Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách đối ngoại của Chính phủ ông Joe Biden và những ảnh hưởng đến bán đảo Hàn Quốc

2020-11-19

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trước chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đang rất quan tâm đến chính sách đối ngoại mà chính quyền mới của Mỹ sắp áp dụng. Seoul cần đưa ra phương án đối phó hiệu quả với bất kỳ thay đổi tình thế nào trên bán đảo Hàn Quốc sau quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ, với mục tiêu ổn định và thúc đẩy tiến trình hòa bình với Bắc Triều Tiên.

Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ từ bỏ “chính sách ngoại giao ưu tiên nước Mỹ” của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và tăng cường liên minh với các nước khác. Các nhà phân tích cũng dự đoán Chính phủ ông Biden sẽ củng cố mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vốn đã phần nào trở nên lạnh nhạt dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết thêm về chính sách ngoại giao của ông Joe Biden:

 

Thông điệp quan trọng nhất mà Tổng thống đắc cử Joe Biden muốn gửi gắm là "nước Mỹ đã trở lại". Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã có cách xử lý các vấn đề chính trị khá độc đáo và bất ngờ khi thể hiện mong muốn thúc đẩy ngoại giao Mỹ-Triều nhưng lại làm lung lay mối quan hệ truyền thống giữa Hàn Quốc và Mỹ. Ông Trump còn đe dọa rút binh lính Mỹ đồn trú ra khỏi Hàn Quốc, gây áp lực buộc Seoul chi trả nhiều tiền hơn để việc duy trì lực lượng này. Ngược lại, ông Joe Biden, với kinh nghiệm của một chính trị gia chuyên nghiệp, sẽ tìm cách khôi phục và tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Tổng thống mới đắc cử của Mỹ được cho là sẽ chú trọng vào việc khôi phục các giá trị truyền thống giữa hai nước thay vì tập trung vào các vấn đề chi phí quốc phòng.

 

Ngày 12/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống sắp nhậm chức Joe Biden, đánh dấu bước ngoại giao thượng đỉnh đầu tiên với Chính phủ Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ nhiều vấn đề bao gồm cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Trên hết, Tổng thống Moon và ông Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh đồng minh Hàn-Mỹ và hợp tác vì hòa bình khu vực. Đặc biệt, Tổng thống đắc cử Biden nhấn mạnh vai trò của Seoul trong ngoại giao khu vực khi đánh giá Hàn Quốc là “trục nòng cốt” cho an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tương tự chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tới đây của Washington được cho là nhằm kìm hãm sự ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng cách tạo ra một vòng vây an ninh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Nói cách khác, ông Biden đề xuất các nước đồng minh châu Á, trong đó có Hàn Quốc, hợp tác tạo nên một "mặt trận chống Trung Quốc". Chính vì vậy, Chính phủ Seoul hiện đang cân nhắc để đưa ra chính sách phù hợp nhất đối với Trung Quốc

 

Bài toán lớn nhất trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Moon Jae-in là làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu nghiêng về phía Mỹ, Hàn Quốc sẽ trở thành ngọn cờ đầu cho mặt trận chống lại Trung Quốc và chắc chắn sẽ phải chịu sự trả đũa từ Bắc Kinh. Seoul đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về mặt ngoại giao khi phải nỗ lực duy trì quan hệ truyền thống với Washington, đồng thời đảm bảo hòa hảo với Bắc Kinh.

 

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng nhận xét “trục nòng cốt” mà Mỹ nhấn mạnh là không liên quan đến chiến lược gây áp lực với Bắc Kinh. Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok, “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” mà ông Joe Biden đề cập đơn giản chỉ mang ý nghĩa chỉ vị trí địa lý và cụm từ “trục nòng cốt” là cách diễn đạt mà Mỹ đã sử dụng từ lâu nay để nói về tầm quan trọng của liên minh Hàn-Mỹ. Ông Kang khẳng định việc gắn các ý nghĩa khác cho các thuật ngữ này là không phù hợp.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tới dâng hoa tại Bia tưởng niệm thuộc Công viên tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Triều Tiên nằm ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania nhân Ngày cựu chiến binh Mỹ 11/11. Động thái này của ông Biden đã nhận được nhiều sự chú ý.

 

Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng phu nhân là Jill Biden đã dành 15 phút bày tỏ lòng kính trọng với những người lính Mỹ đã ngã xuống trong chiến tranh Triều Tiên. Động thái này rõ ràng là nhằm gửi một thông điệp tới Hàn Quốc cũng như công dân Mỹ, khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Chọn thăm đài tưởng niệm các cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên thay vì đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq hay các đài tưởng niệm khác, ông Biden đánh dấu hoạt động chính thức đầu tiên kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, phản ánh cam kết xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, trên cơ sở trục liên minh Hàn-Mỹ.

 

Với mục đích nắm bắt chính xác đường lối ngoại giao của chính quyền ông Biden, chuyến thăm nước Mỹ ngày 8/11 của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa được đánh giá là kịp thời và thích hợp. Tại Mỹ, bà đã gặp gỡ một số nhân sự thân cận với ông Joe Biden như Thượng nghị sĩ Chris Coons và Chris Murphy của đảng Dân chủ, nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên tới chính quyền mới của Mỹ.

Ngoài ra, các nghị sĩ thuộc Nhóm chuyên trách về bán đảo Hàn Quốc của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, đứng đầu là ông Song Young-gil, đã lên đường đến Mỹ vào ngày 15/11 để gặp một số nhân vật chính trị chủ chốt của nước này. Trong cuộc gặp với các nghị sĩ Hàn Quốc, ứng cử viên Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ Brad Sherman cho biết Chính phủ ông Biden có thể sẽ thực hiện các biện pháp đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vào mùa xuân tới sau khi đã đi vào hoạt động ổn định. Ông Sherman nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ngăn chặn các hành động khiêu khích từ miền Bắc trong giai đoạn chuyển giao quyền lãnh đạo ở Mỹ. Trước lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng thực hiện các hành động khiêu khích quân sự, các chuyên gia cho rằng tình hình ngoại giao trong khu vực có thể biến động khó lường tùy thuộc vào hướng đi của Bắc Triều Tiên.

 

Kịch bản lý tưởng là Bắc Triều Tiên sẽ cẩn thận xem xét các chính sách của Mỹ và đồng ý tham gia đối thoại sau các động thái qua lại giữa hai bên. Trong tình huống xấu nhất, miền Bắc có thể tấn công trước bằng cách khiêu khích quân sự, vốn là phương án Bình Nhưỡng thường sử dụng. Giới ngoại giao Mỹ tin rằng chính quyền ông Biden sẽ đưa ra định hướng cho chính sách với Bắc Triều Tiên sau khi theo dõi động thái của nước này trong giai đoạn Washington chuyển giao quyền lực. Đây là lý do tại sao ông Brad Sherman mạnh mẽ cảnh cáo miền Bắc nên kiềm chế mọi hành động khiêu khích trong giai đoạn nhạy cảm này. Dư luận đang hướng sự chú ý xem Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gửi thông điệp nào tới Washington trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2021. Bình Nhưỡng cũng đang có kế hoạch tổ chức Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 năm sau nhằm công bố các kế hoạch và chiến lược quan trọng, bao gồm cả chính sách liên quan tới Mỹ.

 

Chủ trương của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in nhằm đóng vai trò hòa giải trong các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc có thể sẽ phù hợp với chủ nghĩa đa phương của Tổng thống sắp nhậm chức Joe Biden. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự cần thiết trong việc tăng cường các kênh đối thoại đa phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Đường lối chính sách cơ bản liên quan đến vấn đề bán đảo Hàn Quốc của Chính phủ ông Biden đã phần nào hé lộ, nhưng cũng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chính phủ Hàn Quốc cần xem xét các tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị các biện pháp đối phó được tính toán kỹ lưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập