Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên phong tỏa thành phố Gaesung sau khi người tị nạn trở về từ Hàn Quốc

2020-07-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên cho biết đã phong tỏa hoàn toàn thành phố biên giới Gaesung từ ngày 24/7. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 26/7 đưa tin một người miền Bắc đào thoát sang Hàn Quốc ba năm trước đã vượt biên trái phép về thành phố biên giới Gaesung ngày 19/7. Người này bị nghi nhiễm COVID-19, nên miền Bắc đã phong tỏa toàn thành phố và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il cho biết thêm:


Người đàn ông đào tẩu tầm ngoài 20 tuổi mang họ Kim, ba năm trước trốn sang Hàn Quốc bằng cách bơi đến hòn đảo nhỏ Gyodong phía Tây Bắc đảo Ganghwa, thành phố Incheon. Anh này tái định cư ở Hàn Quốc và sống ở vùng Gimpo trong ba năm. Trước khi trở về miền Bắc, anh ta đang bị điều tra với cáo buộc xâm hại tình dục một người phụ nữ tị nạn Bắc Triều Tiên.

Khoảng 2 giờ sáng 18/7, anh này đến Wolgot, đảo Ganghwa bằng taxi. Khu vực này nằm sát hàng rào dây thép gai ở biên giới liên Triều. Các nhà chức trách quân sự cho rằng anh ta đã bơi qua hệ thống thoát nước dưới hàng rào để vượt biên về Bắc Triều Tiên. Hệ thống này dẫn đến một cửa sông Hàn ra biển Tây, ước tính người đàn ông trên đã bơi khoảng 4 km để đến được bờ biển Bắc Triều Tiên. Một chiếc túi chứa vật dụng cá nhân đã được tìm thấy ở gần nơi anh này xuống taxi.


Một số người tị nạn Bắc Triều Tiên đã trốn thoát đến Hàn Quốc, nhưng sau đó lại quay về miền Bắc. Trước đây, truyền thông miền Bắc đã nhiều lần đưa tin về những người “tự nguyện” trở về. Lần này, đáng chú ý là các tin tức tập trung vào nghi ngờ người đàn ông họ Kim nhiễm COVID-19 hơn là việc anh này quay về nước.

Trong khi đó, hôm 25/7, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp mở rộng khẩn cấp của Bộ Chính trị đảng Lao động, lần đầu tiên từ khi ông lên nắm quyền. Tại đây, Chủ tịch Kim tuyên bố nâng hệ thống phòng dịch khẩn cấp quốc gia lên mức tối đa và ban lệnh cảnh báo cao nhất.

Tuy nhiên, không rõ người đàn ông họ Kim trên có thực sự nhiễm COVID-19 hay không. Ở Hàn Quốc, anh ta không được phân loại là người nhiễm bệnh và cũng không tiếp xúc với bất kỳ ca nhiễm nào. Nhân viên phòng dịch cũng đã tiến hành xét nghiệm với hai người thường xuyên tiếp xúc với anh này, và họ đều cho kết quả âm tính. Do đó, rất khó có khả năng người đào thoát trên nhiễm virus khi còn ở Hàn Quốc.

Dù vậy, Bắc Triều Tiên vẫn nhấn mạnh người này có thể đang phát tán virus trong nội bộ đất nước, làm dấy lên tâm lý lo sợ trong công chúng. Cho đến nay, miền Bắc vẫn tuyên bố không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào. Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang lợi dụng dịp này để đổ lỗi cho Seoul đã để virus lây lan trên lãnh thổ miền Bắc.


Cơ sở hạ tầng y tế và hệ thống kiểm dịch y tế của Bắc Triều Tiên không phù hợp để đối phó với COVID-19. Nếu virus đã lan rộng khắp cả nước, miền Bắc rất cần trợ giúp y tế từ miền Nam. Nhưng hiện tại, nước này không thể cứ thế lên tiếng yêu cầu miền Nam giúp đỡ. Nếu dịch COVID-19 lây lan ở Gaesung do một người trở về từ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có thể viện cớ này yêu cầu Seoul chịu trách nhiệm bằng cách cung cấp viện trợ y tế và kiểm dịch cần thiết.


Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn chưa có phản hồi gì với các đề xuất của Chính phủ Hàn Quốc về trao đổi và hợp tác xuyên biên giới. Nhưng nếu đổ trách nhiệm làm bùng phát COVID-19 lên miền Nam, miền Bắc có thể hợp lý hóa việc nhận viện trợ từ Seoul liên quan tới kiểm dịch và chăm sóc sức khỏe.

Tại phiên điều trần hôm 23/7, ứng cử viên Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young nhận định các vấn đề nhân đạo liên quan đến “ăn uống, khổ hạnh và những điều con người muốn thấy trước khi chết” nên được đáp ứng trong mọi trường hợp, tách biệt với các vấn đề chính trị. Phát biểu này cho thấy Hàn Quốc đặt ưu tiên hàng đầu cho viện trợ nhân đạo Bắc Triều Tiên khi hai nước nối lại hợp tác xuyên biên giới. Một số chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng sẽ nắm bắt được lập trường của Seoul và gián tiếp yêu cầu hợp tác y tế liên Triều.


Gần đây, Hàn Quốc đã bổ nhiệm đội hình ngoại giao và an ninh mới. Tôi nghĩ miền Nam sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho miền Bắc, dù cho Bình Nhưỡng viện cớ sự cố người đào thoát để yêu cầu viện trợ.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều bế tắc dai dẳng, Hàn Quốc hy vọng nối lại hợp tác liên Triều trước. Hỗ trợ nhân đạo có thể là một kênh tốt. Như chúng ta đã biết, Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về phòng chống và kiểm soát đại dịch COVID-19. Nếu miền Bắc yêu cầu miền Nam hợp tác kiểm dịch, Seoul có thể tận dụng viện trợ y tế làm đòn bẩy vững chãi để xoay chuyển tình thế trong quan hệ liên Triều.


Có vẻ Bắc Triều Tiên đang lợi dụng sự cố người đào thoát để thắt chặt kiểm soát quân đội và dân chúng. Miền Bắc đã phê bình công tác phòng vệ lỏng lẻo ở khu vực tiền tuyến, nơi người đàn ông họ Kim trốn thoát, và khẳng định sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm liên quan. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên nâng hệ thống khẩn cấp quốc gia lên mức tối đa vì mục đích chính trị thay vì nỗ lực kiểm dịch. Người dân miền Bắc đã phải chịu đựng nhiều khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài. Trong bối cảnh này, dịch bệnh lại xuất hiện khiến thương mại với Trung Quốc co hẹp và nguồn thu ngoại tệ của người dân sụt giảm, nên nhiều ý kiến suy đoán người dân đang ngày càng bất mãn với chế độ. Chính quyền Bắc Triều Tiên dường như đang cố gắng chuyển hướng chú ý của công chúng khỏi những khó khăn nội bộ và đổ lỗi lên một người trở về từ Hàn Quốc, đồng thời thắt chặt kỷ luật trong xã hội.


Bắc Triều Tiên chỉ có thể lợi dụng vấn đề người đào tẩu trở về để chỉ trích Hàn Quốc và bày tỏ không tán thành hợp tác liên Triều. Bằng cách lên án thậm tệ miền Nam, miền Bắc có thể giảm bớt tình trạng bất ổn trong cộng đồng và bất mãn trong dân. Bình Nhưỡng có thể tuyên bố đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch thành công cho đến nay, nhưng loại virus độc hại này lại đang lây lan chỉ vì một người quay về từ Hàn Quốc, nhằm kích động dân chúng. Việc này có thể chuyển hướng phẫn nộ của công chúng lên các lực lượng bên ngoài trong một thời gian nhất định. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, không thể giải quyết toàn diện các vấn đề khẩn cấp.


Trong khi Bắc Triều Tiên đã phong tỏa thành phố Gaesung vì lo ngại virus lây lan, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại không đeo khẩu trang trong một sự kiện diễn ra ngay sau khi quốc gia này ban bố cảnh báo đặc biệt. Tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc diễn ra ở Bình Nhưỡng hôm 27/7 nhân kỷ niệm 67 năm ngày ký Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953), Chủ tịch Kim khẳng định an ninh và tương lai của quốc gia được bảo đảm vĩnh viễn nhờ khả năng răn đe hạt nhân tự vệ. Phát biểu này cho thấy nhà lãnh đạo đang biện minh cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân và cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của miền Bắc. Nhưng tại sao ông Kim lại đưa ra những nhận xét này vào thời điểm cả nước đang thực thi chế độ kiểm dịch đặc biệt sau vụ việc người đào thoát trở lại miền Bắc?


Có vẻ ở trong nước, nhà lãnh đạo Kim đang nỗ lực tăng cường tình đoàn kết nội bộ và khơi gợi lòng trung thành của người dân, bằng cách khẳng định Bắc Triều Tiên là một quốc gia hùng mạnh. Còn đối với bên ngoài, ông đang gửi một thông điệp tới Mỹ rằng Bắc Triều Tiên coi ngày 27/7 là "ngày chiến thắng cuộc chiến giải phóng Tổ quốc", khẳng định nước này đã thắng lợi trong cuộc chiến chống Mỹ. Bắc Triều Tiên muốn thể hiện rằng nước này vẫn luôn vững mạnh, và sẽ tiếp tục tự vệ khỏi các mối đe dọa của Mỹ. Bình Nhưỡng cũng ám chỉ sẽ không bao giờ từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo năng lực răn đe chiến tranh tự vệ.


Lợi dụng vấn đề người đào thoát gần đây, có thể Bắc Triều Tiên sẽ báo cáo trường hợp nhiễm virus chính thức đầu tiên lên WHO và yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để viện trợ Bắc Triều Tiên, do đó cần theo dõi sát sao các bước đi tiếp theo của miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập