Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách với Bắc Triều Tiên của chính quyền Joe Biden

2020-11-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Theo đó, ông Biden hiện đã bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực để chuẩn bị cho lễ nhậm chức dự kiến vào ngày 20/1 năm sau.

Việc ứng cử viên Biden đắc cử đánh dấu một bước ngoặt lớn trong các chính sách ngoại giao về bán đảo Hàn Quốc của nước này. Thay vì áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ông Biden có khả năng sẽ áp dụng chiến lược từ dưới lên, trong đó ưu tiên các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, sau đó là các cuộc gặp cấp cao và cuối cùng mới là các cuộc hội đàm thượng đỉnh. Phương pháp này có thể làm chậm lại quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều vì phải mất khá nhiều thời gian để đi tới các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cao nhất. Vì lý do này, một số nhà phân tích cho rằng chiến thắng của ông Biden có thể gây bất lợi cho Bắc Triều Tiên. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Seung-won sẽ cho chúng ta biết thêm về chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền Joe Biden.

 

Vốn không xuất thân là một chính trị gia, Tổng thống Donald Trump được coi là một kẻ ngoại đạo và thậm chí không được công nhận trong đảng Cộng hòa. Ông Trump đã lãnh đạo nước Mỹ bằng các phương pháp khác với các Tổng thống tiền nhiệm. Ông thậm chí còn tổ chức hai Hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, lần thứ nhất vào năm 2018 và lần hai vào năm 2019. Khác với Tổng thống Trump, ông Joe Biden là một chính trị gia lão luyện có hơn 30 năm làm Thượng nghị sĩ Mỹ. Ông Biden cũng từng chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018 và nhấn mạnh nhiều lần rằng ông sẽ để các quan chức cấp chuyên viên thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân với miền Bắc trước. Cách tiếp cận từ dưới lên này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ không mấy thiện cảm về vị Tổng thống mới đắc cử của Mỹ.

 

Từng là Phó Tổng thống dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden được dự đoán sẽ kế thừa chính sách "kiên nhẫn chiến lược" với Bắc Triều Tiên của vị cựu Tổng thống này. Chính sách này chủ trương chờ Bắc Triều Tiên tự từ bỏ các chương trình hạt nhân dưới sức ép của các lệnh trừng phạt và áp lực về kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến lại tin rằng ông Biden sẽ không lặp lại cách tiếp cận này vì tình hình bây giờ đã khác. Thay vào đó, Chính phủ ông Biden có thể sẽ cố gắng giảm thiểu gánh nặng chính trị thông qua việc xác minh kỹ lưỡng và đàm phán cấp chuyên viên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa cũng nhận định rằng Chính phủ Joe Biden sẽ không quay lại chính sách "kiên nhẫn chiến lược.”

 

Theo thỏa thuận duy nhất mà Washington đạt được với Bình Nhưỡng dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama ngày 29/2/2012, Bắc Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, miền Bắc đã phóng thử tên lửa tầm xa, phá vỡ thỏa thuận. Vì vậy, Mỹ hoàn toàn có lý do khi không tin tưởng vào miền Bắc. Mặc dù có nhiều dự đoán rằng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục chính sách "kiên nhẫn chiến lược,” song tình hình hiện tại đã thay đổi rất nhiều. Tháng 11/2017, sau khi tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Bình Nhưỡng tuyên bố hoàn thành chương trình hạt nhân, trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với Washington. Là một chuyên gia đối ngoại, có thể ông Biden sẽ đưa ra một chiến lược ngoại giao tạo ra đột phá vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình, vốn được ví như nhiệm kỳ thứ ba của ông Barack Obama. Tuy nhiên mọi thứ đều có thể thay đổi, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên.

 

Các chuyên gia cũng quan tâm đến việc liệu Tống thống Mỹ sắp nhậm chức Joe Biden có gặp Chủ tịch Kim Jong-un hay không, đặc biệt khi hai người từng xảy ra mâu thuẫn trong quá khứ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden gọi ông Kim Jong-un là “kẻ độc tài” và “kẻ bạo lực”. Miền Bắc cũng chỉ trích gay gắt ứng cử viên Biden và gọi ông là “một lão già lẩm cẩm tham lam quyền lực”. Nhưng điều này không có nghĩa là cánh cửa cho một Hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên đã khép lại hoàn toàn. Bình Nhưỡng từng lên án gay gắt Tổng thống Trump vào tháng 9/2017, nhưng sau đó đã thay đổi thái độ và hai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được diễn ra. Trong buổi tranh luận cuối cùng trên truyền hình trước thềm bầu cử Tổng thống, ông Biden cũng khẳng định sẽ gặp nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un với điều kiện Bắc Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa.

 

Tôi nghĩ rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể một lần nữa được tổ chức. So với những lời chỉ trích gay gắt trước đây về Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin, những phát biểu trong buổi tranh luận gần đây của ông Biden đã cho thấy sự thay đổi tích cực trong quan điểm về hai nhà lãnh đạo này. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là một trong số các thành tựu hiếm hoi của Tổng thống Trump. Đương nhiên khi bắt đầu thì mọi thứ đều rất khó khăn, nên không thể phủ nhận Tổng thống Trump đã góp phần giảm bớt rào cản đầu tiên trong quá trình đàm phán Mỹ-Triều. Có khả năng ông Joe Biden sẽ cố gắng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim vào cuối nhiệm kỳ để tạo ra bước đột phá trong ngoại giao. Trước đây, cựu Tổng thống Bill Clinton từng lên kế hoạch thăm Bình Nhưỡng trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, cựu Tổng thống George Bush cũng đã từng đề cập đến việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và một hiệp ước hòa bình trong nhiệm kỳ thứ hai. Tiếp nối những người tiền nhiệm, Tống thống sắp nhậm chức Joe Biden có thể sẽ theo đuổi mục tiêu tương tự.

 

Chính phủ sắp tới của Mỹ có thể sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước như phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và giải quyết xung đột chủng tộc hơn là các chính sách với Bắc Triều Tiên. Ngay cả trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh, khôi phục lòng tin của quốc tế và củng cố quan hệ với các nước đồng minh cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Nếu Chính phủ ông Biden trì hoãn đàm phán, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thực hiện các hành động khiêu khích khi cho rằng Chính phủ mới của Mỹ ít quan tâm đến miền Bắc hơn chính quyền Tổng thống Trump.

 

Bắc Triều Tiên có thể thực hiện các hành động khiêu khích bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào thái độ của Chính phủ ông Biden. Tháng 4/2009, miền Bắc phóng tên lửa mang theo vệ tinh khi cựu Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị cho bài phát biểu ở thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) kêu gọi xóa sổ vũ khí hạt nhân. Tiếp tục có các hành động gây hấn, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai sau đó, và thậm chí là thử hạt nhân lần thứ ba ngay sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Barack Obama bắt đầu vào năm 2013. Đặt kỳ vọng cao vào chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, miền Bắc đã có một loạt các hành động khiêu khích mỗi khi không hài lòng hoặc muốn gây chú ý. Nhưng ngược lại, Bắc Triều Tiên đã phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn do các lệnh trừng phạt mạnh mẽ trong suốt 8 năm ông Barack Obama nắm quyền. Rút ra bài học, miền Bắc có thể sẽ điều chỉnh mức độ và tần suất gây hấn dưới thời Tổng thống Biden.

 

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị cho những thay đổi liên quan đến vấn đề ngoại giao trong khu vực sau lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Cho dù Mỹ có thay đổi chính quyền đi chăng nữa, cả Tổng thống Moon Jae-in và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Thay đổi trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên của Washington là khó tránh khỏi và Hàn Quốc đang ngày càng chứng tỏ vai trò trung gian quan trọng của mình.

 

Ông Joe Biden là một chuyên gia ngoại giao và chính trị gia xuất chúng. Ông được bầu vào Thượng viện Mỹ ở tuổi 29 và đã hoạt động chính trị trong suốt 36 năm. Vì vậy, tôi tin ông sẽ thực hiện các nỗ lực ngoại giao để ngăn tình hình đi đến cực đoan. Ông Biden hẳn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về các chính sách với Bắc Triều Tiên trong suốt 8 năm dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Điều quan trọng nhất lúc này là lập trường của Chính phủ Hàn Quốc. Bằng những quyết tâm và nỗ lực ngoại giao, Seoul có thể thuyết phục và gây ảnh hưởng đến chính sách đối với Bình Nhưỡng của Washington. Bên cạnh đó, ông Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng minh và khẳng định Mỹ sẽ hợp tác, lắng nghe các đồng minh. Do đó, chính quyền Biden có thể sẽ ủng hộ chính sách liên quan đến miền Bắc của Hàn Quốc. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Moon Jae-in là tuyên bố kết thúc chiến tranh, vì vậy Seoul cần nỗ lực ngoại giao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu này.

 

Nhiều người kỳ vọng thái độ nghiêm túc của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới Joe Biden đối với Bắc Triều Tiên sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến miền Bắc tốt hơn cách tiếp cận ngẫu hứng của ông Donald Trump. Giống như cách chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình khi hợp tác chặt chẽ với Chính phủ cựu Tổng thống Kim Dae-jung trong quá khứ, chính quyền ông Biden cũng có thể giúp Seoul có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc đàm phán. Hàn Quốc cần theo dõi sát sao chính sách với Bắc Triều Tiên của ông Biden và đưa ra chiến lược ngoại giao hiệu quả.

Lựa chọn của ban biên tập