Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quan hệ Nhật-Triều dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

2020-09-24

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong tuyên bố tranh cử chức Thủ tướng hôm 2/9, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chia sẻ với báo giới là muốn gặp Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện nào trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản. Hai tuần sau, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Suga không đề cập đến quan hệ Hàn-Nhật nhưng lại nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu vào vấn đề bắt cóc. Ngay cả trước khi tranh cử, người kế nhiệm ông Abe Shinzo đã bày tỏ định hướng kế thừa chính quyền Abe và cam kết giải quyết vấn đề bắt cóc cũng như khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tiến sĩ Oh Gyeong-seob từ Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc phân tích sâu hơn:


Ngay trước cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, ông Suga được cho là đã gặp các quan chức của các tổ chức liên quan đến nạn nhân bắt cóc. Khi đó, ông đã cam kết nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa đối thoại với Bắc Triều Tiên để giải quyết vấn đề bắt cóc. Ông Suga khẳng định đã làm việc tại Trụ sở phụ trách vấn đề bắt cóc với tư cách Chánh Văn phòng Nội các, và mong muốn tìm ra cách giải quyết tương tự người tiền nhiệm Shinzo Abe.

Tân Thủ tướng Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này và bắt đầu tham gia vào các hoạt động liên quan từ năm 2002, cũng là thời điểm ông bắt đầu quen ông Abe. Ông Suga nhiều lần cam kết sẽ thực hiện các chính sách của chính quyền Abe, nên được cho là sẽ nỗ lực nhất quán đối với vấn đề bắt cóc.


Bắc Triều Tiên đã bắt cóc công dân Nhật Bản từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980 để dạy tiếng Nhật cho gián điệp nước này. Việc này bị bại lộ khi cựu nữ điệp viên Bắc Triều Tiên Kim Hyun-hui, người thực hiện vụ đánh bom trên không vào một máy bay chở khách của Hàn Quốc năm 1987, tiết lộ là đã học tiếng Nhật ở Bắc Triều Tiên từ một người Nhật bị bắt cóc.

Một phụ nữ Nhật tên là Megumi Yokota được coi là biểu tượng của những nạn nhân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Vụ bắt cóc Yokota được xác nhận bởi Ahn Myeong-jin, một điệp viên Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc. 


Trong một loạt các sự cố giai đoạn 1977 - 1983, nhiều thanh niên tầm 20 tuổi đã biến mất gần bờ biển ở Nhật Bản. Họ đều bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Chẳng hạn, Yaeko Taguchi bị bắt cóc vào tháng 6/1978 rồi được đổi sang tên tiếng Hàn là Lee Eun-hye, và đã dạy tiếng Nhật cho Kim Hyun-hui. Một nạn nhân khác là Megumi Yokota, bị mật vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc ở thành phố Niigata vào ngày 15/11/1977 khi mới 13 tuổi. Năm 1986, Yokota kết hôn với nạn nhân bắt cóc người Hàn Kim Young-nam. Chính quyền Bắc Triều Tiên khẳng định Yokota đã tự sát tại một bệnh viện năm 1994 và được hỏa táng vào năm 1997. Sau khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đạt nhất trí về vấn đề bắt cóc năm 2002, tro cốt của cô đã được đưa về Nhật Bản vào năm 2004. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy hài cốt không phải là Yokota. Hiện vẫn chưa chắc chắn liệu cô ấy còn sống hay đã chết.


Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã mâu thuẫn về vấn đề bắt cóc trong một thời gian dài, trước khi cựu lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và người đồng cấp Nhật Bản Junichiro Koizumi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều ngày 17/9/2002. Tại đây, nhà lãnh đạo miền Bắc đã thừa nhận và xin lỗi về các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản. Theo đó, Bắc Triều Tiên đã trao trả 5 trong 13 nạn nhân bị bắt cóc cho Nhật Bản, và thông báo 8 người còn lại đã chết. Tuy nhiên, vấn đề bắt cóc vẫn chưa được giải quyết vì hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 


Trong khi Nhật Bản xác định có tổng cộng 17 công dân là nạn nhân bắt cóc, Bắc Triều Tiên lại tuyên bố chỉ bắt cóc 13 người. Miền Bắc viện cớ 8 trong 13 người đó đã chết vì đau tim, tai nạn giao thông hoặc ngộ độc khí, mộ của 6 người cũng đã bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, Tokyo nghi ngờ thông tin này vì 8 người trên đều ở độ tuổi 20, 30, và sức khỏe tốt. Thêm vào đó, giấy chứng tử lại được chuẩn bị sát nút thời điểm Thủ tướng Koizumi đến thăm miền Bắc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều lần thứ hai năm 2004, Bình Nhưỡng thừa nhận đã ngụy tạo tất cả 8 giấy chứng tử, và cam kết sẽ kiểm tra lại tình trạng sống còn của các nạn nhân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đình chỉ sau đó.


