Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc thúc đẩy phục hồi tiến trình hòa bình với Bắc Triều Tiên

2020-10-22

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong buổi họp báo mừng năm mới vào tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng Thế vận hội mùa hè Tokyo sẽ là cơ hội để phá vỡ bế tắc trong mối quan hệ liên Triều và thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

Sau lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Moon bày tỏ mong muốn đại dịch COVID-19 nhanh chóng kết thúc và Thế vận hội Tokyo 2021 thành công tốt đẹp. Đáp lại, Thủ tướng Suga cũng gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Hàn Quốc. Cùng với đó, lãnh đạo Hàn-Nhật cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa liên quan tới tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Rõ ràng, Tổng thống Moon Jae-in đang tìm cách khôi phục quan hệ Hàn-Nhật cũng như quan hệ liên Triều nhân dịp Thế vận hội mùa hè Tokyo. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích sâu hơn.


Ban đầu, Tổng thống Moon Jae-in hi vọng một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thậm chí, ông cũng từng đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Nhưng hiện tại, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, có vẻ ông Moon đang có ý định tạo ra một bước đột phá trong mối quan hệ liên Triều nhân Olympic mùa hè Tokyo vào năm tới, và Mỹ ra mắt chính quyền Tổng thống mới.

Về việc tham gia Thế vận hội, Hàn Quốc có thể thảo luận với Bắc Triều Tiên các vấn đề liên quan như thành lập đoàn vận động viên chung liên Triều và cùng tiến vào lễ đài trong lễ khai mạc. Qua đó, Hàn Quốc cũng có thể tạo điều kiện để thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều. Tôi nghĩ đó là điều mà Tổng thống Moon đang kỳ vọng.


Sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương ba lần, trong khi miền Bắc và Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hai lần. Cùng năm đó, Bình Nhưỡng đã phản ứng tích cực ý tưởng của Tổng thống Moon Jae-in về việc biến Thế vận hội mùa đông PyeongChang thành Thế vận hội hòa bình. Nhờ đó, tạo ra bầu không khí đối thoại trên bán đảo Hàn Quốc. Ông Moon có lẽ đang vọng một điều tương tự sẽ xảy ra tại Thế vận hội mùa hè Tokyo.


So với Thế vận hội mùa đông PyeongChang, Hàn Quốc có ít cơ hội thể hiện vai trò của mình ở Thế vận hội mùa hè Tokyo hơn do không phải nước chủ nhà. Tuy nhiên, sự kiện quốc tế biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng chung này có thể góp phần thúc đẩy đối thoại liên Triều. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng gần với Hàn Quốc về vị trí địa lý. Tận dụng những yếu tố này, Seoul có thể tạo ra một số bước tiến ngoại giao tích cực tại Olympic mùa hè Tokyo, cho dù kết quả có thể không ấn tượng như tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang.

Được biết, lãnh đạo của nhiều quốc gia có kế hoạch tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo sắp tới, trong số đó có thể có Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Nếu vậy, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hoặc Mỹ-Triều có khả năng cao sẽ được diễn ra. Điều này đồng nghĩa là Thế vận hội Tokyo có thể sẽ có hiệu quả cao hơn Olympic PyeongChang trong xúc tiến đàm phán Mỹ-Triều.


Ngày 16/10 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien nhận định Thế vận hội mùa hè Tokyo diễn ra vào tháng 7/2021 có thể là cơ hội để nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên. Ông O’Brien đã đề cập đến vấn đề này sau cuộc cuộc gặp với Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Suh Hoon trong chuyến thăm Mỹ của ông từ ngày 13-16/10 vừa qua.


Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng O’Brien cho rằng Bắc Triều Tiên quan tâm đến việc tham gia Thế vận hội Tokyo. Ông nói thêm các bên có thể tổ chức đàm phán trước, trong hoặc sau Thế vận hội, nhằm mang lại thịnh vượng và kinh tế tốt hơn cho người dân miền Bắc. Có thể còn quá sớm để chính quyền hiện tại của Mỹ hứa hẹn về việc tổ chức một sự kiện như vậy trong năm sau, trong bối cảnh nước này sắp tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống. Dựa trên địa vị của ông O’Brien trong Chính phủ Mỹ hiện tại, các nhận xét của ông là gợi ý cho thấy Washington có thể đẩy nhanh tiến trình đối thoại với Bắc Triều Tiên nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.


Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, bên cạnh Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng O’Brien, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Suh Hoon cũng đã gặp nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo. Trong thời gian ở Mỹ, ông Suh đã đề cập đến đề xuất của Tổng thống Moon Jae-in về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ông Moon đã đưa ra đề xuất này trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua và tại Hiệp hội Hàn Quốc (Korea Society) vào ngày 8/10.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định cần ưu tiên giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên trước khi thảo luận về tuyên bố kết thúc chiến tranh. Washington cho rằng Bình Nhưỡng có thể dùng tuyên bố này để viện cớ yêu cầu giải thể đồng minh Mỹ-Hàn và đòi Mỹ rút quân đội đồn trú khỏi Hàn Quốc. Ông Suh đã giải thích với các quan chức Mỹ rằng đề xuất của Tống thống Moon về tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Tổng thống Moon Jae-in tin rằng cần chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố này sẽ khiến Bắc Triều Tiên mạnh dạn tham gia vào các cuộc đàm phán. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng Hàn Quốc và Mỹ có thể chênh lệch quan điểm về vấn đề này. Các chuyên gia Mỹ suy đoán ông Moon đưa ra đề xuất này khi chưa xem xét trường hợp có thể miền Bắc sẽ không đồng ý phi hạt nhân hóa, một việc mà Mỹ đương nhiên phản đối. Nhân chuyến thăm Mỹ, Chánh Văn phòng Suh đã giải tỏa băn khoăn này khi khẳng định Seoul đồng quan điểm với Washington và coi việc phi hạt nhân hóa miền Bắc là điều kiện tiên quyết để tuyên bố kết thúc chiến tranh.


Ông Suh Hoon hiện là Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc và là cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Trong chuyến thăm nước Mỹ gần đây, ông Suh đã nỗ lực truyền đạt quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in về cải thiện mối quan hệ liên Triều. Theo đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng O’Brien để ngỏ sẽ đến thăm Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu chuyến thăm của ông O’Brien có thực sự hữu ích hay không nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc tái tranh cử.

Nếu ông Trump không tái đắc cử, Mỹ có thể sẽ từ bỏ chính sách liên quan đến Bắc Triều Tiên hiện tại. Nhiều người cho rằng ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden không thích chính sách ngoại giao hạt nhân “từ trên xuống” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà ông Trump đang áp dụng. Mặc dù vậy, chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục trao đổi với Mỹ để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, cho dù tân Tổng thống Mỹ là ai đi chăng nữa.


Nhiều nhà phân tích dự đoán nếu ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử, ông này sẽ áp dụng chính sách với Bắc Triều Tiên mang tên "sự kiên nhẫn chiến lược” như thời cựu Tổng thống Barrack Obama. Là một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao, ông Joe Biden từng có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Bình Nhưỡng. Chính quyền cựu Tổng thống Obama đã không đạt được kết quả nhất định nào trong ngoại giao với miền Bắc, song chính quyền ông Biden có thể sẽ đạt được một vài bước tiến, cho dù quá trình này có thể chậm hơn so với chính quyền Donald Trump.


Cộng đồng quốc tế đang hết sức quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11. Bất kể kết quả bầu cử như thế nào, Hàn Quốc vẫn phải nỗ lực ngoại giao để khởi động lại tiến trình hòa bình trong khu vực và ngăn chặn tình trạng bế tắc của quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều kéo dài thêm. Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần bắt đầu thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020.


Bắc Triều Tiên có thể sẽ tích cực tham gia ngoại giao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Seoul sau đó sẽ phải xem xét cách đàm phán để đạt được tuyên bố kết thúc chiến tranh. Hàn Quốc và Mỹ được cho là đã điều chỉnh các nội dung cụ thể hơn cho vấn đề này. Trên quan điểm phối hợp với Mỹ, ngay lúc này Hàn Quốc thậm chí có thể đang cố gắng liên lạc với miền Bắc. Bắc Triều Tiên có thể sẽ không từ chối đối thoại liên Triều ở mức độ này. Bình Nhưỡng và Washington có khả năng sẽ đối thoại ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng hai miền Nam-Bắc có thể liên lạc từ trước đó. Tôi chắc rằng chính quyền Tổng thống Moon Jae-in có thể đạt được bước tiến nào đó trong quá trình này.


Hàn Quốc là trung gian hòa giải và cũng là bên tham gia trực tiếp vào quá trình phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ Mỹ-Triều và phục hồi đối thoại với miền Bắc. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác liên Triều trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động 10/10. Trong thời điểm này, Seoul cần có những nỗ lực cụ thể hơn để đưa tiến trình hòa bình trở lại.

Lựa chọn của ban biên tập