Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên kêu gọi tăng cường răn đe hạt nhân

2020-05-28

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Sau 22 ngày vắng mặt trước công chúng, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại trong một cuộc họp quân sự quan trọng và khẳng định cần tăng cường răn đe hạt nhân. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/5 đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Thời điểm diễn ra cuộc họp không được tiết lộ chính xác, nhưng được cho là vào ngày 23/5, vì Bắc Triều Tiên thường đưa tin một ngày sau khi các sự kiện diễn ra.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Kim trông khỏe mạnh, một lần nữa bác bỏ những đồn đoán ở Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế về tình hình sức khỏe của ông. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk phân tích sâu hơn.


Theo truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên, Chủ tịch Kim đã thảo luận các chính sách mới để tăng cường răn đe chiến tranh hạt nhân và đưa lực lượng vũ trang chiến lược vào trạng thái tác chiến cảnh giác cao, phù hợp với yêu cầu chung của công cuộc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của đất nước. Nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh chính sách quân sự cách mạng và nhiệm vụ chi tiết của từng khu vực. Cuộc họp cũng đã thảo luận phương hướng khắc phục các lỗ hổng trong tổ chức quân sự, cách thức sắp xếp các đơn vị quân sự mới để ngăn chặn mối đe dọa của các thế lực bên ngoài và nhanh chóng tăng cường năng lực tự lực phòng thủ. Ngoài ra, cuộc họp còn tiến hành cải tổ nhân sự trong Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động.

Nhìn chung, cuộc họp một lần nữa cho thấy ông Kim nắm toàn quyền kiểm soát quân đội và các tổ chức khác. Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên sau nhiều tuần vắng bóng, ông đã khẳng định mạnh mẽ quyền lực lãnh đạo của mình.


Dư luận thế giới đang rất chú ý đến cụm từ “tăng cường răn đe hạt nhân”. Chủ tịch Kim không lộ diện trước công chúng hồi tháng trước đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe, cho đến khi ông xuất hiện tại một nhà máy phân bón và hối thúc cải thiện sinh kế cộng đồng. Sau đó, ông lại biết mất trong vài tuần gần đây, rồi xuất hiện trở lại tại cuộc họp quân sự và nhấn mạnh khả năng phòng thủ.

Điểm này có liên quan đến thuật ngữ “răn đe chiến tranh hạt nhân chiến lược” mà Viện khoa học quốc phòng Bắc Triều Tiên đã sử dụng tại bãi phóng vệ tinh khu vực biển Đông tháng 12 năm ngoái, và cụm từ “vũ khí chiến lược mới” đề cập tại cuộc họp của đảng Lao động cùng tháng đó. Giới phân tích nhận định Bắc Triều Tiên đã tuyên bố nối lại các hoạt động liên quan đến hạt nhân.


Tăng cường răn đe hạt nhân ở đây nghĩa là miền Bắc sẽ nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và tự bảo đảm an ninh. Bằng cách đẩy mạnh răn đe chiến tranh hạt nhân, Bắc Triều Tiên muốn khẳng định vị thế chủ động trong quan hệ với Mỹ.

Dựa vào thái độ của Bắc Triều Tiên, tôi đoán nước này sẽ lại tiến hành một cuộc khiêu khích vũ trang. Một số ý kiến dự đoán Bình Nhưỡng có thể sẽ phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên khó có thể phát triển SLBM hoặc ICBM ở thời điểm hiện tại, vì động thái này có thể sẽ kích thích phản ứng gay gắt của cộng cộng đồng quốc tế, và tốn kém nhiều chi phí. Vì vậy, Bắc Triều Tiên được cho là đề cập đến răn đe hạt nhân chỉ nhằm gây áp lực cho Mỹ mà vẫn không vượt qua lằn ranh đỏ.

Liên quan đến chủ trương tăng cường năng lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên gần đây, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien đã khuyến nghị Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân nếu muốn sở hữu nền kinh tế vững mạnh. Quan điểm này không khác mấy so với cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên. Đây vừa là lời kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đàm phán hạt nhân và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, vừa là lời cảnh báo Bắc Triều Tiên không nên khiêu khích Mỹ hoặc tiến hành những động thái khiêu khích có thể làm trật tiến trình đàm phán.


Ông Robert O'Brienkhẳng định Bắc Triều Tiên nên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi hạt nhân hóa để xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Ông nói thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với Bắc Triều Tiên và để mắt đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un.Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ theo dõi tình hình ở miền Bắc thông qua cả nguồn công khai và hoạt động tình báo để điều chỉnh phản ứng phù hợp. Thông điệp của Washington là Mỹ sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, sau đó giúp quốc gia này gia nhập cộng đồng quốc tế. Đây được coi là chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Washington, nghĩa là hứa hẹn lợi ích đi kèm với răn đe.

Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên thay đổi, và quản lý tốt tình hình cho đến cuộc bầu cử Tổng thống thay vì cung cấp cho miền Bắc quyền lợi gì đó đáng chú ý. Còn miền Bắc lại đang nỗ lực tận dụng thời cơ này để tối đa hóa lợi ích và tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân chiến lược. Một khi hai bên còn tồn đọng những quan điểm trái chiều, tranh chấp quyết liệt sẽ còn tiếp diễn. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hai nước có thể sẽ tiếp tục đàm phán hoặc mở ra đối thoại mới.


Dư luận đang quan tâm đến bước tiến tiếp theo của Bắc Triều Tiên. Mặc dù khả năng khiêu khích cường độ cao như phóng ICBM là rất thấp, có thể miền Bắc sẽ tăng cường phát triển vũ khí theo kế hoạch và liên tục nhấn mạnh “khả năng tự lực phòng thủ”. Giới phân tích dự báo Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành các đợt phóng thử nghiệm bổ sung SLBM "Sao Bắc Cực-3" mới sau vụ bắn thử đầu tiên vào năm ngoái.

Đối thoại Mỹ-Triều khó có thể nối lại cho tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế cũng đang bộn bề trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và khó lòng để tâm đến vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Do đó, có thể miền Bắc sẽ cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách thường xuyên thực hiện các hành động quân sự.


Bắc Triều Tiên cho rằng không có nhiều lợi ích trong bối cảnh hiện tại nên cần thực hiện một số hành động. Chủ tịch Kim Jong-un đã đề cập đến các chính sách mới “đưa lực lượng vũ trang chiến lược vào trạng thái hoạt động cảnh giác cao”. Lực lượng vũ trang chiến lược ở đây là vũ khí đủ mạnh để xoay chuyển tình thế, bao gồm ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang đầu hạt nhân. Bắc Triều Tiên muốn chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra, và sẵn sàng phóng vũ khí bất cứ lúc nào.

Miền Bắc đã thử nghiệm một số vũ khí chiến lược gần đây, gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên KN-23, tên lửa chiến thuật đất đối đất mới, vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới và hệ thống pháo phản lực đa nòng siêu lớn. Có khả năng Bình Nhưỡng sẽ phô trương sức mạnh quân sự qua các vũ khí này. Do đó, cần phải đối phó với Bắc Triều Tiên bằng nhiều chiến lược khác nhau, vừa tạo áp lực vừa đối thoại.


Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố Lệnh cấm vận 24/5/2010 với Bắc Triều Tiên do cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ban hành hầu như không còn hiệu lực, qua đó nhấn mạnh cam kết duy trì trao đổi và hợp tác liên Triều. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên chỉ thể hiện quyết tâm tiếp tục phát triển vũ khí và hô hào tự lực phòng thủ. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000. Chính phủ Hàn Quốc đang ngày càng quan ngại hai miền Nam-Bắc liệu có nối lại hợp tác xuyên biên giới liên Triều, hay đối đầu song phương chỉ càng thêm sâu sắc.


Tôi nghĩ Seoul tin rằng đưa ra nhận xét về Lệnh cấm vận 24/5sẽ giúp ích cho tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều cũng như quan hệ Mỹ-Triều, dù đương nhiên sẽ cần thời gian. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un năm 2018 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sau đó là kết quả nỗ lực suốt một năm của Tổng thống Moon sau khi nhậm chức. Hiện tại, quan hệ liên Triều cũng như đàm phán Mỹ-Triều đang rơi vào bế tắc, trong khi Mỹ đang dốc toàn lực cho đợt bầu cử Tổng thống. Vì vậy, thật khó để mong đợi bất kỳ thay đổi lớn nào trong bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, tôi tin tình hình kinh tế khó khăn sẽ buộc Bình Nhưỡng chấp nhận đề xuất đối thoại của Seoul. Hàn Quốc có thể tiến hành trao đổi tư nhân cũng như giao lưu ở các lĩnh vực văn hóa và thể thao. Chúng ta phải đợi đến thời điểm chín muồi và tạo điều kiện thuận lợi cho nó. Chính phủ nên đẩy nhanh tiến trình cải thiện quan hệ song phương.


Trong cuộc họp quân sự gần đây, Bắc Triều Tiên không công bố bất kỳ thông điệp nào tới Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có vẻ quan tâm đến quan hệ với Mỹ hơn là quan hệ liên Triều. Miền Bắc thậm chí còn ám chỉ có thể tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thông qua vấn đề hạt nhân. Trong bối cảnh này, có khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đẩy mạnh đối thoại Mỹ-Triều để tìm bước đột phá trong quan hệ liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập