Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba đứng trước nhiều thách thức

2020-07-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/7 khẳng định cánh cửa cho một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khác vẫn đang rộng mở, trong khi chỉ còn khoảng 100 ngày từ nay tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo Đài châu Á tự do (RFA) trụ sở tại Mỹ, ông Pompeo cho biết đã nắm rõ tuyên bố của em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un - Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại với miền Bắc. Hôm 9/7, ông cũng nhấn mạnh Washington hy vọng tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/7 phát biểu ông tin tưởng miền Bắc muốn gặp gỡ, và Mỹ chắc chắn sẽ đáp ứng điều này. Trong bối cảnh triển vọng tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tháng 11 tới ngày càng lung lay, ông Trump và đội ngũ chính quyền của mình có vẻ đang hướng đến một hội nghị thượng đỉnh khác với miền Bắc nhằm xoay chuyển tình hình. Vì cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo đều để ngỏ khả năng đối thoại, một số ý kiến suy đoán có thể hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra như một “bất ngờ tháng 10” ngay trước thềm bầu cử. Ông Oh Gyeong-seob đến từ Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết:


Một loạt cuộc thăm dò tại Mỹ cho thấy ông Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump gần 10%, và cử tri từ 65 tuổi trở lên đang ngày càng quay lưng lại với ông Trump. Để xoay chuyển tình hình, ban chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Trump đang gấp rút đưa ra nhiều chiến lược khác nhau, bao gồm cả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba. Tuy nhiên hiện tại, khả năng về “bất ngờ tháng 10” là khá thấp, bởi miền Bắc khó có thể chấp nhận yêu cầu phi hạt nhân hóa của Washington, trong khi Mỹ cũng rất khó nhượng bộ Bình Nhưỡng ở mức đủ đột phá để đem về chiến thắng cho ông Trump. Hai nước không còn đủ thời gian cho một hội nghị thượng đỉnh trong năm nay. Hơn nữa, hai bên cũng phải vượt qua một số trở ngại trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa nào về phi hạt nhân hóa.


Đáp lại lập trường tích cực của Washington về một hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng, bà Kim Yo-jong đã bác bỏ khả năng tổ chức hội đàm trong năm nay và giải thích chi tiết trong một tuyên bố hôm 10/7.


Bà Kim đã đưa ra ba lý do. Thứ nhất, bà nhấn mạnh chính Mỹ chứ không phải Bắc Triều Tiên là bên cần hội nghị thượng đỉnh. Thứ hai, bà cho rằng miền Bắc sẽ chỉ lãng phí thời gian đối thoại với “những kẻ không có dũng khí đảm đương thử thách mới”, và có thể chính hội đàm sẽ phá vỡ quan hệ đặc biệt hiện tại giữa hai nhà lãnh đạo. Thứ ba, bà khẳng định không cần thiết tổ chức hội nghị vì chính ông “Bolton rác rưởi” đã dự đoán như vậy. Em gái Chủ tịch Kim tỏ ra nhìn thấu tâm can Tổng thống Trump, và khẳng định dứt khoát không bao giờ để ông Trump sử dụng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba cho chiến dịch bầu cử của mình.


Bà Kim Yo-jong cho biết những tuyên bố đanh thép trên chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng vẫn khẳng định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo sẽ không diễn ra trong năm nay. Bà cũng để ngỏ cánh cửa cho đối thoại, nhận định chưa ai nói trước được điều gì, vì còn phụ thuộc vào quyết định của hai nhà lãnh đạo. Bà cũng cho biết Bắc Triều Tiên không có ý định đe dọa Mỹ, và quan điểm này cũng đã được truyền tải tới Tổng thống Trump. Vậy rốt cuộc thông điệp của Bắc Triều Tiên là gì? Vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng có muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh và tiếp tục đàm phán hạt nhân với Mỹ hay không.


Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên muốn đạt được điều gì đó từ Mỹ thông qua các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng không cần vội vàng lúc này vì Mỹ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để nhượng bộ. Miền Bắc đánh giá chính ông Trump mới đang gấp gáp vì cần một số sự kiện trước cuộc bầu cử. Trong Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội năm ngoái, Bình Nhưỡng đã đề xuất dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon để được gỡ bỏ lệnh trừng phạt từ Mỹ. Hàm ý của miền Bắc là sẽ không tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần ba nếu Mỹ tiếp tục từ chối đề xuất trên. Có thể coi đây là một trong những điều kiện đàm phán của nước này.


Bắc Triều Tiên không hoàn toàn đóng cửa đối thoại, trong khi Washington, vốn chẳng mấy mặn mà trước đây, nay đã đề cập đến hội nghị thượng đỉnh thứ ba với Bình Nhưỡng. Có thể nói cả hai bên đều đang tiến thêm một bước.

Trong bối cảnh đó, dư luận đang quan tâm đến đội hình ngoại giao và an ninh mới của Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ nối lại đối thoại với Mỹ sau khi theo dõi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11. Khi đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ có rất ít cơ hội để điều chỉnh bởi nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in chỉ còn khoảng một năm. Rõ ràng, nỗ lực tạo đà cho đối thoại Mỹ-Triều và chính sách đối với Bắc Triều Tiên của đội hình mới đang ngày càng quan trọng.


Đội hình an ninh mới của Hàn Quốc sẽ phải khôi phục đối thoại liên Triều trước để tìm giải pháp phá vỡ bế tắc hiện tại trong quan hệ hai miền Nam-Bắc. Đồng thời, họ cũng cần thiết lập môi trường thuận lợi cho đối thoại Mỹ-Triều, bởi chính tiến trình đối thoại và một số thỏa thuận về vấn đề phi hạt nhân hóa cũng sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều. Hiện tại, Seoul nên cố gắng liên lạc với Bình Nhưỡng qua các kênh không chính thức để nối lại đối thoại xuyên biên giới và tháo gỡ các trở ngại trong quan hệ hai miền.


Trong khi đó, Bắc Triều Tiên đã có động thái đánh giá tích cực các quan chức an ninh mới của Hàn Quốc. Ngày 14/7, trang web tuyên truyền "Dân tộc chúng ta" trích dẫn phần bình luận và bài viết trên báo điện tử "Thời báo tự chủ" (jajusibo.com) của Hàn Quốc, bày tỏ kỳ vọng vào tân Bộ trưởng Thống nhất Lee In-young và tân Cố vấn đặc biệt về vấn đề thống nhất, ngoại giao và an ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok. Bài viết cho hay dư luận sẽ hết sức quan tâm đến các động thái của hai nhân vật này trong tương lai, vì cả hai đều phê phán Nhóm công tác Hàn-Mỹ.

Trang tuyên truyền khác của miền Bắc là “Meari” (Tiếng vọng) cũng trích dẫn kêt quả khảo sát gần đây của một trung tâm khảo sát Hàn Quốc, cho biết nhiều người Hàn đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc từ bỏ chính sách thân Mỹ vốn đã lỗi thời, và cần thể hiện thái độ tự chủ hơn. Các bài báo trên xuất hiện ba tuần sau khi nước này ngừng chỉ trích gay gắt Hàn Quốc.


Có vẻ miền Bắc đang muốn nhắn nhủ miền Nam nên thẳng thắn đối đầu với Mỹ, cụ thể là hối thúc Seoul từ chối yêu cầu của Washington về việc tham gia các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, thay vào đó tiến hành các chương trình hợp tác kinh tế xuyên biên giới như nối lại hoạt động kinh doanh của khu công nghiệp Gaesung và dự án du lịch núi Geumgang. Miền Bắc đang yêu cầu miền Nam ngừng hợp tác với Mỹ, hành động độc lập và chung tay thúc đẩy hợp tác liên Triều.


Trong khi Bắc Triều Tiên và Mỹ đang dò ý nhau và Tổng thống Moon bày tỏ hy vọng đóng vai trò trung gian cho một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khác trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dư luận đang đặt câu hỏi về tính khả thi của hội nghị này. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các ưu đãi tiềm năng của Washington dành cho Bình Nhưỡng cũng là những yếu tố quan trọng tác động đến khả năng diễn ra hội nghị.

Lựa chọn của ban biên tập