Tokyo và Bình Nhưỡng đã đồng ý điều tra lại các vụ bắt cóc trong cuộc họp song phương tại Stockholm, Thụy Điển ngày 28/5/2014. Khi đó, Bắc Triều Tiên cho biết sẽ thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt, còn Nhật Bản đồng ý dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên dựa theo kết quả của cuộc điều tra. Tuy nhiên trên thực tế, Bình Nhưỡng đã không thực hiện cam kết là thông báo kết quả điều tra cho Tokyo, và còn tiến hành vụ thử hạt nhân lần 4. Đáp lại, Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bắc Triều Tiên, và các cuộc đàm phán của hai bên cũng bị đình trệ cho đến nay. Chính Phủ Nhật Bản hiện đang nỗ lực hết sức để đưa tất cả các nạn nhân bắt cóc ở Bắc Triều Tiên trở về nhà an toàn. 


Ngày 25/1/2013, Nhật Bản đã thành lập Trụ sở giải quyết vấn đề bắt cóc, Thủ tướng khi đó là ông Abe Shinzo giữ vai trò giám đốc, còn ba Bộ trưởng, trong đó có Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide, giữ chức phó giám đốc. Chính phủ cũng như các đảng cầm quyền và đối lập đã liên tục tổ chức các cuộc họp để thảo luận vấn đề này. Nhật Bản cũng đã ban hành luật liên quan đến các biện pháp đối phó với hành vi bắt cóc và vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Đông đảo người dân Nhật đều đồng tình ủng hộ các nỗ lực trên, cũng là mối quan tâm lớn nhất của chính giới Nhật Bản. Nếu giải quyết thành công thì có thể coi đây là thành tựu chính trị lớn nhất của một Thủ tướng Nhật Bản. Đó là lý do tại sao Chính phủ Tokyo đã hết sức nỗ lực về vấn đề này.


Dư luận đang quan tâm liệu có thay đổi tích cực nào cho quan hệ Nhật-Triều vốn đang căng thẳng dưới thời Thủ tướng Suga hay không. Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định miền Bắc sẽ khá thờ ơ với những nỗ lực của Nhật Bản, bởi ông Suga đã cam kết kế thừa các chính sách của ông Abe, đó là duy trì hợp tác chặt chẽ với Mỹ và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với miền Bắc. Nội các của ông Suga được cho là sẽ hoàn tất chính sách hợp pháp hóa việc tấn công phủ đầu vào các cứ điểm tên lửa của Bắc Triều Tiên trong năm nay. Nếu điều đó xảy ra, quan hệ Nhật-Triều sẽ chỉ tồi tệ thêm. 

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young hôm 1/9 đã gặp Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koji Tomita và đề nghị Tokyo hỗ trợ Seoul trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Ông Lee nhấn mạnh tiến triển trong quan hệ liên Triều sẽ có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với hai miền mà còn đối với hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Ông Lee cũng bày tỏ hy vọng quan hệ Nhật-Triều sẽ cải thiện, và Seoul sẽ tích cực hợp tác trong tiến trình này. 


Chính quyền Thủ tướng Suga đang thể hiện cam kết hàn gắn quan hệ với Bắc Triều Tiên, nhưng lại có vẻ không mấy mặn mà cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Có thể vì Nhật tin rằng vấn đề bắt cóc có liên quan đến lợi ích quốc gia, còn không có lý gì phải nhanh chóng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Hiện tại, những gì Seoul có thể làm là tiếp tục đối thoại phi chính thức với Tokyo để cải thiện quan hệ song phương, đồng thời nỗ lực nhất quán để khôi phục đối thoại với Bắc Triều Tiên.


Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koji Tomita khẳng định Tokyo vẫn nhất quán trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên với hy vọng giải quyết được vấn đề bắt cóc trước khi bình thường hóa quan hệ song phương. Hàn Quốc cần theo dõi sát sao diễn biến quan hệ Nhật-Triều trong thời gian tới để có những đối sách phù hợp, kịp thời.

Lựa chọn của ban biên tập