Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Báo cáo của Liên hợp quốc hé lộ khả năng Bắc Triều Tiên đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ

2020-08-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 3/8 trích dẫn báo cáo của một nhóm chuyên gia trình lên Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho biết một số quốc gia nhận định Bắc Triều Tiên có thể đã phát triển thành công các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để lắp vào đầu đạn của vũ khí đạn đạo. Báo cáo cũng chỉ ra rằng 6 vụ thử hạt nhân trước đây đã giúp nước này thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân.

Giới chức trách tình báo Mỹ và một số viện nghiên cứu quốc tế từng nhận định Bắc Triều Tiên đã phát triển được công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân. Lần này, nhiều ý kiến cho rằng khả năng trên là gần như chính xác vì được đề cập trong tài liệu chính thức của Liên hợp quốc. Ông Jeong Wook-sik, đại diện tổ chức dân sự “Mạng lưới Hòa bình” của Hàn Quốc, phân tích sâu hơn:


Bên cạnh khả năng Bắc Triều Tiên đã phát triển các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, báo cáo cho biết một quốc gia thậm chí còn khẳng định chính quyền miền Bắc có thể đã tiến xa hơn nữa và phát triển hệ thống vũ khí đa đầu đạn. Báo cáo của Liên hợp quốc bao gồm thông tin và ý kiến của nhiều quốc gia, nên đáng tin cậy hơn so với nhận định của các viện tư nhân. Có thể nói, báo cáo của Liên hợp quốc đã làm sáng tỏ những nghi ngờ trước đây về việc miền Bắc ngấm ngầm chế tạo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, và có vẻ nước này đã đạt được mục tiêu.


Trọng lượng của đầu đạn hạt nhân phải giảm xuống dưới một tấn để gắn được lên tên lửa. Thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình phát triển vũ khí đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bên cạnh công nghệ “tái nhập” để đưa tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân trở lại bầu khí quyển. Nếu một quốc gia được trang bị đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và các phương tiện vận chuyển như vũ khí tầm xa, thì có thể được coi là nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 8/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã xác định ranh giới đỏ mà Bắc Triều Tiên không nên vượt qua là hoàn thành ICBM và vũ khí hóa tên lửa bằng cách lắp đặt đầu đạn hạt nhân.


Trước đây, bom hạt nhân thường do các máy bay ném bom chiến lược chuyên chở. Quá trình này mất nhiều thời gian và máy bay cũng có nguy cơ cao bị bắn hạ. Theo thời gian, giải pháp thay thế gắn đầu đạn hạt nhân ra đời và ngày càng được ưa chuộng. Năm 1957, Liên Xô cũ đã lắp đặt thành công đầu đạn hạt nhân lên ICBM, lần đầu tiên trên thế giới. Đây là công nghệ rất phức tạp. Đầu đạn phải đủ mạnh để chịu được sức nóng và áp suất cực lớn khi quay trở lại bầu khí quyển. Đầu đạn phải nặng mới đủ mạnh, nhưng tên lửa gắn đầu đạn nặng lại rất khó di chuyển. Vì vậy, chế tạo đầu đạn đủ nhỏ để gắn trên tên lửa đạn đạo là công nghệ quan trọng, quyết định một nước có phải là quốc gia hạt nhân hay không.


Khi Bắc Triều Tiên triển khai vụ thử hạt nhân lần thứ 5 năm 2016, nước này tuyên bố đã tiến hành thành công thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân. Đến khi phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 ngày 29/11/2017, Bình Nhưỡng thông báo đã đạt được kỳ tích lịch sử là hoàn tất lực lượng hạt nhân, đồng thời tuyên bố ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu nặng. Hiện tại, đông đảo dư luận đều tin rằng Bắc Triều Tiên đang tiến gần hơn tới hoàn thiện công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn và nhẹ hơn. Tuy vậy, cũng có nhận định cho rằng miền Bắc vẫn chưa đảm bảo được công nghệ ngăn đầu đạn bốc cháy khi tái nhập bầu khí quyển.


Bắc Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân cho đến nay. Vụ đầu tiên diễn ra tháng 10/2006, và vụ cuối cùng vào tháng 9/2017 dưới hình thức bom khinh khí. Ở mỗi lần thử nghiệm, sức nổ lại mạnh hơn và công nghệ thiết bị kích nổ cũng được cải tiến. Điều này có nghĩa là Bắc Triều Tiên đang tiến gần đến mục tiêu chế tạo các đầu đạn nhỏ hơn.

Năm 2017, giới chức tình báo Mỹ dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ hoàn tất phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tháng 6/2018, ông Kim đã cam kết đình chỉ thử nghiệm ICBM. Do đó, giới chức tình báo Mỹ tin rằng sẽ mất thêm một thời gian để Bắc Triều Tiên phát triển ICBM trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, một cơ quan quốc phòng Mỹ phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa lại cho rằng Bắc Triều Tiên sắp phát triển ICBM. Có thể thấy ngay trong nội bộ giới chức Mỹ cũng có nhiều dự đoán trái chiều.


Bắc Triều Tiên sở hữu đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ sẽ ảnh hưởng thế nào đến Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản? Miền Bắc có vũ khí tầm ngắn và tầm trung, tên lửa đạn đạo tầm trung và ICBM với tầm bắn khoảng 10.000 km, có khả năng vươn xa tới lục địa Mỹ. Thông qua các vụ phóng thử, Bình Nhưỡng đã chứng minh được năng lực di chuyển xuyên lục địa của tên lửa. Vũ khí gắn đầu đạn hạt nhân sau khi hoàn thành có thể được triển khai trong chiến đấu thực tế.

Liên quan đến báo cáo gần đây của Liên hợp quốc về khả năng phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ của Bắc Triều Tiên, chính quyền Mỹ đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa lên lục địa Mỹ.


Mỹ sẽ coi tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa, nhưng cũng sẽ không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại miền Bắc vì tin rằng động thái này có thể gây thiệt hại lớn cho chính nước Mỹ. Hơn nữa, không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những nguyên tắc ngoại giao quan trọng của Washington. Mỹ đã cam kết ngăn chặn Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân trong 30 năm qua. Nhưng có vẻ những nỗ lực này sẽ trở thành vô nghĩa nếu Bình Nhưỡng phát triển thành công ICBM mang đầu đạn hạt nhân.


Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã bày tỏ quan điểm về khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc họp giao ban thường kỳ ngày 4/8, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik cho biết có vẻ Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Ông cũng nói rằng quân đội Hàn Quốc đang theo dõi sát sao các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, đồng thời duy trì hệ thống hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo Mỹ. Seoul nên chuẩn bị như thế nào để đối phó với nguy cơ từ vũ khí hạt nhân tiên tiến của Bình Nhưỡng?


Hàn Quốc đã phần nào đảm bảo khả năng răn đe đối với các mối đe dọa quân sự của Bắc Triều Tiên. Điều quan trọng là phải duy trì và quản lý năng lực răn đe một cách phù hợp. Seoul không thực sự cảm thấy bị đe dọa bởi các quốc gia có vũ khí hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, không phải vì các nước này thiếu năng lực hạt nhân mà vì Hàn Quốc duy trì quan hệ tốt với họ. Theo cách tương tự, Seoul cần nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều cũng như quan hệ Mỹ-Triều, tạo điều kiện thuận lợi để nối lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang đình trệ.

Lựa chọn của ban biên tập