Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tập trung đoàn kết nội bộ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

2020-12-03

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 29/11, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động, với sự tham dự của em gái ông, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong. Trong cuộc họp, Bình Nhưỡng đã không đưa ra bất kỳ thông điệp đối ngoại nào. Dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc cách đây một tháng, song Bắc Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ lập trường liên quan nào. Thay vào đó, miền Bắc đang tập trung hơn vào các vấn đề đối nội, trong đó có Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm sau và “mặt trận kinh tế 80 ngày” với mục đích đẩy mạnh sản xuất. Nhiều nhà phân tích cho rằng do phải chuẩn bị cho Đại hội đảng Lao động sắp tới, Bình Nhưỡng sẽ tạm thời không chú tâm đến các vấn đề ngoại giao trong thời điểm hiện tại. Sau đây, tiến sĩ Oh Gyeong-seob đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ cho chúng ta biết thêm về chủ trương đoàn kết nội bộ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của Bắc Triều Tiên.


Bắc Triều Tiên gần đây không phát đi bất kỳ thông điệp nào về đối ngoại vì đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ dựa trên các phân tích kỹ lưỡng về chính sách miền Bắc sắp tới của Chính phủ Tổng thống sắp nhậm chức Joe Biden. Trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban tình báo tại Quốc hội, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết Bình Nhưỡng gần đây đã chỉ thị các cơ quan ngoại giao đóng tại nước ngoài không được kích động Mỹ. Do Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chưa công bố lập trường chính thức về vấn đề Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng không nhất thiết phải đưa ra một thông điệp cụ thể với Washington. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao miền Bắc hạn chế đưa ra quan điểm đối ngoại và tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường đoàn kết nội bộ. Bắc Triều Tiên sẽ chỉ phản ứng sau khi ông Biden nhậm chức và đưa ra thông điệp cụ thể về miền Bắc.


Ngày 29/11, Bắc Triều Tiên tổ chức cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động do Chủ tịch Kim Jong-un chủ trì. Ngoài Đại hội đảng Lao động và Đại hội đại biểu đảng, đây là cuộc họp có quyền quyết định cao nhất của miền Bắc. Kể từ khi lên nắm quyền cho đến nay, Chủ tịch Kim đã tổ chức tổng cộng 31 cuộc họp Bộ Chính trị. Trong số đó, có 11 cuộc họp diễn ra trong năm nay, phản ánh chủ trương tập trung vào các vấn đề đối nội của Bình Nhưỡng.

Hai tuần sau khi cuộc họp Bộ Chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động diễn ra vào giữa tháng 11, miền Bắc tổ chức tiếp cuộc họp vào ngày 29/11 vừa qua để thảo luận các vấn đề nổi cộm trong nước như chuẩn bị cho Đại hội đảng sắp tới và củng cố giáo dục tư tưởng. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ ra thực trạng thiếu sót trong quản lý kinh tế và chỉ trích mạnh mẽ các cơ quan liên quan. 


Chủ tịch Kim Jong-un phê bình các cơ quan phụ trách kinh tế đã chỉ đạo một cách chủ quan và hình thức, không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế một cách hợp lý sao cho phù hợp với các biện pháp trừng phạt từ nước ngoài. Thêm vào đó, ông Kim cũng chỉ trích các cơ quan này thiếu sự tận tâm, trách nhiệm và không thực hiện các chính sách kinh tế trên cơ sở khoa học. Bắc Triều Tiên gặp nhiều khó khăn vì phải đóng cửa biên giới do dịch COVID-19, chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và thiệt hại do lũ lụt. Trước tình hình đó, Chủ tịch Kim Jong-un dường như đang muốn đổ trách nhiệm về thất bại kinh tế cho các cơ quan nói trên.


Theo Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), Chủ tịch Kim Jong-un đã xử tử một nhà giao dịch tiền tệ có tầm ảnh hưởng ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng 10 do tỷ giá hối đoái biến động mạnh. Một quan chức miền Bắc khác cũng đã bị tử hình vào tháng 8 vì mang hàng cấm, vi phạm quy định hải quan biên giới, vốn được thắt chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Theo một tờ báo của Nhật Bản chuyên về các vấn đề Bắc Triều Tiên mang tên Asia Press, tỷ giá hối đoái của tiền tệ miền Bắc so với đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây đã giảm mạnh. 


Đồng won của Bắc Triều Tiên đã lao dốc nhanh về tỷ giá hối đoái so với đồng đô la Mỹ. Theo Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc, việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của miền Bắc giảm mạnh trong bối cảnh bùng phát COVID-19 đã khiến giá đường và các loại thực phẩm khác ở miền Bắc tăng vọt. Các nhà chức trách Bắc Triều Tiên đã nâng giá trị đồng nội tệ và cấm sử dụng ngoại tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Động thái này đã gây khó khăn cho những người sở hữu đồng đô la Mỹ, khiến thị trường rơi vào tình trạng bất ổn. Có vẻ như Chính quyền miền Bắc đã hướng sự chỉ trích vào nhà giao dịch tiền tệ nói trên và xử tử người này để xoa dịu sự bất bình của người dân.


Trong cuộc họp mở rộng của Bộ chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động vừa qua, Bình Nhưỡng cũng chỉ ra những yếu kém của “mặt trận kinh tế 80 ngày”. Bắc Triều Tiên đang thúc đẩy chiến dịch lao động này, vốn sẽ kéo dài đến cuối năm nay, nhằm khắc phục khó khăn kinh tế và tăng cường đoàn kết nội bộ. Bắt đầu từ tháng 10, miền Bắc bắt đầu thực hiện chiến dịch toàn quốc trong 80 ngày nhằm tạo ra một số kết quả kinh tế trước Đại hội đảng Lao động vào tháng 1/2021. 

Cùng với đó, các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên đang chú trọng nêu bật những thành tựu của “mặt trận kinh tế 80 ngày”. Ngày 19/11, Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã liệt kê những kết quả mà các cơ quan địa phương đạt được. Tờ báo liên tục ca ngợi những nỗ lực phục hồi các khu vực bị thiệt hại do lũ lụt trong suốt 80 ngày và nhấn mạnh vai trò của các quan chức địa phương. Đây được coi là biện pháp tuyên truyền của miền Bắc nhằm tối đa hóa hiệu quả chiến dịch cho đến cuối năm.


Trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù cố gắng thúc đẩy “mặt trận kinh tế 80 ngày”, miền Bắc vẫn đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu và kinh phí để sản xuất. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cho biết ngành giao thông đường sắt cũng như các nhà máy điện, hầm mỏ và nhà máy sản xuất, trong đó có Khu liên hợp gang thép Kim Chaek, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhưng không đề cập cụ thể đó là những mục tiêu nào. Tôi cho rằng hiệu quả của chiến dịch kinh tế này thực sự không đáng kể.


Một số nhà phân tích cho rằng khoảng thời gian từ cuối năm nay đến tháng 1 năm sau có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc. Tùy thuộc vào chính sách đối với Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ, Seoul có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều, quan hệ Mỹ-Triều và ngoại giao khu vực. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn này với nhận định rằng bán đảo Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với một bước ngoặt lớn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. 


Đây thực sự là một giai đoạn quan trọng vì cả Seoul và Bình Nhưỡng đều phải chuẩn bị cho các chính sách ngoại giao và an ninh của ông Biden trong bối cảnh Chính phủ Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ ra mắt vào tháng 1 năm sau. Trước tình hình quan hệ liên Triều hiện gần như lâm vào bế tắc, Chính phủ Hàn Quốc cần phân tích kỹ lưỡng chính sách về Bắc Triều Tiên của ông Biden và những động thái tương lai của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc phải đề ra kế hoạch và nắm rõ vai trò của riêng mình, đồng thời theo dõi hướng tiến triển của quan hệ Mỹ-Triều. Hiện tại, Hàn Quốc cần quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Tổng thống đắc cử Joe Biden và chuẩn bị cho nhiều tình huống có thể xảy ra.


Bắc Triều Tiên vẫn khá im lặng về mặt ngoại giao, đồng thời dành sự tập trung vào các vấn đề nội bộ. Trước khi có bất kì động thái chính thức nào, miền Bắc sẽ chuẩn bị các chiến thuật để sử dụng tại các cuộc đàm phán với Chính phủ ông Biden và đưa ra định hướng chính sách tại Đại hội đảng Lao động vào tháng 1/2021.

Năm tới, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục và mối quan hệ Hàn-Mỹ được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi. Hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thể hiện thiện chí tại các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ và tích cực tham gia hợp tác liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập