Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hé lộ những bức thư giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuốn sách của nhà báo Woodward

2020-09-17

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Các bức thư giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã được tiết lộ trong cuốn tự truyện nhan đề "Rage" (tạm dịch: "Cơn phẫn nộ") xuất bản hôm 15/9 của Bob Woodward, Phó Tổng biên tập tờ Bưu điện Washington (WP). Ông Woodward cho biết đã thu thập được thông tin của 27 bức thư mà hai nhà lãnh đạo trao đổi với nhau từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019. Giới phân tích nhận định việc tiết lộ thư từ cá nhân giữa các nguyên thủ quốc gia có thể bị coi là hành vi ngoại giao khiếm nhã. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích sâu hơn:


Khó mà tìm thấy tiền lệ nào về việc tiết lộ thư mật giữa các nhà lãnh đạo một cách bất ngờ như vậy. Thông thường, các bức thư cá nhân giữa các nhà lãnh đạo được giữ bí mật trong hơn 30 năm, đặc biệt là những bức thư về các vấn đề nhạy cảm không được công khai. Việc tiết lộ tới 27 lá thư trao đổi giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trong khoảng hai năm là khá bất thường. Bob Woodward, phóng viên đình đám trong vụ điều tra “bê bối chính trường Mỹ Watergate” liên quan đến chính quyền Tổng thống Richard Nixon, đã ghi âm lại các cuộc phỏng vấn trước đây với Tổng thống Trump liên quan đến các bức thư với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên để đưa vào cuốn sách mới. Còn phải chờ xem cuốn sách này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ ngoại giao của các quốc gia liên quan như Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ.


Các bức thư cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã nhanh chóng thân thiết sau khi cam kết tổ chức cuộc gặp đầu tiên, nhưng lại trở nên lạnh nhạt sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Trao đổi thư từ đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian giữa Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất vào tháng 6/2018 và lần hai vào tháng 2/2019. Khi đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các phương án đạt tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã ca ngợi Tổng thống Mỹ trong các bức thư của mình. 


Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên hồi tháng 6/2018, người đứng đầu Nhà Trắng đã phô trương về mối liên kết với nhà lãnh đạo miền Bắc, ví việc gặp Chủ tịch Kim như “gặp một người phụ nữ, chỉ cần vài giây đầu là biết chắc sẽ có bước tiến nào không.”  Về phía Chủ tịch Kim, ông dùng cụm từ “thưa ngài” đến 9 lần cùng các cách diễn đạt như “rất tôn trọng tài năng lãnh đạo”, “một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, “viết nên một trang sử mới” trong các lá thư gửi Tổng thống Trump. Động thái ngoại giao nồng thắm cho thấy nỗ lực của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên để giành được thiện cảm của Tổng thống Mỹ. Tất nhiên, đó là một nước đi chiến lược. Mỹ muốn Bắc Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Bắc Triều Tiên kỳ vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Do đó, hai nhà lãnh đạo đã hồ hởi trao đổi thư từ cho đến Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội. Cuốn "Cơn phẫn nộ" của Woodward mô tả chi tiết những tình huống này.


Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội tháng 2/2019 kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận, trao đổi thư từ không còn thường xuyên. Với tâm thế khá ảm đạm từ Hội nghị thượng đỉnh thất bại, Chủ tịch Kim đã gửi một bức thư cho Tổng thống Trump vào tháng 6 cùng năm, được ông Trump gọi là "bức thư tình". Trong thư, Chủ tịch miền Bắc bày tỏ niềm tin rằng tình bạn sâu sắc và đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là đòn bẩy kỳ diệu trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều đi lên. Ông cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về "một cơ hội khác", cụ thể là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba. Đúng 20 ngày sau, một sự kiện bất ngờ đã diễn ra dưới hình thức cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đầy kịch tính của hai nhà lãnh đạo ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Sau đó, Tổng thống Trump đã gửi cho Chủ tịch Kim những bức ảnh chụp chung tại cuộc gặp. Khi cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ diễn ra, ông Kim lại gửi cho ông Trump lá thư bày tỏ không hài lòng, và trao đổi thư từ bắt đầu hiếm hoi hơn kể từ đó. 


Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên năm 2018, người đứng đầu Nhà Trắng đã cam kết sẽ đình chỉ tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, nhưng sau đó Seoul và Washington vẫn tiếp tục các cuộc tập trận quân sự chung. Trong bức thư gửi ông Trump, ông Kim viết: “Tôi chẳng muốn giấu giếm cảm xúc của mình, tôi thực sự thấy bị xúc phạm. Tôi vô cùng tự hào và vinh dự khi chúng ta có thể trao đổi thư từ, bày tỏ suy nghĩ của mình thẳng thắn như vậy." Rõ ràng, ông Kim đang nói với ông Trump là làm sao Bắc Triều Tiên có thể tin tưởng Mỹ và từ bỏ các chương trình hạt nhân khi chính ông Trump là người không giữ lời hứa. Suy cho cùng, miền Bắc coi quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo mang tính cá nhân, tách biệt với các cuộc đàm phán hạt nhân chính thức giữa hai nước.


Cuộc trao đổi thư cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều là vào tháng 3/2020, khi ông Trump đề nghị giúp Bắc Triều Tiên trong công tác đối phó với COVID-19. Được biết, Tổng thống Mỹ đã cảnh báo ông Woodward không được tiết lộ các bức thư của Chủ tịch Kim khi biết tin ông này đã tiếp cận được chúng. Chính ông Trump đã gọi điện cho Woodward hồi tháng 1 và nói: “Ông không thể chế nhạo Chủ tịch Kim Jong-un. Tôi không muốn phải tham gia một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ vì ông đã chế giễu ông Kim." 


Với tư cách một nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái khi xem những lá thư của Chủ tịch Kim được tiết lộ qua cuốn sách của một nhà báo. Việc này có thể dẫn đến những hệ lụy xa hơn vì vẫn còn chặng đường dài tới khi Bắc Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa hiệp tại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Tổng thống Mỹ có thể bị mất mặt trước nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, những nội dung mà ông Trump mô tả là “những bức thư tình” bị tiết lộ có thể khiến ông cảm thấy bị chế giễu. Nếu người dân Bắc Triều Tiên biết tới nội dung các bức thư, phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao nước này có thể bị tổn hại. Tất nhiên, Chủ tịch Kim sẽ cực kỳ cảnh giác với điều đó. Liên quan tới triển vọng của đàm phán Mỹ-Triều, việc các bức thư bị tiết lộ có thể giáng một đòn mạnh vào Mỹ, bởi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể sẽ đổ lỗi lên Mỹ.


Hôm 10/9, Tổng thống Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng: "Chủ tịch Kim Jong-un có sức khỏe tốt và đừng bao giờ đánh giá thấp ông ấy." Đến nay, ông Trump vẫn gọi ông Kim là một đối tác đàm phán khó tính, trong một nỗ lực rõ ràng để thể hiện khả năng thương lượng của mình. Thông điệp Twitter này có thể chứng minh  khả năng đàm phán của ông vẫn còn mạnh mẽ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng có vẻ việc các bức thư của ông với Chủ tịch Kim Jong-un bị tiết lộ đã ảnh hưởng đến thông điệp này. 


Mỹ tôn trọng quyền tự do báo chí nên không thể ngăn cản một nhà báo kỳ cựu xuất bản một cuốn sách. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hiểu cần phải cho Chủ tịch Kim thấy rằng ông vẫn tin tưởng nhà lãnh đạo miền Bắc, bằng cách đăng một thông điệp trên Twitter ca ngợi ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo “khỏe mạnh và mạnh mẽ”, thể hiện ông không muốn mất đi mối quan hệ với ông Kim vì việc xuất bản cuốn sách.

Người đứng đầu Nhà Trắng đang gặp nhiều khó khăn trong nước. Đối với ông, cách xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên có thể là đòn bẩy quan trọng để xoay chuyển tình thế. 


Đây không phải lần đầu tiên các bức thư của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên gửi Tổng thống Mỹ được công khai. Tháng 7/2018, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, ông Trump đã công bố lá thư nhận từ ông Kim trên Twitter. Trong bầu không khí ngoại giao đầy triển vọng thời điểm đó, Bắc Triều Tiên đã không bày tỏ phản ứng dữ dội nào trước động thái này.

Tuy nhiên lần này, miền Bắc có thể khó chịu vì một người khác chứ không phải Tổng thống Mỹ đã tiết lộ những lá thư có phần tâng bốc ông Trump, trong bối cảnh quan hệ song phương đang lạnh nhạt. Bắc Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức nào cho đến nay. Giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng đang tiếp tục duy trì chiến lược “phớt lờ” Washington. 


Nếu nhà lãnh đạo miền Bắc trực tiếp đề cập đến việc này và bày tỏ bất bình, hay các nhà chức trách ngoại giao Bắc Triều Tiên ra tuyên bố chính thức đều có thể khiến quan hệ Mỹ-Triều đối mặt với thách thức lớn. Rõ ràng, miền Bắc có đủ lý do để nổi giận. Tuy nhiên, có thể Bình Nhưỡng sẽ tận dụng cơ hội này để bắt lỗi Washington và gây áp lực lên Tổng thống Trump. Nếu vậy, việc các bức thư của Chủ tịch Kim bị tiết lộ không nhất thiết ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương, mà ngược lại có thể bất ngờ thay đổi tình hình. Hiện tại, dư luận đang đổ dồn chú ý vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11. Do đó, có thể Bắc Triều Tiên sẽ không đưa ra bất kỳ phản ứng nào cho đến lúc đó.


Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang xuất hiện trước công chúng vào thứ Ba hàng tuần trong tháng 9 này để tập trung hỗ trợ sinh kế của người dân. Miền Bắc vốn không bao giờ nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến “phẩm giá cao nhất” của nhà lãnh đạo tối cao, nên cần theo dõi xem nước này sẽ phản ứng như thế nào về việc các bức thư cá nhân của Chủ tịch Kim bị tiết lộ, cụ thể là bày tỏ bất bình hay duy trì chiến lược phớt lờ Mỹ.

Lựa chọn của ban biên tập