Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lịch sử làng đình chiến Bàn Môn Điếm

2020-11-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Từ ngày 6/11, làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã mở cửa tham quan trở lại sau hơn một năm tạm đóng do dịch tả lợn châu Phi (ASF) phát sinh hồi tháng 10 năm ngoái và dịch COVID-19 bùng phát đầu năm nay. Hệ thống đăng ký tham quan Bàn Môn Điếm hiện đã được hợp nhất dưới một trang web duy nhất do Bộ Thống nhất Hàn Quốc quản lý và quy trình đăng ký cũng được đơn giản hóa. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

 

Nguồn gốc cái tên Bàn Môn Điếm

Được biết, tên ban đầu của làng Bàn Môn Điếm là “Làng quán rượu xã Neolmun”, trong đó “Neolmun” có nghĩa là “cửa gỗ”. Đây là một ngôi làng nông nghiệp ở phía Tây Bắc tỉnh Gyeonggi. Tên địa phương này được đặt tên như trên là vì có nhiều nhà cửa gỗ và một cây cầu lâu đời, cũng như nổi tiếng với nhiều quán rượu. Sau khi Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên được đàm phán tại đây, tên ngôi làng được đổi lại thành Bàn Môn Điếm. Cây cầu Neolmun của làng cũng đã được đổi tên thành “Cầu không quay lại,” ám chỉ một khi các tù nhân chiến tranh băng qua cầu để hồi hương, họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại.

 

Các tòa nhà của hai miền Nam-Bắc tại Bàn Môn Điếm

Ban đầu, phòng họp Bàn Môn Điếm chỉ là một chiếc lều tồi tàn. Sau khi có lệnh ngừng bắn, các tòa nhà tạm được dựng lên ở đây, gồm cả các hội trường của Ủy ban đình chiến quân sự Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và Ủy ban giám sát các quốc gia trung lập Liên hợp quốc, đã được xây dựng lại kiên cố.

Các tòa nhà bê tông như Ngôi nhà Tự do và Lầu gác Bàn Môn (Panmungak) cũng lần lượt được xây dựng tại Bàn Môn Điếm vào năm 1965 và 1969. Vào những năm 1980, do đối thoại liên Triều trở nên thường xuyên hơn, Ngôi nhà Hòa bình được xây dựng ở phía Nam và Lầu gác Thống nhất (Tongilgak) được xây dựng ở phía Bắc ngôi làng để làm địa điểm cho các cuộc đàm phán.

 

Lý do dẫn đến bầu không khí căng thẳng tại Bàn Môn Điếm

Ngày nay, binh lính hai miền Nam-Bắc đứng đối mặt nhau và người dân không được tự ý đi lại trong Khu vực an ninh chung (JSA) của Bàn Môn Điếm, thuộc Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào tháng 7/1953, không có đường biên giới được vạch rõ bên trong Bàn Môn Điếm, người dân hai miền được tự do di chuyển trong khu vực. Binh sĩ hai bên trò chuyện với nhau và thậm chí còn chụp ảnh chung. Tuy nhiên bầu không khí này đã hoàn toàn thay đổi sau khi một vụ việc đáng tiếc xảy ra vào năm 1976 khi những người lính miền Bắc do xích mích đã cầm rìu giết chết hai sĩ quan Mỹ được giao nhiệm vụ cắt tỉa cây ở Bàn Môn Điếm. Sau “vụ giết người bằng rìu” khét tiếng, cây Cầu không quay lại đã bị đóng cửa và một đường ranh giới quân sự được thiết lập trong Khu vực an ninh chung (JSA). Một tấm bê tông rộng 50 cm và cao 5 cm đã được lắp đặt để đánh dấu và ngăn chặn các cuộc đụng độ có thể xảy ra. Kể từ đó, người dân hai bên cũng không được phép qua lại ranh giới.

 

Vai trò lịch sử của làng Bàn Môn Điếm

Làng đình chiến Bàn Môn Điếm đôi khi được coi là nơi thể hiện sự đối đầu giữa hai miền Nam-Bắc, nhưng đây cũng là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên tại Ngôi nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4/2018. Một tháng sau, vào ngày 26/5, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai đã diễn ra trong vòng hai tiếng tại Lầu gác Thống nhất, để lại kỷ niệm ấm áp trong lòng nhiều người dân Hàn Quốc.

 

Tương lai của Bàn Môn Điếm

Ngôi làng Bàn Môn Điếm tuy yên tĩnh và nhỏ bé nhưng đã trở thành địa điểm lịch sử cho các cuộc đàm phán đình chiến. Ngôi làng tượng trưng cho sự chia cắt đau thương của Hàn Quốc và hy vọng vào hợp tác và trao đổi liên Triều.

Do các chuyến tham quan Bàn Môn Điếm đã được mở lại trong tháng này, đồng thời quy trình đăng ký được đơn giản hóa và phạm vi du khách đủ điều kiện tham quan cũng được mở rộng, dự kiến lượng khách tham quan đến địa điểm hòa bình này sẽ gia tăng. Hy vọng làng đình chiến Bàn Môn Điếm có thể trở thành đòn bẩy mở ra cánh cửa hiện thực hóa việc đi lại tự do giữa hai miền Nam-Bắc, nội dung đã được hai bên thống nhất trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm và thỏa thuận quân sự liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập