Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên cắt mọi đường dây liên lạc liên Triều

2020-06-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên ngày 9/6 tuyên bố bắt đầu từ trưa cùng ngày sẽ cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc, bao gồm cả đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo, đáp trả thất bại của Chính phủ Seoul trong việc ngăn chặn các tổ chức dân sự Hàn Quốc rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng sang bên kia biên giới. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay quyết định này do Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol đưa ra trong một cuộc họp hôm 8/6. Động thái quyết liệt trên liên quan đến phát biểu ngày 4/6 của bà Kim Yo-jong và tuyên bố ngay hôm sau của Bộ Mặt trận thống nhất Bắc Triều Tiên phụ trách các vấn đề về Hàn Quốc. Tóm lại, Bắc Triều Tiên tỏ rõ quan điểm sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Hàn Quốc. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích sâu hơn.


Động thái này khá giống chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” điển hình của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng rất phẫn nộ vì các tổ chức dân sự Hàn Quốc rải truyền đơn chỉ trích nặng nề chế độ cộng sản sang miền Bắc, và cho rằng các tờ rơi xúc phạm sự tôn sùng đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ở miền Bắc, ông Kim được coi là một hình tượng “thiêng liêng”, cũng giống ông nội ông là người sáng lập đất nước Kim Nhật Thành. Đối với Bắc Triều Tiên, thật khó để dung thứ cho các tờ truyền đơn chứa nội dung xúc phạm nhà lãnh đạo hàng đầu này.


Các cơ quan truyền thông và tuyên truyền Nhà nước Bắc Triều Tiên đã thẳng thắn bày tỏ thái độ bất mãn và thù địch với chính quyền Hàn Quốc, chỉ trích miền Nam thất bại trong việc ngăn chặn hành vi rải truyền đơn của các tổ chức dân sự. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, hôm 10/6 đưa tin về cuộc biểu tình công khai của Hiệp hội Đồng minh phụ nữ vì chủ nghĩa dân chủ ngay trước Bảo tàng Sinchon, tỉnh Nam Hwanghae, được coi là căn cứ tuyên truyền chống Mỹ của miền Bắc. Bài báo đánh giá hành vi của chính quyền Hàn Quốc là đáng ghê tởm, và nhấn mạnh nên chấm dứt quan hệ hai miền Nam-Bắc. Những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên tham gia vụ rải truyền đơn thì bị gọi là kẻ phản bội, rác rưởi và nên bị tiêu diệt. Có thể thấy miền Bắc đả kích miền Nam bằng các lối diễn đạt vô cùng mạnh bạo.


Trong nước, miền Bắc đang gặp khó khăn lớn về kinh tế, đặc biệt do đại dịch COVID-19. Chính quyền cần phải làm gì đó để đối phó với những bất mãn gia tăng trong dư luận về những khó khăn kinh tế và bế tắc trong đối thoại Mỹ-Triều. Để giải tỏa tâm lý tiêu cực của người dân, Bắc Triều Tiên đã tìm cách hướng sự chú ý của dư luận sang một vấn đề khác nằm ngoài lãnh thổ quốc gia, và để người dân bày tỏ bất bình về vụ việc. Động thái này cũng nằm trong nỗ lực củng cố sự tôn sùng dành cho nhà lãnh đạo đất nước.


Em gái Kim Yo-jong của Chủ tịch Kim jong-un đã và đang thu hút nhiều quan tâm của dư luận. Chức danh hiện tại của bà là phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động. Nhưng ngày 5/6, Bộ Mặt trận Thống nhất của đảng lại nhấn mạnh cảnh báo đóng cửa văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Gaesung là của bà Kim Yo-jong, hiện đang phụ trách các vấn đề về Hàn Quốc. Các nhân vật chủ chốt của đảng Lao động thường chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Seoul. Như vậy, có thể thấy bà Kim hiện đã được thăng cấp lên vị trí thứ hai về quyền lực và tiếng tăm ở miền Bắc.


Bà Kim rõ ràng đang chỉ đạo các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc. Nhiều người đã nhận ra việc này từ tháng 3, khi bà lên tiếng chỉ trích thậm tệ Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Tôi cho rằng chức danh Phó Chủ tịch hiện tại của bà sớm muộn gì cũng sẽ được thăng cấp. Có thể Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện một số hành động để thể hiện với cả trong và ngoài nước rằng bà Kim thực sự là nhân vật đứng thứ hai trong cơ cấu quyền lực của nước này. Hiện tại, Bình Nhưỡng sẽ để bà giải quyết các vấn đề về Hàn Quốc. Nếu hoàn thành tốt chức trách, phạm vi chỉ đạo của bà sẽ được mở rộng hơn. Có thể nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ để em gái quản lý các vấn đề thực tiễn, còn ông chỉ đóng vai trò “nhiếp chính”.


Sau khi bà Kim Yo-jong lên án chính quyền Hàn Quốc về vấn đề rải truyền đơn sang lãnh thổ miền Bắc, Seoul cho biết sẽ xây dựng luật ngăn chặn các hành vi này.

