Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bộ Thống nhất Hàn Quốc xúc tiến sửa đổi Luật giao lưu hợp tác liên Triều

2020-06-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hàn Quốc đang tiến hành sửa đổi Luật giao lưu hợp tác liên Triều nhằm đơn giản hóa thủ tục, cho phép công dân Hàn khai báo đơn giản lên Chính phủ để liên lạc với người dân Bắc Triều Tiên. Theo dự thảo sửa đổi, chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò chính và có thẩm quyền xúc tiến các dự án xuyên biên giới. Hiện tại, công dân Hàn Quốc có kế hoạch tiếp xúc với người Bắc Triều Tiên phải trình báo lên Bộ Thống nhất. Bộ có quyền từ chối cấp phép nếu xét thấy động thái này có thể gây tổn hại đến trao đổi liên Triều, an ninh trật tự và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên theo dự thảo sửa đổi, điều khoản này sẽ được xóa bỏ. Ngày 26/5, Bộ Thống nhất đã công bố xúc tiến dự thảo sửa đổi Luật giao lưu hợp tác liên Triều. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích.


Năm 1989, Hàn Quốc đã đẩy mạnh xây dựng Luật giao lưu hợp tác liên Triều để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, trong đó có tiếp xúc cấp tư nhân, các chuyến tham quan miễn phí, các vấn đề thương mại và truyền thông. Luật được ban hành một năm sau đó. Từ đó tới nay, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thiết lập nền tảng pháp lý vững mạnh để hỗ trợ giao lưu liên Triều hiệu quả hơn. Bản sửa đổi đầu tiên trong 30 năm qua sẽ cho phép trao đổi giữa các công ty và người lao động hai miền Nam-Bắc, cũng như các giao dịch tài chính trong mức chấp nhận do chính phủ Hàn Quốc đề ra. Ngoài ra, các công ty ở hai miền sẽ có thể chia sẻ quyền kinh doanh đối với tài nguyên khoáng sản và thủy sản, hoặc cùng hợp tác kinh doanh. Nếu được Quốc hội chấp thuận, dự thảo sửa đổi sẽ giúp thúc đẩy trao đổi song phương trong nhiều lĩnh vực.


Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực ủng hộ sửa đổi luật, song song với quyết tâm thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều của Tổng thống Moon Jae-in. Đơn giản hóa thủ tục tiếp xúc liên Triều giữa chính quyền địa phương, các nhóm dân sự và cá nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Seoul thực hiện các dự án xuyên biên giới.


Luật giao lưu hợp tác liên Triều ra đời với kỳ vọng giúp thúc đẩy liên lạc và trao đổi song phương, cũng như các dự án hợp tác hai miền. Tuy nhiên trên thực tế, trao đổi liên Triều chỉ được xúc tiến trong một số lĩnh vực nhất định, như kinh doanh tại khu công nghiệp Gaesung. Seoul nhận thấy cần mở rộng phạm vi các chương trình hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực và giao dịch tài chính với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan hệ Nam-Bắc vẫn đang bế tắc do quan hệ Mỹ-Triều đình trệ. Nhưng không sớm thì muộn, hai miền sẽ phải giải quyết các vấn đề song phương. Chính vì lẽ đó, chính phủ Hàn Quốc nhận định cần xây dựng khung pháp lý và thể chế hỗ trợ.


Có nhiều ý kiến kỳ vọng và cả lo lắng về dự thảo sửa đổi này. Một số lo ngại nới lỏng các quy định về trao đổi liên Triều có thể gây ra các vấn đề an ninh và đánh mất lòng tin từ cộng đồng quốc tế, vốn đang áp đặt các lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cũng cần hợp tác với Mỹ để triển khai suôn sẻ các chương trình liên quan đến Bắc Triều Tiên, do đó các bước tiến của Seoul cần được tiến hành song song với tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Thời điểm sửa đổi luật cũng là một chủ đề đáng quan ngại.


Dư luận đang quan tâm vì sao Bộ Thống nhất lại gấp rút sửa đổi luật vào đúng thời điểm này. Hiện tại, phía Mỹ đang một mực yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân, còn Bình Nhưỡng lại khăng khăng cho rằng Washington cần đảm bảo an ninh và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên trước. Quan hệ Mỹ-Triều đã bế tắc từ sau Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội tháng 2/2019, và Liên hợp quốc vẫn đang áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ lên miền Bắc. Trong bối cảnh này, Chính phủ Hàn Quốc lại đẩy mạnh nới lỏng các quy định về trao đổi liên Triều. Nhiều ý kiến lo ngại động thái của Seoul là đi ngược lại với thế giới và gửi tín hiệu sai đến Bình Nhưỡng.


