Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quan chức Hàn Quốc bị binh lính Bắc Triều Tiên sát hại

2020-10-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 24/9 thông báo dựa theo kết quả phân tích các thông tin tình báo, quân đội xác nhận một nhân viên hướng dẫn tàu đánh bắt cá thuộc Bộ Hải dương và thủy sản mất tích ở vùng biển gần đảo Yeonpyeong (thành phố Incheon) đã bị quân đội Bắc Triều Tiên xả súng sát hại và thiêu hủy thi thể. Bộ Quốc phòng lên án mạnh mẽ hành động tàn bạo này, đồng thời kêu gọi miền Bắc giải thích và trừng phạt những người có trách nhiệm. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích chi tiết sự việc.


Công chức bị quân đội miền Bắc sát hại là nhân viên hướng dẫn tàu đánh bắt cá thuộc Bộ Hải dương và thủy sản. Người này khi đó làm nhiệm vụ trên tàu từ nửa đêm đến 4 giờ sáng ngày 21/9. Vào lúc hơn 1 giờ sáng, anh rời buồng lái để giải quyết một số công việc bị trì hoãn nhưng sau đó không thấy quay lại. Đến trưa cùng ngày, các đồng nghiệp đi cùng tàu đã khai báo với cơ quan chức năng việc xảy ra vụ mất tích. Các hoạt động tìm kiếm đã được tiến hành ngay sau đó nhưng không có kết quả. Đến ngày 22/9, công chức trên được quan sát thấy đang trôi dạt ở vùng biển của Bắc Triều Tiên. Theo tin tình báo, một tàu đánh cá của miền Bắc đã phát hiện thấy công chức miền Nam đang trôi dạt trên biển. Theo đó, tàu tuần tra của miền Bắc đã tiếp cận, bắt giữ công dân Hàn Quốc trên và cân nhắc cách giải quyết trong nhiều giờ. Lệnh xử bắn được đưa ra lúc 9 giờ tối và và công dân miền Nam mất tích đã bị quân đội miền Bắc bắn chết vào 40 phút sau đó.


Đây là lần đầu tiên sau 12 năm một công dân Hàn Quốc bị sát hại ở Bắc Triều Tiên kể từ tháng 7 năm 2008. Vào thời điểm đó, một du khách Hàn Quốc đã bị quân đội miền Bắc bắn chết trong khi du lịch núi Geumgang. Đây là sự cố đáng tiếc đầu tiên kể từ khi chương trình tham quan núi Geumgang đi vào hoạt động năm 1998. Lần này, quân đội Bình Nhưỡng lại một lần nữa ra tay sát hại người dân miền Nam trong khi người này không hề trang bị vũ khí hay có ý định chống trả.


Năm 2008, dưới thời chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak, một du khách Hàn Quốc tên là Park Wang-ja đã bị một binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn hạ khi đang đi dạo dọc bãi biển gần khách sạn ở khu nghỉ dưỡng núi Geumgang. Vào thời điểm đó, cô đã đi vào một khu vực quân sự hạn chế dân thường và một lính canh miền Bắc đã nhiều lần yêu cầu cô rời đi. Khi cô không làm theo, người lính đã bắn cô từ một khoảng cách xa theo luật của quân đội. Đây là những gì chính quyền Bình Nhưỡng giải thích. Vụ việc mới đây còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tại Hàn Quốc, nhiều tranh cãi nổ ra về việc liệu công chức Bộ Hải dương và thủy sản đã thực sự vô tình rơi xuống nước và bị trôi dạt hay đang cố gắng đào tẩu sang Bắc Triều Tiên. Dù thế nào đi nữa, theo luật pháp quốc tế và tinh thần nhân đạo, miền Bắc lẽ ra phải giải cứu người trôi dạt trong lãnh hải của mình. Tuy nhiên, ngược lại, chính quyền miền Bắc đã bắn chết anh một cách dã man. Giới chính trị Hàn Quốc đã chỉ trích gay gắt hành vi vô nhân tính này.


Ngày 24/9, Phủ Tổng thống tuyên bố sẽ có biện pháp cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên vì đã sát hại quan chức Hàn Quốc. Phủ Tổng thống nhấn mạnh rằng miền Bắc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, đồng thời làm sáng tỏ sự thật của vụ việc và trừng phạt nặng những người liên quan. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Seo Joo-seok đã có buổi họp báo, lên án việc quân đội Bắc Triều Tiên xử bắn một công dân miền Nam không có vũ khí và không có ý định chống cự là một hành vi không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì. Chính phủ Seoul cũng yêu cầu phía Bính Nhưỡng xin lỗi vì hành động vô nhân đạo này. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ  Kim Jong-un đã ngay lập tức đưa ra lập trường liên quan vào ngày 25/9.


Ngày 25/9, Bộ Mặt trận thống nhất Bắc Triều Tiên phát đi thông điệp thể hiện lập trường của Bình Nhưỡng về vụ việc. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un bày tỏ xin lỗi Tổng thống Moon Jae-in và người dân Hàn Quốc vì đã gây thất vọng trong vụ việc đáng tiếc lần này, thay vì hỗ trợ chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lời giải thích của Bắc Triều Tiên về vụ việc có phần khác với lời giải thích của quân đội Hàn Quốc. Miền Bắc phủ nhận hành động đốt cháy thi thể nạn nhân. Bình Nhưỡng khẳng định chưa tìm thấy thi thể của nạn nhân và vật bị đốt chỉ là vật thể trôi nổi. Bắc Triều Tiên cũng cho biết nạn nhân không trả lời rõ ràng các câu hỏi về danh tính của mình, nên cho rằng người này đang cố gắng trốn thoát và hành động như thể đang che giấu một điều gì đó. Theo đó, binh lính miền Bắc đã bắn 10 phát vào anh ta sau hai phát súng cảnh cáo. Giải thích này cần phải được xem xét thêm.


Bình Nhưỡng thỉnh thoảng vẫn đưa ra những tuyên bố bày tỏ sự tiếc nuối khi xảy ra một vụ việc gây ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều. Chẳng hạn như vụ bắn chết du khách Hàn Quốc năm 2008 và vụ quân đội miền Bắc nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010. Dù vậy, nước này vẫn tuyên bố rằng Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ việc. Tuy nhiên, lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và sử dụng cụm từ “xin lỗi” tới hai lần. Đây được coi là điều vô cùng hiếm thấy. 


Trước đây, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên rất hiếm khi sử dụng cụm từ "xin lỗi". Sau lời xin lỗi của ông Kim, Phủ Tổng thống đã tiết lộ một sự thật đáng ngạc nhiên khác. Ngày 8/9, Tổng thống Moon đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Kim Jong-un và nhận được thư trả lời từ ông Kim vào ngày 12/9. Các bức thư thể hiện sự tôn trọng và cam kết của lãnh đạo liên Triều trong việc duy trì hòa bình. Đây là lần trao đổi thư từ đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sau 6 tháng. Rõ ràng, lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đang nỗ lực tạo ra bầu không khí ngoại giao hòa bình trong khu vực trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ đang lâm vào bế tắc. Vì vậy, có thể nói, vụ nổ súng gần đây dường như chỉ là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc vẫn rất phẫn nộ trước vụ việc tàn bạo gây chấn động này và tình cảm của họ đối với miền Bắc theo đó ngày càng trở nên tiêu cực. Có thể Bình Nhưỡng cho rằng điều này sẽ gây bất lợi cho các nỗ lực hòa bình. Đó là lý do nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi.


Hai ngày sau khi Chủ tịch Kim Jong-un gửi lời xin lỗi, miền Bắc đã gửi một thông điệp cảnh cáo Hàn Quốc. Trong một báo cáo của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27/9, Bình Nhưỡng cảnh cáo Seoul không được xâm phạm đường ranh giới trên biển Tây nước này và cho rằng hành vi này có thể làm leo thang căng thẳng. Miền Bắc cho biết kể từ ngày 25/9, miền Nam đã điều động nhiều tàu thuyền, bao gồm cả tàu chiến để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Bình Nhưỡng gọi đây là hành vi xâm phạm lãnh hải, có thể dẫn tới các sự cố đáng tiếc khác. Có vẻ như Bắc Triều Tiên muốn đảm nhận quá trình trục vớt thi thể nạn nhân và ngăn chặn trước bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào trên biển. 


Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết miền Bắc đang xem xét các thủ tục và cách thức bàn giao thi thể của nạn nhân cho phía Hàn Quốc sau khi tìm được. Chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định sẽ rà soát vùng biển của mình và Seoul cũng nên làm điều tương tự mà không vi phạm biên giới trên biển. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc đã bác bỏ tuyên bố này và khẳng định không có chuyện xâm phạm vào vùng biển của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc coi đường ranh giới quân sự liên Triều trên biển (NLL) là biên giới thực tế giữa hai miền. Nhưng Bắc Triều Tiên không công nhận điều này và lập đường biên giới riêng. Lập luận này của miền Bắc đã từng làm xảy ra xung đột như đã thấy trong hai cuộc đụng độ hải quân liên Triều trên biển Tây  trước đây. Hiện tại có vẻ Bình Nhưỡng đang tìm cách biến vùng biển phía Nam đường ranh giới trở thành khu vực tranh chấp một lần nữa. Cần xem xét liệu rằng vụ việc sát hại công chức Hàn Quốc mới đây là miền Bắc cố tình nhắc lại vấn đề biên giới trên biển hay chỉ đơn giản nhân vụ việc gợi nhắc vấn đề này.


Ngày 28/9, Tổng thống Moon Jae-in đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân. Nhưng hơn nửa nội dung phát biểu lại nói lên kỳ vọng của ông về một bước đột phá trong quan hệ liên Triều. Ông cho rằng thông điệp từ Bắc Triều Tiên là quyết tâm rõ ràng của nước này trong việc ngăn cản quan hệ liên Triều vượt qua “ranh giới không thể cứu vãn”. Tổng thống Hàn Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh lời xin lỗi của chính Chủ tịch Kim Jong-un về vụ việc. Ông Moon hy vọng vụ nhầm lẫn này sẽ không chỉ kết thúc như một sự cố đáng tiếc mà thay vào đó sẽ tạo động lực cho đối thoại và hợp tác xuyên biên giới.

Một số ý kiến dự đoán rằng vụ việc gần đây có thể thúc đẩy Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tìm kiếm đối thoại, nhưng quan hệ song phương có thể sẽ tiếp tục căng thẳng trong một thời gian. 


Tổng thống Hàn Quốc hy vọng rằng vụ việc công chức Hàn Quốc bị binh lính miền Bắc sát hại gần đây sẽ không gây căng thẳng quân sự trong khu vực. Thay vào đó, ông Moon hy vọng nó sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, liên lạc giữa hai miền, tránh để tái diễn vụ việc tương tự trong tương lai . Có thể hiểu đây là lời kêu gọi của Hàn Quốc về việc nối lại đường dây liên lạc quân sự song phương. Tuy Tổng thống Moon nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình. Tất nhiên, chính phủ Seoul nên yêu cầu miền Bắc làm sáng tỏ vụ việc và trừng phạt kẻ đã ra lệnh bắn công dân miền Nam. Các nhà lãnh đạo của cả hai miền Nam-Bắc sẽ phải cân nhắc thảo luận về cách thức ngăn chặn sự tái diễn vụ việc tương tự.


Tùy thuộc vào kết quả tìm kiếm thi thể nạn nhân và sự hợp tác của Bắc Triều Tiên trong quá trình tìm ra sự thật, vụ việc sát hại công dân Hàn Quốc gần đây có thể trở thành cơ hội xoay chuyển tình thế trong quan hệ liên Triều hoặc có thể chỉ khiến dư luận nổi giận. Bắc Triều Tiên nên thể hiện thái độ có trách nhiệm, đồng thời Chủ tịch Kim Jong-un phải chứng minh được lời xin lỗi của mình là chân thành. Về phần mình, chính phủ Hàn Quốc nên tiến hành một cuộc điều tra chung với miền Bắc để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra và buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.

Lựa chọn của ban biên tập