Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quốc kỳ Bắc Triều Tiên

2020-07-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Mỗi quốc gia đều có lá cờ đại diện riêng. Trong các xã hội cổ đại, các nhóm người đã biết sử dụng những biểu tượng nhất định để đại diện cho họ. Về sau, những biểu tượng này phát triển thành quốc kỳ. Các quốc gia ngày nay sử dụng màu sắc và hình dạng nhất định trong quốc kỳ để thể hiện truyền thống và lý tưởng riêng.

Vậy cờ quốc gia Bắc Triều Tiên mang ý nghĩa gì? Người Hàn Quốc gọi cờ Bắc Triều Tiên là “Ingonggi”, nghĩa là cờ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Còn người Bắc Triều Tiên thường sử dụng các cụm từ “cờ xanh-đỏ của nước Cộng hòa” hoặc “cờ ngôi sao năm cánh đỏ” khi nói về quốc kỳ của họ. Giáo sư Chung Eun-chan từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc giải thích chi tiết hơn về ý nghĩa quốc kỳ Bắc Triều Tiên.


 “Theo Điều 170 Chương 7 Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên, quốc kỳ của nước này có nền màu đỏ, viền cả trên và dưới bởi một dải trắng hẹp và dải màu xanh lam rộng, giữa nền đỏ lệch về phía cán cờ là một ngôi sao màu đỏ nằm trong hình tròn màu trắng. Tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài là 1:2. Ngôi sao đỏ là biểu tượng phổ biến của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Dải màu đỏ tượng trưng cho truyền thống cách mạng, còn dải màu xanh tượng trưng cho chủ quyền, hòa bình và tình hữu nghị”


Quốc kỳ Bắc Triều Tiên được thiết kế ở Liên Xô

Giáo sư Chung Eun-chan cho biết quốc kỳ Bắc Triều Tiên được thiết kế ở Liên Xô. Ông Pak Il, phiên dịch viên trong công đoạn thiết kế lá cờ, đã tiết lộ sự thật này. Giáo sư Pak từng giữ chức phó Hiệu trưởng Đại học Kim Nhật Thành từ năm 1946 đến đầu năm 1948.

Ngay cả sau khi nhận được thiết kế cờ mới từ Liên Xô, miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng Thái cực kỳ thêm một thời gian. Khi chính trị gia kiêm nhà hoạt động độc lập nổi tiếng Kim Koo đến Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Kim Nhật Thành tháng 4/1948, ông đã có bài phát biểu dưới Thái cực kỳ chứ không phải cờ Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, quốc gia này cần một biểu tượng mới phù hợp với nền tảng của đảng Lao động, hướng tới thiết lập chủ nghĩa xã hội. Tại phiên họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân miền Bắc ngày 10/7/1948, Thái cực kỳ đã bị gỡ xuống và lá cờ mới được treo thử nghiệm. Sau đó, Chính phủ Bắc Triều Tiên thành lập ngày 9/9 cùng năm, và lá cờ mới cũng chính thức được sử dụng.


Sử dụng quốc kỳ miền Bắc bị hạn chế ở miền Nam

Miền Bắc từ lâu đã bị coi là một điều cấm kỵ ở miền Nam, bởi nó gợi nhớ về thực trạng đau đớn của một đất nước bị chia rẽ. Trên thực tế, đã có khá nhiều tranh cãi về việc sử dụng cờ miền Bắc tại các sự kiện thể thao quốc tế tổ chức ở miền Nam.

Quốc kỳ Bắc Triều Tiên lần đầu tiên được treo ở miền Nam tại Á vận hội Busan 2002, trong bầu không khí hòa giải liên Triều nhen nhóm từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên ngày 13/6/2000. Nhưng vấn đề treo cờ đã gặp nhiều trở ngại.

Khoảng chục năm về trước, hành vi in ấn quốc kỳ Bắc Triều Tiên có thể bị truy tố tại Hàn Quốc vì vi phạm Luật an ninh quốc gia. Trong một số tài liệu cũ tại các thư viện địa phương, một số trang còn bị bôi đen hoặc cắt đi. Đây chủ yếu là các tài liệu nước ngoài có hình ảnh lá cờ Bắc Triều Tiên. Rõ ràng, tất cả các dữ liệu liên quan đến quốc kỳ miền Bắc đều đã bị kiểm duyệt và xóa bỏ.

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sử dụng quốc kỳ riêng biệt. Khi cùng diễu hành trong lễ khai mạc tại Thế vận hội Olympic hay các đội thể thao liên Triều, hai nước thống nhất sử dụng lá cờ mang hình ảnh của bán đảo Hàn Quốc màu xanh trên nền trắng.

Nếu hai miền Nam Bắc thống nhất thì sao? Liệu hai bên có chấp nhận “Thái cực kỳ”, vốn được sử dụng trên toàn bán đảo Hàn Quốc trước khi dân tộc Hàn được giải phóng khỏi thực dân Nhật Bản, hay thiết kế một lá cờ mới? Thời gian sẽ giải đáp cho câu hỏi này.

Lựa chọn của ban biên tập