Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung

2020-07-23

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chấm dứt đặc quyền giao thương với Hong Kong, sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành Luật An ninh quốc gia mới áp dụng cho đặc khu hành chính này. Mỹ cũng đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại biển Đông, và đề cập đến khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã can thiệp phá hủy hòa bình khu vực và chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích:


Căng thẳng Mỹ-Trung nóng lên đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh quốc gia áp dụng với Hong Kong. Ngoài sắc lệnh hành pháp chấm dứt ưu đãi kinh tế với Hong Kong của Tổng thống Trump, Mỹ một lần nữa tăng áp lực lên Trung Quốc về các yêu sách lãnh thổ của nước này ở biển Đông, chỉ trích các động thái này là hoàn toàn bất hợp pháp, thậm chí còn sử dụng cụm từ “khu vực biển Tây Philippines” thay cho biển Đông. Không dừng lại ở đó, Washington đã cử máy bay trinh sát qua eo biển Đài Loan, nơi căng thẳng đang leo thang. Mỹ cũng quyết định xử phạt 11 công ty Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo gần đây đã hoan nghênh Chính phủ Anh về quyết định cấm sử dụng thiết bị Huawei trong hạ tầng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) của nước này.

Phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với công ty Lockheed Martin của Mỹ để đáp trả việc Nhà Trắng cấp phép cho Đài Loan mua các linh kiện tân trang tên lửa do công ty này sản xuất. Có thể thấy Mỹ và Trung Quốc đang bất hòa trên mọi phương diện, và căng thẳng đang dần lên tới đỉnh điểm.


Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang xung đột gắt gao, Bắc Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích Ngoại trưởng Mike Pompeo thậm tệ cả hơn Trung Quốc. Liên quan đến những bình luận chính thức của Mỹ về vấn đề biển Đông, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên tuần trước khẳng định ông Pompeo đã xúc phạm người dân Trung Quốc thái quá, và khuyến cáo ông không nên đưa ra những nhận xét vô lý trong khi can thiệp vào việc của người khác.

Hiển nhiên Bắc Triều Tiên sẽ đứng về phía đồng minh truyền thống Trung Quốc, được cho là một động thái chiến lược để vừa khơi gợi sự giúp đỡ từ Bắc Kinh, vừa gây căng thẳng bằng cách đối đầu với Washington.


Về mặt chính trị, Bắc Triều Tiên tìm cách tăng cường sức mạnh thương lượng với Mỹ thông qua hợp tác với Trung Quốc. Về mặt kinh tế, miền Bắc cũng nhận thấy cần duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì tình hình kinh tế xấu đi do đại dịch COVID-19. Gần đây, hai nước đã nối lại một phần thương mại biên giới, nhưng có vẻ kinh tế miền Bắc đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Thêm nữa, Bình Nhưỡng lên tiếng ủng hộ hoàn toàn Bắc Kinh cũng là nhằm gây áp lực với Hàn Quốc.


Giới phân tích tin rằng căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trên mọi phương diện có thể đem lại lợi thế cho Bắc Triều Tiên. Trước hết, đây không phải tranh chấp tạm thời được châm ngòi bởi một vấn đề cụ thể, mà sẽ còn kéo dài dai dẳng ngay cả dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ kế nhiệm. Dự kiến miền Bắc sẽ tìm kiếm nhiều lối đi khác nhau để vừa giảm nhẹ lệnh trừng phạt, vừa đưa ra thêm điều kiện để nối lại đối thoại với Mỹ. Có vẻ Bình Nhưỡng cũng tận dụng được thêm thời gian để tranh thủ sự ủng hộ từ các đồng minh xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và Nga bằng cách thắt chặt tình đoàn kết.


Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã diễn ra tốt đẹp, và nếu Bắc Triều Tiên đạt được mong muốn thì đã không nhất thiết phải lợi dụng Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, đối thoại đã bị đình trệ, Tổng thống Trump cũng không thực sự hứng thú với một hội nghị thượng đỉnh khác với miền Bắc trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bình Nhưỡng có thể đã chọn cách xử lý tình hình từ góc nhìn dài hạn, hướng đến chính quyền Mỹ kế nhiệm và tập trung vào các chiến lược tăng cường sức mạnh thương lượng ở thời điểm hiện tại. Bằng cách đứng về phía Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đang khiêu khích Washington để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.


Vậy Bắc Kinh nghĩ gì về thái độ ủng hộ của Bình Nhưỡng? Nhiều người tin rằng Trung Quốc hoan nghênh động thái này vì có thể tận dụng giá trị chiến lược của Bắc Triều Tiên trong bối cảnh xung đột với Mỹ ngày càng sâu sắc.


Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài. Đại dịch COVID-19 đã tấn công mạnh vào các lĩnh vực kinh tế và an ninh của nước này. Bắc Kinh đang rất cần sự hỗ trợ từ các đồng minh, và tin rằng đối đầu Mỹ-Triều là một lá bài đáng giá. Các đồng minh cộng sản khác cũng có cùng tư duy này. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các phương pháp truyền thống trước đây. Đầu tiên, Bắc Kinh sẽ cung cấp những thứ Bình Nhưỡng đang rất cần, bao gồm cả dầu thô và nhu yếu phẩm hàng ngày để giải tỏa khó khăn kinh tế cho miền Bắc. Trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều bế tắc, hỗ trợ cho miền Bắc có thể trở thành một lá bài đàm phán khác của Bắc Kinh. Nhận thức rõ điều này, Chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên Bắc Triều Tiên.


Chính phủ Hàn Quốc đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Tổng thống Moon Jae-in đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Hàn Quốc. Trong bối cảnh này, xung đột giữa hai cường quốc không phải tin tốt lành cho Seoul. Liên quan đến luật an ninh áp dụng cho Hong Kong, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm tôn trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Tuy vậy, rất có khả năng Mỹ sẽ gây áp lực buộc Hàn Quốc tham gia các động thái đối đầu với Trung Quốc. Xung đột Mỹ-Trung leo thang có thể dẫn đến xáo trộn trong khung ngoại giao giữa Hàn Quốc với Mỹ cũng như với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.


Tình trạng “giảm giá Hàn Quốc” – định giá cổ phiếu Hàn Quốc thấp hơn giá trị thực do rủi ro địa chính trị trong khu vực có thể leo thang. Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro kinh tế và an ninh. Có vẻ “Chiến tranh Lạnh mới” đã thực sự bắt đầu. Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gay gắt trong cuộc chiến giành ngôi bá chủ toàn cầu có thể sẽ tiếp diễn và dẫn đến đối đầu cực đoan giống thời Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến II. Hàn Quốc có thể ngăn chặn cục diện này bằng chính sách ngoại giao bình đẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tiến trình đó, Seoul có thể sử dụng các tài sản chiến lược riêng mà cả Washington và Bắc Kinh đều cần như chất bán dẫn và thiết bị 5G.


Nếu Trung Quốc sử dụng Bắc Triều Tiên làm tài sản chiến lược và nếu miền Bắc lợi dụng việc này, triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ liên Triều có thể sẽ khó khăn hơn. Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng các chiến lược hiệu quả, theo dõi chặt chẽ diễn biến xung đột Mỹ-Trung cũng như phản ứng của Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập