Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chế độ thừa kế tại Bắc Triều Tiên

2020-11-26

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Sau khi Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee qua đời vào tháng 10 vừa qua, các chuyên gia ước tính những người thừa kế tài sản của ông, bao gồm con trai là Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, sẽ phải trả thuế thừa kế lên tới 10.600 tỷ won (9,5 tỷ USD). Vậy Bắc Triều Tiên có tồn tại chế độ thừa kế hay không? Hôm nay chúng ta sẽ cũng tìm hiểu về chế độ thừa kế tài sản tại miền Bắc.


Bắc Triều Tiên công nhận sở hữu cá nhân

Trên thực tế, chế độ thừa kế thực sự tồn tại ở Bắc Triều Tiên, mặc dù các nước xã hội chủ nghĩa và các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trong đó có Karl Marx, từ lâu đã kêu gọi xóa bỏ chế độ này. Ban đầu, miền Bắc không công nhận quyền thừa kế vì cho rằng đây hiện thân cho sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, sau đó, Bình Nhưỡng đã ban hành chế độ phân biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản gia đình, đồng thời công nhận quyền thừa kế tài sản cá nhân.Theo đó, người dân có thể sở hữu tài sản cá nhân ở Bắc Triều Tiên. Người dân có thể sở hữu tài sản có được do lao động, hay nói đúng hơn là tiền lương, ngoài ra còn có các nguồn thu nhập bổ sung từ Nhà nước hoặc xã hội, sản phẩm từ các công việc phụ như làm bếp, làm vườn, tài sản thừa kế hoặc quà tặng, nhà cửa, hàng hóa sử dụng cho gia đình và mục đích văn hóa, vật dụng hàng ngày và xe hơi. 


Luật về sở hữu cá nhân đối với đất đai và nhà ở của Bắc Triều Tiên

Luật đất đai của Bắc Triều Tiên không cho phép công dân sở hữu đất nhưng có thể sở hữu sản phẩm mà họ sản xuất được theo hợp tác xã. Nhà ở được Nhà nước phân phối cho người dân dựa trên một số tiêu chuẩn. Theo Điều 50 Luật dân sự, công dân miền Bắc không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng nhà ở. Mặc dù vậy, họ có thể sở hữu nhà ở riêng nếu đó nhà ở đứng tên cá nhân được truyền lại từ tổ tiên mà không phải do Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước cung cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ này là cực kỳ thấp. Ở miền Bắc tồn tại quyền thừa kế tài sản cá nhân nhưng không có thuế thừa kế hay thuế quà tặng. Đó là bởi đất đai và nhà cửa không được tính vào tài sản thừa kế, con cái sống chung với cha mẹ thường được thừa hưởng nhà cửa, đồng nghĩa với việc có rất ít tài sản Nhà nước có thể tính thuế. 


Thứ tự nhận thừa kế tại Bắc Triều Tiên

Theo luật, thứ tự thừa kế là vợ hoặc chồng, con ruột, con nuôi, thai nhi, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi và cha mẹ kế. Theo luật thừa kế của Bắc Triều Tiên được sửa đổi năm 2002, người dân có quyền được thừa kế nhà cửa, ô tô, tiền bạc, tiền tiết kiệm, sổ sách, đồ gia dụng và nhu yếu phẩm hàng ngày. Trường hợp có hai người thừa kế cùng hạng trở lên thì phần thừa kế của họ được chia đều. Những người chăm sóc hoặc giúp đỡ người trao thừa kế khi còn sống, người không đủ khả năng lao động và người thu nhập kém có thể nhận được nhiều tài sản thừa kế hơn. Ngược lại, những người bỏ bê bổn phận phụng dưỡng người đã khuất có thể nhận được ít tài sản hơn. Trong trường hợp người lập di chúc muốn tặng tài sản của mình cho người không thuộc diện thừa kế, ít nhất một nửa tài sản thừa kế sẽ được chia cho vợ hoặc chồng, con cái, cha mẹ và một phần ba trở lên cho cháu, ông bà, anh chị em của người đó. Nếu không có người thừa kế, cơ quan hành chính địa phương sẽ chỉ định người quản lý tài sản thừa kế.


Trường hợp con cái ở miền Bắc đòi quyền thừa kế ở miền Nam

Một người đàn ông điều hành một bệnh viện ở Bắc Triều Tiên đã mang theo con gái lớn trốn sang miền Nam khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, bỏ lại vợ và những người con khác tại miền Bắc. Tại Hàn Quốc, ông tái hôn và có thêm 4 người con, sau đó qua đời năm 1987. Sau khi ông mất, với sự giúp đỡ của một nhà truyền giáo. cô con gái cả đã tìm thấy anh chị em ruột ở miền Bắc. Sai đó, người này đã đệ đơn kiện vào năm 2009, cho rằng anh chị em của cô ở Bắc Triều Tiên nên được chia tài sản trị giá 10 tỷ won (9 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) do cha họ để lại. Tòa án Hàn Quốc đã công nhận những người con ở miền Bắc là con đẻ của người đàn ông đã khuất, cho phép họ được được nhận một phần tài sản thừa kế từ cha.


Luật đặc biệt về quan hệ gia đình và thừa kế giữa người dân hai miền Nam-Bắc

“Luật đặc biệt về quan hệ gia đình và thừa kế giữa người dân hai miền Nam-Bắc” được ban hành tháng 5/2012, quy định người dân Bắc Triều Tiên có thể khởi kiện đòi tài sản thừa kế ở Hàn Quốc theo Điều 999 Luật dân sự Hàn Quốc. Theo luật, nếu một người kết hôn ở miền Bắc trước Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên ngày 27/7/1953, nhưng sau đó trốn sang miền Nam và tái hôn, người này sẽ không được nộp đơn xin hủy cuộc hôn nhân đầu tiên với lí do không được kết hôn khi đã có vợ/chồng. Do đó, người vợ/chồng đầu tiên ở miền Bắc cũng có quyền thừa kế tài sản. Tương tự, con cái ở Bắc Triều Tiên có quyền được chia tài sản của cha mẹ sống ở Hàn Quốc và có quyền chỉ định một người chịu trách nhiệm quản lý tài sản của họ ở miền Nam.

Quyền thừa kế giữa người dân hai miền Nam-Bắc đã và đang là một vấn đề thực tiễn nhận được nhiều sự quan tâm. Nếu hoạt động trao đổi liên Triều được nối lại, tranh chấp về các mối quan hệ gia đình và tài sản thừa kế giữa những người dân liên Triều sẽ gia tăng. Do vậy, cần ban hành một luật chi tiết và có hệ thống hơn liên quan đến thừa kế và quản lý tài sản thừa kế để vấn đề này có thể được giải quyết hợp lý và có hiệu quả.

Lựa chọn của ban biên tập