Các ý kiến ủng hộ sửa đổi luật lại cho rằng những lo lắng trên là không có căn cứ, bởi dự thảo sửa đổi chỉ giảm nhẹ một số quy định quá nghiêm ngặt hiện hành. Thời gian này, người Hàn Quốc thường xuyên liên lạc với người Bắc Triều Tiên, bao gồm cả công nhân ở nước ngoài. Vì vậy, quy định khai báo lên chính quyền để xin cấp phép tiếp xúc được cho là đã lỗi thời. Luật sửa đổi cho phép chính quyền địa phương xúc tiến các chương trình hợp tác với Bắc Triều Tiên mà không cần thông qua các cá nhân hoặc nhóm trung gian cũng sẽ giúp giảm chi phí và rủi ro liên lạc gián tiếp không rõ ràng.


Chắc chắn Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rõ về nội dung sửa đổi luật, các lệnh trừng phạt quốc tế lên Bắc Triều Tiên và những vấn đề khác. Seoul vẫn duy trì quan điểm nỗ lực hết khả năng để thúc đẩy hợp tác liên Triều. Tất nhiên, Hàn Quốc không thể phớt lờ các lệnh trừng phạt quốc tế và tự ý hành động, cũng như vượt ra khỏi khung quan hệ liên Triều hiện tại. Chính phủ đang cân nhắc kỹ lưỡng nhiều luồng ý kiến trái chiều và các vấn đề khác, trong khi vẫn xúc tiến sửa đổi luật nhằm tạo dựng nền tảng pháp lý cho tăng cường trao đổi xuyên biên giới.


Trong khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên ngày 1 và 2/6 đã chỉ trích Bộ Thống nhất Hàn Quốc thiếu chân thành, cáo buộc Chính phủ Hàn Quốc là nguyên nhân khiến quan hệ liên Triều bế tắc. Miền Nam đã đề xuất hợp tác song phương, nhưng tại sao miền Bắc vẫn tiếp tục đả kích?


Nghe có vẻ mỉa mai, nhưng tôi nghĩ miền Bắc đang ám chỉ miền Nam nên cung cấp viện trợ thiết thực cho nước này. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang ngày càng tồi tệ, cần hỗ trợ từ nước láng giềng phía Nam hơn bao giờ hết. Nếu Hàn Quốc từ chối cung cấp viện trợ, miền Bắc sẽ khó vượt qua khủng hoảng, trừ khi đạt được thỏa thuận đột phá với Mỹ. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng Bình Nhưỡng có quan tâm đến các đề xuất của Seoul, nhưng vì quá kiêu ngạo nên khó ngỏ lời kêu gọi giúp đỡ.

Chính phủ Hàn Quốc không thực sự quan tâm đến những lời chỉ trích của các cơ quan tuyên truyền Bắc Triều Tiên, bởi miền Bắc thường sử dụng chiến thuật này để nắm bắt tình hình chung hoặc tạo ra chút hiệu ứng gì đó. Seoul cho rằng phản ứng chính thức từ các phương tiện truyền thông Nhà nước của miền Bắc mới đáng quan tâm.


Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang hối thúc Bắc Triều Tiên đáp lại lời kêu gọi, khẳng định Seoul sẽ từ từ chuẩn bị cho giao lưu liên Triều thời hậu COVID-19. Bộ cũng nhấn mạnh sửa đổi luật không phải một động thái thay đổi chính sách đột ngột, bởi Bộ vốn dự kiến trình dự thảo sửa đổi luật lên Quốc hội trong năm nay, sau khi tổ chức các buổi thăm dò ý kiến và công bố quyết định sửa đổi.


Các đảng cầm quyền và phe đối lập sẽ tham gia các cuộc thảo luận và tranh luận chuyên sâu trước khi đạt thỏa thuận và thông qua dự luật. Trong quá trình này, một số ý kiến có thể lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, xét về lâu về dài, giới chính trị sẽ nhất trí về sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác liên Triều, cũng chính là điểm then chốt của dự thảo sửa đổi luật lần này. Quốc hội cũng có thể xây dựng một dự thảo sửa đổi bổ sung khác nếu cần thiết. Tôi nghĩ Quốc hội sẽ tiến hành quy trình thông qua dự luật sửa đổi vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.


Giới phân tích hầu hết đều đồng tình cần sửa đổi Luật giao lưu hợp tác liên Triều đã 30 năm tuổi để phản ánh hiệu quả hơn những diễn biến và xu hướng mới nhất trong quan hệ liên Triều. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi và lo ngại, luật sửa đổi vẫn được kỳ vọng giúp tăng cường nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập