Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Luật pháp ở Bắc Triều Tiên

2020-08-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Pháp luật là một tập hợp các quy tắc hoặc chuẩn mực xã hội do Nhà nước thi hành, với mục đích thực thi công lý và duy trì trật tự xã hội. Luật pháp có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng nhìn chung đều phản ánh thực tế và các giá trị của xã hội. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về xã hội Bắc Triều Tiên thông qua hệ thống luật pháp của miền Bắc.

Có lẽ chỉ thị của lãnh đạo tối cao và đảng Lao động cầm quyền chính là luật ở Bắc Triều Tiên. Không biết Bắc Triều Tiên có Hiến pháp, Luật hình sự và Luật dân sự như ở Hàn Quốc hay không? Trên thực tế, quốc gia xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên có các bộ luật và cũng sửa đổi khi cần thiết. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về hệ thống luật pháp ở miền Bắc.


Hàn Quốc không công nhận luật pháp của Bắc Triều Tiên

Nhiều người quan tâm liệu luật pháp Bắc Triều Tiên có được công nhận ở Hàn Quốc hay không. Điều này phụ thuộc vào việc Bắc Triều Tiên có được công nhận là một quốc gia chính thức hay không. Tại Hàn Quốc, Tòa án tối cao và Tòa án Hiến pháp coi Bắc Triều Tiên “là một tổ chức chống Chính phủ”, và xác định quan hệ liên Triều là “quan hệ đặc biệt hình thành tạm thời trong tiến trình thống nhất bán đảo Hàn Quốc”. Điều đó có nghĩa là Hàn Quốc không công nhận luật pháp của Bắc Triều Tiên. Trái lại, Trung Quốc và Nga thừa nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia độc lập, do đó công nhận luật của nước này.


Hệ thống luật pháp hai miền Nam-Bắc rất khác nhau

Miền Nam tư bản chủ nghĩa và miền Bắc xã hội chủ nghĩa có luật lệ rất khác nhau. Lời tựa của Hiến pháp Hàn Quốc bắt đầu bằng “Chúng tôi, những người dân Hàn Quốc”, trong khi của Hiến pháp Bắc Triều Tiên là “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Triều Tiên”. Hiến pháp của Bắc Triều Tiên tập trung vào Nhà nước và các tập thể hơn là cá nhân. Hai miền còn có nhiều điểm khác biệt trong các bộ luật khác.

Khái niệm pháp quyền ở Bắc Triều Tiên hoàn toàn khác với Hàn Quốc. Ở miền Nam, luật pháp có mục đích bảo vệ các quyền cơ bản của người dân và kiểm soát quyền lực Nhà nước, dựa trên các giá trị hiến pháp.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên khó có thể thực thi pháp quyền. Theo lý thuyết pháp luật của chủ nghĩa Mác-Lênin, luật pháp sẽ bị diệt vong trong quá trình chuyển đổi sang xã hội cộng sản. Do đó, Bắc Triều Tiên đã không thực sự chú ý đến vai trò của luật pháp. Tuy nhiên, miền Bắc đã nhấn mạnh mục đích và vai trò của hệ thống luật pháp trong thời gian gần đây.


Cần chuẩn bị sẵn sàng để thống nhất các Bộ luật trong kỷ nguyên thống nhất

Pháp quyền vẫn còn mang tính hình thức ở Bắc Triều Tiên. Nhưng rõ ràng, luật pháp đang hoạt động như một hệ thống điều hành xã hội miền Bắc. Đây là dấu hiệu tốt cho Hàn Quốc, đối tác chiến lược của Bắc Triều Tiên về hợp tác xuyên biên giới và thống nhất.

Luật pháp của Hàn Quốc khác nhiều so với của Bắc Triều Tiên. Do đó, ngay cả khi hai miền không còn chia cắt, có thể sẽ mất nhiều thời gian để đạt được thống nhất trong lĩnh vực pháp lý. Ví dụ, khác biệt giữa hai miền Đông-Tây Đức nhỏ hơn so với hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc, dù vậy sau khi miền Tây thu nạp miền Đông để thống nhất Cộng hòa Liên bang, nước Đức vẫn đang trong quá trình thống nhất các bộ luật. Tương tự, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc cần hiểu chính xác luật pháp của nhau và chuẩn bị cho một hệ thống pháp luật lý tưởng nhất trong kỷ nguyên thống nhất.

Lựa chọn của ban biên tập