Tuy nhiên, luật này chắc chắn sẽ gây tranh cãi xoay quanh quyền tự do ngôn luận vốn được đảm bảo trong Hiến pháp. Hơn nữa, giới cấp tiến và bảo thủ có quan điểm đối lập về vấn đề này, nên rất khó để Quốc hội thông qua dự luật. Liên quan đến phản ứng nhanh chóng của Seoul, giới phân tích cho rằng miền Nam đang quan tâm thái quá đến những chỉ trích của miền Bắc. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 9/6 cho biết tiếp cận vấn đề này theo hướng cảm tính là không phù hợp.


Một số cá nhân, đặc biệt là thành viên các đảng đối lập cho rằng Hàn Quốc không thể ban hành luật chỉ vì khiếu nại của Bắc Triều Tiên, và chỉ trích Chính phủ dễ bị dao động trước miền Bắc.

Trên thực tế, khi còn là đảng đối lập năm 2014, đảng Dân chủ đồng hành đã đề cập cần xây dựng dự luật cấm rải truyền đơn chống Nhà nước cộng sản miền Bắc. Giờ đây, Chính phủ lại càng kêu gọi cơ sở pháp lý với lý do đảm bảo an toàn cho cư dân ở khu vực biên giới. Thêm vào đó, Seoul không muốn vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hợp tác kinh tế liên Triều.

Tuy nhiên, luật cấm phát tờ rơi có thể đi ngược với quyền tự do ngôn luận. Do đó, Chính phủ phải tìm các giải pháp thay thế, chẳng hạn như thuyết phục các nhóm dân sự kiềm chế rải truyền đơn hoặc thay đổi cách thức thực hiện phong trào.


Nhiều ý kiến lo ngại Bắc Triều Tiên có thể hủy bỏ Thỏa thuận quân sự liên Triều 2018, vì các đường dây liên lạc nước này tuyên bố cắt đứt bao gồm cả các kênh liên lạc quân đội. Thỏa thuận quân sự 19/9/2018 là biểu tượng cho chính sách với Bắc Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, trong đó chỉ ra các biện pháp cụ thể ở 5 lĩnh vực nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ vũ trang bất ngờ giữa hai bên. Theo đó, hai miền đã đồng ý dừng mọi hành vi thù địch với nhau. Nguy cơ thỏa thuận bị vô hiệu hóa ngày càng gia tăng đang làm dấy lên lo ngại về các hành động khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên đối với miền Nam. Tuy vậy, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon  dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ không thực hiện các hành động khiêu khích cường độ cao trong bối cảnh hiện tại.


Bắc Triều Tiên vẫn thi thoảng có các động thái khiêu khích quân sự, bao gồm cả bắn tên lửa tầm ngắn. Một số ý kiến quan ngại nước này sẽ thực hiện các hành động khiêu khích cường độ cao như phóng tên lửa tầm xa hoặc một cuộc phóng thử hạt nhân khác. Tuy nhiên trên thực tế, miền Bắc đã không sử dụng những hành động khiêu khích kiểu này trong những năm gần đây, và tôi nghĩ sắp tới cũng khó có thể thực hiện. Bắc Triều Tiên cần cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc để vượt qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng hiện tại, đặc biệt là duy trì động lực đối thoại với Mỹ. Vì vậy, khả năng khiêu khích cường độ cao là khá thấp.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể thực hiện các động thái khiêu khích cường độ thấp để hối thúc miền Nam ngăn chặn hoàn toàn hành vi rải truyền đơn cũng như nối lại hoạt động kinh doanh của Khu công nghiệp Gaesung và Chương trình du lịch núi Geumgang.


Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/6 đã gửi thông điệp cảnh báo tới Bắc Triều Tiên, bày tỏ thất vọng về hành động cắt đứt mọi đường dây liên lạc với miền Nam của miền Bắc. Giới chuyên gia nhận định Mỹ coi phản ứng quyết liệt của Bình Nhưỡng với Seoul là nhằm gây áp lực cho Washington.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ qua các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Bắc Triều Tiên vì cho là không quan trọng. Nhưng lần này, Bộ Ngoại giao nước này đã phải dùng từ “thất vọng”. Đây được coi là cảnh báo với miền Bắc rằng không nên vượt qua lằn ranh đỏ. Ông Trump muốn cầm cự tình hình hiện tại với Bắc Triều Tiên cho đến cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng Chủ tịch Kim Jong-un lại không thể cứ ngồi yên chờ đợi. Vì vậy, để dạo đầu, ông Kim đã gửi thông điệp khiêu khích cường độ thấp đến Hàn Quốc. Có vẻ Mỹ nhìn nhận những hành động cường độ thấp này có thể leo thang lên cường độ cao mà nước này không hề mong đợi, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Tổng thống. Tôi nghĩ vì lẽ đó mà Mỹ gửi thông điệp cảnh báo tới Bắc Triều Tiên vào thời điểm này.


Nhiều ý kiến lo ngại quan hệ liên Triều sẽ quay về thời điểm trước tháng 4/2018 khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Chính phủ Seoul cần phân tích lý do vì sao miền Bắc lại một lần nữa gây căng thẳng, và theo dõi sát sao các nước đi tiếp theo của nước này.

Lựa chọn của ban biên tập