Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đội hình nhân sự đối ngoại và an ninh quốc gia của ông Joe Biden

2020-11-26

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden ngày 23/11 (giờ địa phương) đã công bố danh sách đội ngũ quan chức cho Nội các và Nhà Trắng, báo hiệu sự bắt đầu đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ tới. Trong đó, đáng chú ý là danh sách đội ngũ quan chức an ninh và ngoại giao. Ông Joe Biden đã chỉ định cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Bliken giữ chức Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ông Blinken là thành viên nhóm cố vấn chính sách đối ngoại và là một trong các trợ lý thân cận của ông Biden. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ giải thích về đội ngũ quan chức ngoại giao sắp tới của Chính phủ Mỹ. 


Với sự trở lại của một số quan chức từng dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama, một thuật ngữ mới mang tên "nhiệm kỳ 2,5 của ông Obama" đã xuất hiện. Những quan chức này bao gồm ông Antony Blinken, được chỉ định chức Ngoại trưởng và Jake Sullivan, được chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng. Ngoài ra, Cựu Phó Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Avril Haines được chọn vào vị trí Giám đốc cơ quan này, chức Bộ trưởng An ninh nội địa được giao cho cựu Phó Bộ trưởng Bộ này Alejandro Mayorkas. Những quan chức này được cho là sẽ kế thừa đường lối chính sách trước đây của đảng Dân chủ trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia.


Trong số những quan chức kể trên, Hàn Quốc đặc biệt chú ý đến ông Antony Blinken do quan điểm của ông về ngoại giao xung quanh bán đảo Hàn Quốc và vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông từng gọi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là “một trong kẻ bạo lực tồi tệ nhất”. Ông cũng mạnh mẽ chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với miền Bắc và cho rằng Mỹ đã tham gia ba Hội nghị thượng đỉnh vô nghĩa với Bắc Triều Tiên mà không có sự chuẩn bị nào. Một số nhà phân tích dự đoán Chính phủ ông Biden sẽ có những chính sách gây áp lực lớn hơn lên Bình Nhưỡng. Do chính quyền cựu Tổng thống Obama đã từng đề xuất đàm phán ngoại giao với miền Bắc nhiều lần, hơn nữa năng lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên hiện đã phát triển đáng kể, nhiều người cho rằng chiến lược của ông Biden sẽ khác với ông Obama. 


Tôi không nghĩ người theo đường lối đối thoại như ông Antony Blinken sẽ áp dụng chính sách hoàn toàn cứng rắn với Bình Nhưỡng. Trước khi tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào, Chính phủ Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phân tích kỹ lưỡng khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Mỹ sẽ phải xác minh xem miền Bắc có thực sự hoàn thành việc phát triển tên lửa tầm xa mới như công bố hay chưa. Tôi cho rằng cho dù theo cách ôn hòa hay cứng rắn thì Washington vẫn sẽ theo đuổi cách tiếp cận thực tế hơn với Bình Nhưỡng. Để giải quyết chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đội ngũ an ninh, ngoại giao của ông Biden ủng hộ một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong đó tập trung vào đàm phán nhiều hơn là gây sức ép. Vì vậy, tôi không nghĩ Chính phủ ông Joe Biden sẽ gây áp lực quá nhiều lên miền Bắc.


Ngoại trưởng sắp nhậm chức Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đều từng cho rằng một thỏa thuận hạt nhân tương tự như thỏa thuận với Iran sẽ là một giải pháp lý tưởng cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, ông Blinken đã góp công lớn vào việc kí kết thỏa thuận hạt nhân Iran trên cương vị Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, thời ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống. Trong một chương trình trên đài CBS của Mỹ vào tháng 9 vừa qua, ông Blinken cho rằng Chính phủ cựu Tổng thống Obama đã thành công với Iran và Mỹ sẽ có thể làm điều tương tự với Bắc Triều Tiên. Ông Sullivan cũng đã đưa ra nhận xét tương tự trong một cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại tại Hiệp hội châu Á (Asia Society) ở New York vào tháng 5/2016, khi ông đang là cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton. 


Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân của các nước theo hai cách khác nhau. Cách thứ nhất mang tên “mô hình Lybia”, tức là giải pháp yêu cầu một nước từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân để đổi lại hỗ trợ kinh tế quy mô lớn. Ngược lại, cách thứ hai với tên gọi “mô hình Iran”, kêu gọi giải trừ hạt nhân bằng phương pháp tiếp cận từng bước. Phương pháp này có thể thúc đẩy Bắc Triều Tiên dần dần loại bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt kinh tế. Tất nhiên, cách tiếp cận theo từng giai đoạn như vậy yêu cầu nhiều thời gian. Theo ông Blinken và ông Sullivan, Chính phủ Mỹ nhiệm kỳ tới có thể sẽ chọn phương pháp này.


“Mô hình Libya” là mô hình trong đó một quốc gia phải từ bỏ hoàn toàn việc phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, với “mô hình Iran”, quá trình phi hạt nhân hóa và hỗ trợ kinh tế được thực hiện theo từng giai đoạn. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton từng phát biểu mô hình Libya là phương pháp phù hợp để Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng sẽ khó có thể áp dụng mô hình này cho miền Bắc. 

Trong bối cảnh Chính phủ ông Biden có khả năng áp dụng “mô hình Iran” trong vấn đề hạt nhân miền Bắc, dư luận đang hết sức quan tâm rằng liệu phương cách này sẽ phát huy được hiệu quả đến mức nào. Về cơ bản, Mỹ tin rằng có thể khiến Bắc Triều Tiên thay đổi thái độ bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt, đồng thời cho Bắc Triều Tiên thấy rõ những lợi ích có thể nhận được khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khác với Iran, miền Bắc chưa từng có một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ khó áp dụng “mô hình Iran” với Bắc Triều Tiên. 


Với quan điểm duy trì chế độ và đảm bảo an ninh là quan trọng nhất, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân đến cùng. Vì vậy, miền Bắc trước hết sẽ tìm cách để được công nhận là một cường quốc hạt nhân rồi sau đó tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ. Gần đây, Bình Nhưỡng đã không sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” như thường lệ, đồng thời kiềm chế các động thái quá cứng rắn nhằm duy trì động lực đối thoại. Có lẽ Bắc Triều Tiên cho rằng cần phải nhượng bộ để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Trái ngược với những lo ngại trước đó, miền Bắc đã không có các động thái khiêu khích trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này cho thấy một số kỳ vọng của Bình Nhưỡng về chính quyền mới tại Washington.


Mặt khác, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump Stephen Biegun dự kiến sẽ thăm Seoul vào đầu tháng 12 cùng với Phó Đặc phái viên về Bắc Triều Tiên Alex Wong. Đây cũng là chuyến thăm cuối cùng của ông tới Hàn Quốc với tư cách là Đặc phái viên về Bắc Triều Tiên. Chuyến thăm được cho là có mục đích nhằm quản lý ổn định tình hình trên bán đảo Hàn Quốc trước khi chính quyền ông Trump kết thúc nhiệm kỳ. 


Tôi nghĩ rằng khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump có động thái nào đó với Bắc Triều Tiên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất thấp. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần phải cảnh giác với các hành động khiêu khích của miền Bắc hoặc tình huống khó kiểm soát có thể xảy ra trong mối quan hệ liên Triều. Ngoài ra, chuyến thăm Seoul của Đặc phái viên Biegun cũng có thể mang ý nghĩa cảm ơn sự hợp tác của phía Hàn Quốc trong thời gian qua. Dù sao đi nữa, mục đích lớn nhất của chuyến thăm vẫn là để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình Mỹ chuyển giao chính quyền.


Bình Nhưỡng và Washington đều đang suy tính cách giành ưu thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai khi Chính phủ mới của Mỹ ra mắt. Trước khả năng Bắc Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa vào đầu năm tới, Hàn Quốc cần xem xét chính sách về miền Bắc của chính quyền ông Joe Biden và chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng. Hàn Quốc cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra và đưa ra các biện pháp đối phó được lên kế hoạch cẩn thận.

Lựa chọn của ban biên tập