Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Cơ quan tình báo Hàn Quốc: “Lãnh đạo Bắc Triều Tiên ủy thác một phần quyền lực cho em gái”

2020-08-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cho phép áp dụng “ủy quyền cai trị”. Cụ thể là hôm 20/8, Chủ tịch Kim đã chuyển giao một số quyền hạn cho các quan chức thân cận, trong đó có em gái là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong. Có vẻ bà Kim đang nắm giữ phần lớn quyền hành do anh trai giao phó. Động thái này được cho là củng cố thêm địa vị chính thức của bà Kim, vốn đang điều hành các công việc tổng thể của Nhà nước, bao gồm cả chính sách đối với Hàn Quốc và Mỹ. NIS thừa nhận bà Kim Yo-jong chính là người đứng thứ hai trong cơ cấu quyền lực Bắc Triều Tiên, nhưng cũng nhấn mạnh bà chưa được chọn làm người kế nhiệm. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích sâu hơn về báo cáo của NIS:


Phân chia vai trò hay ủy thác quyền lực rất hiếm khi xảy ra ở Bắc Triều Tiên. Có vẻ bà Kim Yo-jong đang phụ trách các chính sách ngoại giao tổng thể, vì bà đã xử lý các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc và Mỹ rồi báo cáo cho anh trai. Nhưng NIS phủ nhận thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang gặp rắc rối nghiêm trọng, liên quan đến cả vấn đề sức khỏe. Có thông tin cho rằng Chủ tịch Kim cũng đã chuyển giao một số quyền lực cho các quan chức khác. Chẳng hạn, ông Choi Pu-il được giao giải quyết các vấn đề quân sự của Ủy ban trung ương đảng, trong khi Thủ tướng Kim Tok-hun và Phó Chủ tịch đảng Lao động Pak Pong-ju được trao quyền giám sát kinh tế. Nói cách khác, các quan chức phụ trách từng lĩnh vực sẽ báo cáo lên nhà lãnh đạo tối cao, chính là người ra quyết định cuối cùng. Giới phân tích nhận định hệ thống cai trị của Bắc Triều Tiên đang dần thay đổi.


Trong khi đó, thuật ngữ “ủy quyền cai trị” mà Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đề cập đã gây nhiều tranh cãi. Cụm từ này không xuất phát từ Bắc Triều Tiên mà do chính NIS đề xuất. Về cơ bản, "sự lãnh đạo được ủy quyền" vốn không tồn tại trong chế độ độc tài ở miền Bắc, nơi quyền lực của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ cao hơn đảng.


Cụm từ này đã được sử dụng trong một buổi báo cáo kín của NIS lên Ủy ban Tình báo tại Quốc hội. Khái niệm "ủy quyền cai trị" nghe có vẻ nghiêm trọng, làm dấy lên đồn đoán về tình hình khẩn cấp ở Bắc Triều Tiên hoặc sức khỏe suy giảm của Chủ tịch Kim Jong-un. Trên thực tế, cụm từ này chưa bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông miền Bắc và có thể được hiểu sai. Có thông tin cho rằng các quan chức không dám thay đổi cách diễn đạt này vì chính tân Giám đốc NIS Park Jie-won đã sử dụng cụm từ đó. Những gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên có thể coi là phân chia vai trò hoặc chia sẻ quyền lực, chứ không phải sự cai trị được ủy quyền.


Tiết lộ về cuộc họp báo của NIS hôm 20/8, nghị sĩ Ha Tae-kyung của đảng đối lập Hợp nhất Tương lai, thành viên Ủy ban Tình báo Quốc hội, nhận định việc chia sẻ quyền lực ở Bắc Triều Tiên là nhằm giảm bớt căng thẳng cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã điều hành đất nước 9 năm nay.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm này, cho rằng nhà lãnh đạo miền Bắc đang chịu căng thẳng trầm trọng vì phải gánh vác quá nhiều việc. Họ tin rằng ông có vấn đề về sức khỏe vì ăn uống và hút thuốc quá nhiều để giải tỏa căng thẳng.

Một số ý kiến nhận định sinh kế ngày càng xấu đi của người dân Bắc Triều Tiên cũng là lý do khiến Chủ tịch Kim quyết định giao một số quyền lực của mình cho các quan chức hàng đầu. Theo nghị sĩ Kim Byung-kee từ đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, thành viên Ủy ban Tình báo Quốc hội, việc đóng cửa biên giới kéo dài sau khi dịch COVID-19 bùng phát đã dẫn đến tình trạng thiếu ngoại hối và kinh tế khó khăn ở miền Bắc. Nghị sĩ Kim nhận định Chủ tịch Kim ủy thác một số quyền lực cho người khác là để tránh bị đổ lỗi về các chính sách thất bại.

Trên thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thừa nhận chính sách kinh tế của ông không thành công tại cuộc họp toàn thể của Ban chấp hành trung ương đảng Lao động hôm 19/8. Tại đây, Bắc Triều Tiên thừa nhận thất bại của chiến lược phát triển kinh tế 5 năm, và thông báo sẽ tổ chức Đại hội đảng lần thứ 8 vào tháng 1/2021 để thiết lập kế hoạch kinh tế mới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1993, Bắc Triều Tiên chính thức thừa nhận thất bại kinh tế.


Kế hoạch 5 năm của miền Bắc không đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Bắc Triều Tiên gần đây thậm chí còn tồi tệ hơn do COVID-19, thiệt hại do lũ lụt và bão. Khá ngạc nhiên là nhà lãnh đạo tối cao đã thẳng thắn thừa nhận thất bại trong chính sách kinh tế của mình. Dù đã chuyển giao một số quyền lực cho người khác để né tránh trách nhiệm về các chính sách thất bại, Chủ tịch Kim nhận thức rõ mình là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Giới phân tích cho rằng sự thừa nhận thất bại hiếm hoi của nhà lãnh đạo cho thấy ông tin tưởng vào cơ cấu quyền lực ổn định của chế độ.


Như nhà bình luận Choi Young-il giải thích, quyết định giao quyền phản ánh Chủ tịch Kim tin vào khả năng nắm quyền và quản lý các công việc Nhà nước dựa trên kinh nghiệm lãnh đạo 9 năm của mình. Một số ý kiến còn cho rằng việc này cũng thể hiện sự tin tưởng của ông đối với các quan chức dưới quyền.

Không giống những người tiền nhiệm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang hướng đến cách thức lãnh đạo của một Nhà nước bình thường. Đoàn Chủ tịch Bộ Chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động ban đầu gồm ba thành viên, hiện đã có thêm hai thành viên nữa là Kim Tok-hun và Ri Byung-chol. Một bức ảnh công bố tại cuộc họp toàn thể của đảng Lao động có cảnh 5 thành viên ngồi cạnh nhau, cho thấy nhà lãnh đạo thảo luận chính sách với các quan chức trước khi ra quyết định.


Nền tảng quyền lực của Chủ tịch Kim Jong-un mạnh đến mức ông vẫn có tiếng nói cuối cùng ngay cả khi đã chuyển giao quyền lực giải quyết các vấn đề chính trị hoặc quân sự cho người khác. Em gái Kim Yo-jong đang nổi lên trong thời gian gần đây, nhưng không có nghĩa là bà được tự ra quyết định. Có lẽ hai anh em đơn giản chỉ đang sử dụng chiêu trò “mặt xanh mặt đỏ”. Rõ ràng, địa vị của nhà lãnh đạo tối cao là vô cùng vững chắc.

Trước đây, Bắc Triều Tiên được cai trị bởi một nhà lãnh đạo duy nhất. Tuy nhiên, phân chia trách nhiệm hay chia sẻ quyền lực có thể được coi là một phần của tiến trình trở thành một quốc gia bình thường, nên được đánh giá là một chuyển biến tích cực.


Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young hôm 25/8 cho biết sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang chế độ đảng lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ dẫn đến phân chia vai trò khi xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ liên Triều. Sự thay đổi trong hệ thống cai trị của Bình Nhưỡng, cụ thể là chia sẻ quyền lực, có thể sẽ là chốt an toàn trong quan hệ liên Triều.


Động thái này có lợi hơn cho quan hệ liên Triều. Từ trước đến nay, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn sử dụng cách tiếp cận ngoại giao từ trên xuống khi giải quyết vấn đề hạt nhân, nhưng các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đã đi vào bế tắc. Khi hai nhà lãnh đạo tối cao này giao phó trách nhiệm cho các chuyên gia trong từng lĩnh vực, triển vọng cho các cuộc gặp cấp chuyên viên giữa hai nước sẽ tăng lên. Đối với Hàn Quốc, các Bộ phụ trách ngoại giao, kinh tế và các vấn đề liên Triều sẽ có thể giao tiếp dễ dàng hơn với Bắc Triều Tiên. Các quan chức cấp cao của Hàn Quốc hoặc Mỹ trong từng lĩnh vực có thể có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đồng cấp miền Bắc hơn. Tôi tin việc Bắc Triều Tiên chuyển sang trạng thái Nhà nước bình thường sẽ tạo ra nhiều thuận lợi.


Nếu miền Bắc dần xóa bỏ hình ảnh tiêu cực về chế độ độc tài, có thể cộng đồng quốc tế sẽ không còn coi Bắc Triều Tiên là một quốc gia khét tiếng khó lường. Seoul nên theo dõi sát sao ảnh hưởng của sự thay đổi trong hệ thống cai trị của miền Bắc đến Hàn Quốc, từ đó đưa ra các biện pháp đối phó cụ thể, thích hợp.

Lựa chọn của ban biên tập