Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều

2020-06-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Vào 2 giờ 49 phút chiều 16/6, Bắc Triều Tiên đã cho nổ Văn phòng liên lạc liên Triều nằm trong khu công nghiệp liên Triều Gaesung, miền Bắc. Ngay lập tức, tất cả các nước liên quan đến vấn đề bán đảo Hàn Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc đều đồng loạt bày tỏ quan ngại, hối thúc Bắc Triều Tiên kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng. Ngày 4/6, Bình Nhưỡng đã đề cập đóng cửa Văn phòng liên lạc liên Triều trong một tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, nhằm phản đối hành động rải truyền đơn chống phá nước này của các tổ chức người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc. Trong tuyên bố ngày 13/6, miền Bắc lại tiếp tục cảnh báo phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều. Chỉ ba ngày sau, Bắc Triều Tiên đã đánh sập Văn phòng này sau 1 năm 9 tháng hoạt động. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-kuk phân tích động thái lần này của miền Bắc.


Vụ nổ tòa nhà 4 tầng Văn phòng liên lạc liên Triều lớn đến mức có thể nghe thấy và quan sát từ Hàn Quốc. Truyền thông miền Bắc đã ghi hình lại toàn cảnh vụ phá hủy. Động thái này diễn ra ngay sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố coi Hàn Quốc là “kẻ thù”. Sự sụp đổ của Văn phòng liên lạc, biểu tượng của hợp tác liên Triều, đã đưa quan hệ hai miền rơi vào cục diện tồi tệ nhất trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, kể từ sau Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000.


Văn phòng liên lạc liên Triều là một trong những thành quả mang tính biểu tượng về quan hệ liên Triều của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in. Đây là kênh liên lạc thường trực đầu tiên giữa hai miền kể từ khi bị chia cắt. Văn phòng chính thức mở cửa ngày 14/9/2018, 140 ngày sau khi lãnh đạo hai miền ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm. Văn phòng được đánh giá là bước khởi đầu cho bình thường hóa đối thoại liên Triều, cho phép quan chức hai nước gặp gỡ, bàn thảo trực tiếp tại cùng một địa điểm. Thế nhưng tháng 3 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã thông báo đơn phương rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều mà không giải thích lý do cụ thể, làm phai nhạt ý nghĩa biểu tượng của Văn phòng này.


Văn phòng liên lạc liên Triều là địa điểm liên lạc, họp hành, tham vấn, giao lưu, bảo đảm tiện nghi cần thiết cho nhân sự hai miền. Tầng 1 của tòa nhà được sử dụng làm nơi đào tạo, tầng 3 gồm các phòng họp. Tầng 2 đặt văn phòng của phía miền Nam, và tầng 4 đặt văn phòng của miền Bắc. Giám đốc Văn phòng phía miền Nam là Thứ trưởng Bộ Thống nhất, Giám đốc phía miền Bắc là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thống nhất tổ quốc. Văn phòng liên lạc liên Triều được chia thành nhiều bộ phận, như bộ phận điều hành, bộ phận giao lưu, bộ phận liên lạc hợp tác. Có khoảng 30 nhân viên mỗi bên làm việc tại đây.

Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm nay, Bắc Triều Tiên đã tăng cường cảnh giác cao độ. Đến ngày 31/1, hai miền rút toàn bộ nhân viên thường trực về nước. Đáng tiếc là chỉ gần 5 tháng sau, miền Bắc đã đơn phương đánh sập cả tòa nhà, đồng thời đơn phương phá vỡ mọi thỏa thuận giữa hai bên.


Ngày 17/6, một ngày sau khi phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều, Bắc Triều Tiên tiếp tục ra tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, với tiêu đề “Khó chịu khi nghe những lời đường mật trơ trẽn", chỉ trích thông điệp của Tổng thống Moon Jae-in trong bài phát biểu kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6. Miền Bắc cho rằng nội dung bài phát biểu của Tổng thống chỉ nhằm biện minh cho bản thân và lẩn tránh trách nhiệm.

Cùng ngày, các hãng truyền thông Nhà nước miền Bắc, trong đó có Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), đưa tin phía miền Nam đã đề nghị cử đặc phái viên sang miền Bắc. KCNA cho biết Seoul đã thông báo tới Bình Nhưỡng là Tổng thống Moon muốn cử Chánh Văn phòng an ninh Phủ Tổng thống Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) Suh Hoon vào ngày tháng thuận tiện cho miền Bắc. Cũng theo KCNA, Bắc Triều Tiên đã thẳng thừng từ chối đề xuất “trơ trẽn” này của miền Nam.


Bài phát biểu nhân kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6 của Tổng thống Moon Jae-in gồm các đề xuất thảo luận, hợp tác liên Triều, giải tỏa mọi vấn đề giữa hai bên. Thế nhưng Bắc Triều Tiên lại gọi đây là một “thủ đoạn cũ rích”, “đáng ghê tởm, hèn hạ” của miền Nam nhằm đổ mọi trách nhiệm cho miền Bắc để giữ thể diện. Miền Bắc còn ra một tuyên bố khác dưới danh nghĩa Bộ trưởng Mặt trận thống nhất Chang Kum-chol, chỉ trích những thông điệp của Tổng thống Moon và chính sách của miền Nam là “trẻ con”, “tự đạp đổ cơ hội may mắn” của mình.

Tóm lại, Bắc Triều Tiên đã thể hiện rõ quan điểm “đoạn tuyệt” với Hàn Quốc. Hàng loạt các phát ngôn gay gắt nhắm vào miền Nam và Tổng thống Moon cho thấy quan hệ hai miền sẽ không tránh khỏi rơi vào tình thế khó khăn và khủng hoảng hơn nữa.


Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của bà Kim Yo-jong là đi quá giới hạn, hết sức thất lễ và không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh Seoul sẽ không “nhẫn nhịn” thêm nữa. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 17/6, Cố vấn phụ trách đối thoại với người dân thuộc Phủ Tổng thống Yoon Do-han nhận định những lời lẽ và hành động gần đây của Bắc Triều Tiên tuyệt đối không giúp ích gì cho nước này, và Bình Nhưỡng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về mọi hậu quả tiếp theo. Ông Yoon cảnh cáo trong thời gian tới, Bắc Triều Tiên phải giữ đúng “lễ nghi cơ bản”. Đây được coi là những chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Moon đối với Bắc Triều Tiên.


Cho đến nay, đường lối cơ bản của Phủ Tổng thống luôn là duy trì nền tảng giao lưu, hợp tác với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi miền Bắc đơn phương đánh sập Văn phòng liên lạc chung, biểu tượng của hợp tác liên Triều và Tuyên bố Bàn Môn Điếm, nhiều ý kiến trong Phủ Tổng thống nhấn mạnh đây rõ ràng là một hành vi thù địch. Trong thời gian qua, Hàn Quốc luôn hết sức kiềm chế và thận trọng khi đưa ra thông điệp với Bắc Triều Tiên. Nhưng nội dung phát biểu của Cố vấn Yoon Do-han ngày 17/6 đã truyền đi một thông điệp cứng rắn, cho thấy Phủ Tổng thống Hàn Quốc sẽ sẵn sàng đối phó mạnh tay, không để yên cho Bắc Triều Tiên phá vỡ những thành quả đã đạt được. Sáng 17/6, Phủ Tổng thống cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), tái khẳng định lập trường trước đó của Bộ Thống nhất là Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về hành vi không thể chấp nhận lần này.


Bộ Thống nhất Hàn Quốc sáng 17/6 đã đưa ra lập trường chính thức, lấy làm tiếc sâu sắc về vụ phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều của Bắc Triều Tiên, quy kết đây là hành vi xâm hại quyền tài sản của người dân Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát và duy trì tư thế sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào tại khu vực ranh giới quân sự liên Triều. Vài tiếng trước khi phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều ngày 16/6, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ cử quân đội tới những các khu vực phi quân sự theo thoả thuận liên Triều. Tới sáng 17/6, nước này thông báo cụ thể hơn là sẽ tái triển khai quân đội tại khu du lịch núi Geumgang, khu công nghiệp liên Triều Gaesung, các trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), và tiến hành lại các cuộc diễn tập quân sự trên biển Tây.


Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên sẽ thực sự tiến hành kế hoạch này, cũng như có các động thái khiêu khích tại một số khu vực gần ranh giới quân sự liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc cần theo dõi sát sao mọi động thái của miền Bắc, sẵn sàng đối phó nhanh chóng và quyết liệt với mọi khả năng.

Do căng thẳng quân sự leo thang, quân đội Hàn Quốc đã ban lệnh sẵn sàng chiến đấu toàn quân. Seoul cần thực hiện song song hai chiến lược, một mặt tiếp tục thuyết phục Bắc Triều Tiên, mặt khác tăng cường cảnh cáo cứng rắn, gây sức ép với nước này. Nói cách khác, Hàn Quốc phải theo sát các động thái của miền Bắc và chuẩn bị phương án huy động lực lượng quân sự để đối phó.


Sau vụ việc lần này, dư luận quốc tế đang dậy sóng chỉ trích gay gắt miền Bắc. Nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ khôi phục lại các trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều và diễn tập quân sự đối phó với khả năng Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Quân đội miền Bắc cũng tuyên bố sẽ rải truyền đơn xuống miền Nam. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cần xem xét lại kế hoạch xây dựng luật cấm hành vi rải truyền đơn sang miền Bắc của các tổ chức dân sự.


Tôi cho rằng các chính sách với Bắc Triều Tiên của Chính phủ cần duy trì nhất quán và theo định hướng lâu dài. Đặc biệt, vụ việc lần này bắt nguồn từ hành vi rải truyền đơn sang miền Bắc của các tổ chức người tị nạn, với những lời lẽ lăng mạ gay gắt. Hành động này không hề mang lại lợi ích gì mà chỉ kích động miền Bắc, nên cần phải xử lý cứng rắn.

Về các khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên, thay vì đối phó “trực diện”, Hàn Quốc cần sử dụng sức mạnh quân sự thật cẩn trọng, chính xác, vừa thị uy ưu thế vượt trội, vừa thể hiện thái độ cứng rắn. Nếu Seoul có bước đi quân sự trước, căng thẳng giữa hai bên sẽ leo thang thành xung đột lớn khiến tình hình càng tồi tệ, ảnh hưởng tới hình ảnh của Hàn Quốc, vốn được cộng đồng quốc tế công nhận là một cường quốc về kinh tế và an ninh.

Lựa chọn của ban biên tập