Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Khởi động tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ

2020-08-20

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hàn Quốc và Mỹ đã triển khai đợt tập trận quân sự chung mùa hè thường niên. Lịch trình tập trận vốn dự kiến bắt đầu ngày 16/8, nhưng đã bị lùi đến 18/8 vì một số vấn đề liên quan đến dịch COVID-19. Dự kiến khóa huấn luyện sẽ kéo dài đến hết ngày 28/8. Cũng do lo ngại về dịch bệnh, quy mô các cuộc tập trận năm nay nhỏ hơn nhiều so với những năm trước, lực lượng quân đội Mỹ và Hàn Quốc tham gia ít hơn và các chương trình diễn tập ban đêm cũng bị cắt.

Trước đó, một số ý kiến dự đoán cuộc tập trận có thể bị đình chỉ do COVID-19 cũng như bế tắc kéo dài trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều. Tuy nhiên cuối cùng, Seoul và Washington vẫn quyết định triển khai. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích sâu hơn.


Dư luận từng suy đoán có thể Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một số nhận định Hàn Quốc và Mỹ sẽ bỏ qua các cuộc tập trận quân sự chung trong năm nay nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan mạnh trở lại tại Hàn Quốc. Vì những lý do này, giới phân tích đã tính đến khả năng các cuộc tập trận năm nay bị hủy bỏ.

Tuy vậy, hai nước đồng minh đã quyết định tiến hành tập trận ở quy mô nhỏ hơn. Tôi nghĩ quyết định này liên quan đến mục tiêu của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in là giành quyền kiểm soát tác chiến thời chiến (OPCON) từ quân đội Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2022.


Ban đầu, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết tâm tập trung vào mục tiêu kiểm chứng năng lực tác chiến toàn diện (FOC) - giai đoạn hai trong kế hoạch ba bước giành lại quyền kiểm soát tác chiến thời chiến từ Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh các cuộc tập trận lần này nên tập trung vào tư thế sẵn sàng của thế trận phòng thủ liên hợp, bởi đợt tập trận toàn diện tháng 3 đã bị hủy bỏ do COVID-19. Hơn nữa, do quy mô các cuộc tập trận lần này nhỏ hơn nên quân đội hai bên cũng không thể tiến hành các thủ tục cần thiết cho quá trình chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến theo kế hoạch.


Mỹ muốn xác minh xem Hàn Quốc có đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến hay không. Vì mục đích đó, họ phải tiến hành thử nghiệm trong ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là kiểm chứng khả năng tác chiến ban đầu, đã hoàn tất trong lần diễn tập năm ngoái. Theo đó, hai bên đã quyết định chuyển sang giai đoạn kiểm chứng năng lực tác chiến toàn diện trong năm nay và tiến đến giai đoạn cuối cùng là kiểm chứng năng lực thực thi nhiệm vụ toàn diện (FMC) vào năm sau. Nhưng kế hoạch kiểm chứng giai đoạn 2 năm nay đã không được thực hiện.


Trong nhiệm kỳ của Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến là một trong 100 dự án cấp Nhà nước. Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ hoàn thành quy trình xác minh ba giai đoạn vào tháng 8 năm sau, và hoàn tất chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến tại Hội nghị tư vấn an ninh Hàn-Mỹ vào mùa thu năm sau. Tuy nhiên, quy mô các cuộc tập trận năm nay đã bị thu nhỏ lại, không có hoạt động diễn tập vào ban đêm để hạn chế nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng. Do đó, kế hoạch chuyển giao có thể sẽ không diễn ra trước khi Tổng thống Moon rời nhiệm sở.

Trong khi đó, Mỹ đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược gần bán đảo Hàn Quốc. Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 19/8 cho biết 4 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B mang tên “Thiên nga của cái chết” và hai máy bay ném bom B-2 của Mỹ đã được triển khai từ đất liền và đảo Guam (Mỹ), bay qua bán đảo Hàn Quốc và trên vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt 24 giờ ngày 17/8. Mỹ điều máy bay ném bom tới khu vực bán đảo Hàn Quốc với quy mô lớn như vậy là việc khá bất thường, làm dấy lên suy đoán rằng Washington đang gây áp lực mạnh hơn lên Bình Nhưỡng.


Tôi nghĩ việc Mỹ triển khai máy bay ném bom gần đây không chỉ nhắm vào Bắc Triều Tiên mà cả Trung Quốc. Đây được coi là một thông điệp cảnh báo đối với Trung Quốc, vì Washington đang gây sức ép mạnh mẽ lên Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới chức trách Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ không vui vì nghi ngờ các máy bay ném bom của Mỹ nhắm vào nước họ. Có vẻ Bình Nhưỡng coi vấn đề này rất nghiêm trọng, thể hiện qua một số phản ứng gián tiếp, dù đây có thể không phải là quan điểm chính thức của Chính phủ Bắc Triều Tiên.


“Phản ứng gián tiếp” ở đây ngụ ý những chỉ trích mạnh mẽ của một số cơ quan tuyên truyền Bắc Triều Tiên. Tân báo Thống nhất, ấn phẩm tuyên truyền hàng tuần của Bắc Triều Tiên, hôm 17/8 đã đăng bài bình luận tiêu đề “Hãy dừng các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ có thể gây ra khủng hoảng chiến tranh”, đồng thời nhấn mạnh ngay cả trong nội bộ Hàn Quốc cũng có nhiều quan điểm trái chiều về việc triển khai tập trận lần này.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nhà nước miền Bắc như Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hay Báo Lao động vẫn chưa đưa ra thông tin liên quan nào. Cứ mỗi năm khi các cuộc tập trận diễn ra, miền Bắc vẫn luôn tỏ thái độ bất bình. Tuy nhiên lần này, Bình Nhưỡng lại hạn chế chỉ trích gay gắt, ít nhất là trên các kênh chính thức.


Liên quan đến các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ, cho đến giờ, miền Bắc vẫn chưa có phản ứng khiêu khích nào, có lẽ vì hy vọng duy trì đà đối thoại với Mỹ.

Bắc Triều Tiên đang đối mặt với tình huống rất khó khăn trong nước. Rõ ràng dịch COVID-19 đang lây lan trở lại. Quốc gia này đang phải vật lộn để khắc phục thiệt hại do những trận mưa lớn gần đây, cộng với khó khăn kinh tế thêm trầm trọng do các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài. Có vẻ Bắc Triều Tiên đang quá bận rộn giải quyết các vấn đề trong nước nên không có thời gian để tâm và quyết định áp dụng chính sách mềm mỏng hay cứng rắn đối với thế giới bên ngoài. Đối với Bình Nhưỡng, không nhất thiết phải gây xung đột, đặc biệt với Washington vào thời điểm này.


Dù có bày tỏ bất bình đối với các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, Bắc Triều Tiên cũng khó có khả năng sử dụng lối chỉ trích gay gắt điển hình. Đó là vì miền Bắc có thể thay đổi chính sách đối với Hàn Quốc hoặc Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay. Giới phân tích tin rằng từ trước tới giờ, Bắc Triều Tiên vẫn luôn sử dụng cách lên án tập trận chung Hàn-Mỹ để giành lợi thế đàm phán. Lần này, miền Bắc khó có thể chỉ trích các cuộc tập trận quá thậm tệ, vì còn muốn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ hoặc Hàn Quốc.


Có vẻ Bắc Triều Tiên cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba khó có thể diễn ra sớm, và đang chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài để đối phó với chính quyền và Tổng thống kế nhiệm của Mỹ.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động ngày 13/8, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhận định đất nước đang phải đối mặt với hai khó khăn, đó là dịch COVID-19 và thiệt hại do lũ lụt. Đề cập đến những thiệt hại nghiêm trọng từ trận lũ lụt gần đây, nhà lãnh đạo khẳng định miền Bắc sẽ không nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ bên ngoài. Phát biểu này có vẻ nhắm vào Seoul, vì Hàn Quốc đã có lần đề nghị viện trợ cho các nạn nhân lũ lụt ở miền Bắc. Tôi đoán Bắc Triều Tiên tin rằng rất khó cải thiện quan hệ với Hàn Quốc hoặc Mỹ ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn sẽ kiềm chế chỉ trích gay gắt để mở cửa cho đối thoại.


Trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm ngày dân tộc Hàn giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật hôm 15/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên hợp tác, khẳng định hợp tác xuyên biên giới là chính sách an ninh tốt nhất.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cũng đã liên tục kêu gọi cần viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên. Mới đây, ông cũng bình luận rằng Hàn Quốc và Mỹ nên điều chỉnh linh hoạt các cuộc tập trận quân sự chung. Vẫn cần chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ đáp trả động thái thiện chí của Hàn Quốc như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập