Hàn Quốc về mặt kinh tế. Seoul có thể tận dụng lợi thế này, và áp dụng chính sách ngoại giao bình đẳng giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Duy trì quan hệ tốt với cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ở một mức độ nào đó có thể giúp Seoul cải thiện quan hệ liên Triều, giải quyết vấn đề hạt nhân và đưa Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường.

Lựa chọn của ban biên tập