Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự với Hàn Quốc

2020-07-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên vẫn rất bình lặng từ sau quyết định đình chỉ các hành động quân sự với Hàn Quốc vào tuần trước. Đây là động thái khá bất ngờ, bởi Bình Nhưỡng đã liên tiếp chỉ trích gay gắt Seoul và nhanh chóng thực hiện đúng theo đe dọa là cho nổ Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung. Do đó, dư luận đều tin rằng Bắc Triều Tiên sẽ sớm triển khai 4 kế hoạch hành động quân sự.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un ngày 23/6 đã chủ trì một cuộc họp sơ bộ của Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động, quyết định hoãn các kế hoạch hành động quân sự nhắm vào Hàn Quốc. Các kế hoạch này do Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un, chỉ đạo. Đây là lần đầu tiên miền Bắc triệu tập một cuộc họp trù bị như vậy kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích sâu hơn.


Trước đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Bắc Triều Tiên đã trình bày 4 kế hoạch hành động quân sự, gồm triển khai quân đội đến Khu công nghiệp liên Triều Gaesung và khu du lịch núi Geumgang, nối lại các cuộc tập trận quân sự ở ven biển Tây giáp Hàn Quốc, chuẩn bị rải truyền đơn sang lãnh thổ miền Nam, và khôi phục các trạm gác dọc Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Trên thực tế, miền Bắc đã bắt tay vào chuẩn bị cho các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, ngày 23/6, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã quyết định tạm dừng các kế hoạch trên tại cuộc họp sơ bộ khá hiếm thấy của Ủy ban quân sự trung ương. Có vẻ Bình Nhưỡng đã tạm thời ngừng đối đầu quân sự với Seoul, và sẽ theo dõi phản ứng của Hàn Quốc để quyết định hủy bỏ hoàn toàn hay nối lại các kế hoạch này trong cuộc họp tới.


Không rõ quyết định của Bắc Triều Tiên sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng động thái này đã đột ngột thay đổi bầu không khí căng thẳng trong quan hệ liên Triều. Miền Bắc đã tháo dỡ các loa phóng thanh vừa dựng lại dọc biên giới.


Sau khi Bắc Triều Tiên tháo dỡ khoảng 30 loa tuyên truyền, khu vực DMZ coi như đã khôi phục trạng thái hòa bình. Trước đó, miền Bắc tuyên bố đã sẵn sàng rải 12 triệu truyền đơn sang lãnh thổ miền Nam. Các cơ quan tuyên truyền lên án mạnh mẽ Chính phủ Hàn Quốc, nhiều cuộc biểu tình chống Hàn Quốc cũng diễn ra rầm rộ ở nhiều nơi trên cả nước từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, sau quyết định tạm hoãn của Chủ tịch Kim, tất cả các hoạt động truyền thông và các cuộc biểu tình đã hoàn toàn biến mất.


Nhiều người đã cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ phát tờ rơi chống đối Hàn Quốc, hoặc phát động một cuộc khiêu khích vũ trang vào ngày 25/6, đúng kỷ niệm 70 năm ngày chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bùng nổ. Trái với dự đoán, Bình Nhưỡng đã không đề cập trực tiếp đến Seoul mà chỉ đổ lỗi cho Mỹ về cuộc chiến, đồng thời điều chỉnh mức độ chỉ trích. Động thái thay đổi thái độ đầy bất ngờ của miền Bắc nên được hiểu như thế nào?


Có khả năng Bắc Triều Tiên thể hiện lập trường cứng rắn vì tin rằng khó có thể đạt được gì từ Hàn Quốc hoặc Mỹ thông qua đối thoại. Chính quyền miền Bắc nhận thấy cần tạo ra và đánh bại kẻ thù bên ngoài lãnh thổ nhằm đối phó với bất mãn đang ngày càng gia tăng trong dân chúng do khủng hoảng dịch COVID-19 và hệ lụy khó khăn kinh tế. Còn hiện tại, miền Bắc lại nhận định “tiến quá đà” có thể phản tác dụng. Vì vậy, Chủ tịch Kim đang tìm kiếm phương hướng mới, đồng thời tạm dừng kế hoạch quân sự để quan sát thái độ của Seoul. Bắc Triều Tiên có vẻ hài lòng với chuỗi hành động khiêu khích giai đoạn 1 vừa qua, và tin rằng chúng đã tạo ra hiệu ứng như mong muốn.


Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không nêu rõ lý do quyết định đình chỉ kế hoạch quân sự với miền Nam. Một số ý kiến nhận định nhà lãnh đạo và em gái Kim Yo-jong đang chơi trò “kẻ tung người hứng”, và bà Kim cũng đã nổi lên như người kế vị tiềm năng ở miền Bắc.

Một số khác lại cho rằng tất cả các quyết định đều là của Chủ tịch Kim, và ông chỉ “ra mặt” khi thấy cần xoa dịu căng thẳng. Bằng cách xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo giảm nhẹ xung đột, có vẻ Chủ tịch Kim Jong-un đã để ngỏ cánh cửa cho đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ.


Nhiều người cho rằng bà Kim Yo-jong đã được thăng cấp từ vai trò trợ lý cho anh trai lên chỉ huy thứ hai của miền Bắc. Bình Nhưỡng đã tiết lộ đề xuất không chính thức của Seoul là cử đặc phái viên tới miền Bắc, và cho biết chính bà Kim Yo-jong chứ không phải nhà lãnh đạo miền Bắc đã thẳng thừng từ chối đề nghị. Trên thực tế, bà Kim không có đủ thẩm quyền để từ chối các đặc phái viên từ miền Nam. Nhiều nhà phân tích không cho rằng bà Kim Yo-jong là người kế nhiệm, bởi trong khi bà liên tục lên án Hàn Quốc thì mệnh lệnh của anh trai lại xoay chuyển mọi thứ hoàn toàn. Có thể nói bà Kim đã hành động hơi thái quá. Dẫu vậy, miền Bắc sẽ không bao giờ làm mất mặt người kế vị. Vì thế, có thể bà Kim Yo-jong được coi là chỉ huy thứ hai, nhưng vẫn chưa phải người kế nhiệm của Bắc Triều Tiên.


Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc coi quyết định đình chỉ kế hoạch hành động quân sự của Bắc Triều Tiên là tín hiệu tích cực và hy vọng cho đàm phán song phương để cải thiện quan hệ. Có nhiều ý kiến trái chiều về triển vọng của quan hệ liên Triều sau chuỗi diễn biến đầy biến động gần đây.


Cho đến gần đây, triển vọng về quan hệ liên Triều và tiến trình hòa bình vẫn rất ảm đạm. May mắn là miền Bắc đã “phanh” lại kịp thời. Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh động thái này, nhưng vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức mà đang cẩn trọng theo dõi tình hình. Quyết định của Bắc Triều Tiên chỉ là “đình chỉ” các kế hoạch quân sự chứ không hủy bỏ hẳn. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thay đổi thái độ bất cứ lúc nào nếu không hài lòng với phản ứng từ Hàn Quốc hoặc Mỹ.


Chính phủ Hàn Quốc khẳng định cần tiếp tục theo dõi sát sao động thái của Bắc Triều Tiên, vì quyết định của Chủ tịch Kim Jong-un được đưa ra tại một hội nghị khá bất thường dưới hình thức cuộc họp sơ bộ. Do đó, nước này cũng có thể tổ chức phiên họp toàn thể hoặc cuộc họp mở rộng để đảo ngược quyết định và nối lại các hành động quân sự. Ngoài ra, vẫn còn một số yếu tố khác có thể khiến miền Bắc thể hiện thái độ thù địch với miền Nam một lần nữa. Các nhóm dân sự Hàn Quốc vẫn đang rình rập gửi tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới, còn Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ tái khởi động các cuộc tập trận quân sự chung đang bị hoãn do dịch COVID-19. Nếu vậy, có khả năng Bắc Triều Tiên sẽ không hài lòng và phản ứng nhạy cảm.


Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun dự kiến sẽ sớm tới thăm Hàn Quốc và gửi thông điệp tới Bắc Triều Tiên. Cần phải chờ xem miền Bắc sẽ đáp lại thông điệp như thế nào. Một việc khác quan trọng không kém là Hàn Quốc và Mỹ cần xem xét giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới, ở mức chấp nhận được với Bắc Triều Tiên. Hồi ký của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng là một yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng đến ngoại giao khu vực. Cuốn hồi ký bao gồm các chi tiết về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore và lần thứ hai tại Hà Nội. Nếu Bắc Triều Tiên đọc kỹ cuốn hồi ký này thì sẽ hiểu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cố gắng tạo điều kiện cho các hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình, thậm chí ủng hộ quan điểm của Bắc Triều Tiên ở một mức độ nào đó, và thực sự hy vọng giải quyết được vấn đề hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Trong khi Hàn Quốc và Mỹ đang gửi nhiều tín hiệu hòa giải đến Bắc Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng cụ thể nào, mà chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của “tự lực” và “đột phá trực diện” tại miền Bắc. Vẫn phải chờ xem trạng thái “tạm lắng” hiện tại trong quan hệ liên Triều sẽ kéo dài bao lâu, và chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun đến Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngoại giao khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập