Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các sự kiện chính trị lớn ở Bắc Triều Tiên trong tháng 1/2021

2020-12-10

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên đã quyết định triệu tập Hội đồng nhân dân tối cao, cơ quan tương đương Quốc hội Hàn Quốc, vào cuối tháng 1 năm 2021, sau khi Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 được tổ chức cùng tháng. Thay vì tổ chức vào tháng 4 như mọi năm, miền Bắc sẽ tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao với sự tham dự của hàng trăm đại biểu sớm hơn thường lệ ba tháng, bất chấp tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết thêm về các sự kiện chính trị lớn mà miền Bắc tổ chức vào tháng 1 năm sau.


Hội đồng nhân dân tối cao là cơ quan Nhà nước có quyền lực cao nhất của Bắc Triều Tiên. Miền Bắc thường tổ chức họp Hội đồng nhân dân tối cao vào tháng 4 hoặc sớm nhất là tháng 3 hàng năm để công bố các quyết định, chính sách quan trọng như xem xét các kế hoạch chính trong năm, thông báo về việc cải tổ nhân sự tại các cơ quan Nhà nước và thẩm định ngân sách của năm. Dù có vai trò tương tự Quốc hội Hàn Quốc, nhưng kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc chỉ được tổ chức một hoặc hai lần một năm. Lý do Bình Nhưỡng quyết định dời phiên họp này sang tháng 1 năm sau đang thu hút nhiều sự chú ý.


Các sự kiện công bố đường lối chính sách chi tiết của Nhà nước như bài phát biểu năm mới của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 và kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao đều sẽ diễn ra vào tháng 1 năm sau. Việc miền Bắc tập trung tổ chức ba sự kiện lớn trong cùng một tháng có thể là để đưa ra thông điệp rõ ràng tới Mỹ nhằm củng cố vị thế là một cường quốc hạt nhân hoặc chính thức yêu cầu đối thoại hòng nắm được thế thượng phong trong đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với Chính phủ Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. 


Chính phủ mới của Mỹ sẽ ra mắt vào ngày 20/1 năm sau. Trên thực tế, mối quan hệ Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc trong gần hai năm, Bắc Triều Tiên có thể sẽ đề nghị đàm phán với Mỹ trước để tìm bước đột phá trong quan hệ song phương. Năm 2021 cũng là năm thứ 10 Chủ tịch Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo. Gần đây, ông Kim đã thẳng thắng gửi lời xin lỗi tới người dân vì chưa thực hiện được cam kết vực dậy nền kinh tế. Vì vậy, điều quan trọng mà miền Bắc cần làm vào năm tới là đưa ra một tầm nhìn mới đầy hy vọng đến người dân. Ngoài các vấn đề trong mối quan hệ với Washington, dự kiến Bình Nhưỡng cũng sẽ thiết lập lại các mục tiêu kinh tế tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao sắp tới.


Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao lần này, Bắc Triều Tiên có thể sẽ ra mắt đội ngũ quan chức mới phụ trách các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã bổ nhiệm một nhóm tương tự để đối phó với chính sách của Bắc Triều Tiên. Không giống như Tổng thống Donald Trump, ông Biden là một chuyên gia ngoại giao ưu tiên các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Trên cơ sở đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ giao các vấn đề đối ngoại cho Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hoặc thành lập một nhóm đàm phán hạt nhân mới do Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui lãnh đạo. Cũng có khả năng miền Bắc sẽ cử những quan chức từng giữ vai trò nòng cốt trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ kể từ giữa những năm 1990, thời điểm Bình Nhưỡng và Washington ký thỏa thuận Geneva tại Thụy Điển, để đi đầu về ngoại giao. 


Ngày 9/12, bà Kim Yo-jong đã chỉ trích phát ngôn của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa gần đây liên quan tới các biện pháp phòng dịch COVID-19 của Bắc Triều Tiên. Bà Kim khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ quên những lời nói của Ngoại trưởng Kang và bà Kang sẽ phải trả giá đắt cho những phát ngôn của mình. Về động thái này, một số nhà phân tích dự đoán bà Kim Yo-jong có thể sẽ trở thành quan chức dẫn đầu trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Một số ý kiến khác lại cho rằng có thể các chuyên gia ngoại giao từng phụ trách đàm phán hạt nhân với Mỹ trước đây của miền Bắc như Đại sứ lưu động Bắc Triều Tiên Kim Myong-gil, cựu Ngoại trưởng Ri Yong-ho, sẽ phù hợp hơn để đối phó với chính quyền ông Biden. Liên quan đến nhóm quan chức đàm phán hạt nhân mới, cần phải chờ quyết định của Hội đồng nhân dân tối cao vào tháng 1 tới đây.


Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đẩy nhanh các lịch trình chính trị trong tháng 1 năm sau, cùng lúc với sự ra mắt của Chính phủ Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, mối quan hệ Mỹ-Triều có thể sẽ có sự thay đổi. Trước khi nhậm chức, ông Joe Biden được cho là đang cân nhắc chính sách đối với miền Bắc. Ngày 3/12, đài CNN của Mỹ đưa tin nhóm chính sách ngoại giao của Tống thống đắc cử Biden có kế hoạch xem xét lại các lá thư trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Song song với việc liên hệ với Chính phủ ông Biden, Seoul đang tìm cách ngăn chặn hành động khiêu khích chiến lược của Bình Nhưỡng. Tháng 1 năm sau được coi là thời điểm vàng để mang lại một số thay đổi tích cực cho quan hệ Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều. 


Việc Bắc Triều Tiên và Mỹ đã từng đứng trên bờ vực chiến tranh vào năm 2017 nhưng quan hệ hai bên lại đột ngột thay đổi theo chiều hướng tốt hơn vào năm 2018 là minh chứng cho thấy chính trị là một vấn đề rất khó đoán. Vấn đề ngoại giao cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi quyết định của các lãnh đạo và các tình huống phức tạp. Miền Bắc có thể sẽ công bố một thông điệp mới vào tháng 1 năm tới thông qua bài phát biểu chúc mừng năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un hoặc kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao. Về phần mình, Seoul cần phân tích kỹ lưỡng mục đích thực sự của Bình Nhưỡng và tạo ra một bầu không khí ngoại giao thuận lợi với tư cách là người hòa giải để thúc đẩy Bắc Triều Tiên và Mỹ tiến tới bàn đối thoại. Bước vào giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm vào năm tới, Chính phủ Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm tạo ra một số kết quả tích cực trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều.

 

Mặt khác, các chuyên gia ngoại giao chỉ ra khả năng Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích nhằm vào Chính phủ mới của Mỹ. Ngày 8/12, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã đến Seoul để thảo luận với các quan chức Hàn Quốc về việc phối hợp trong các chính sách Bắc Triều Tiên. Trong một buổi tọa đàm vào ngày 2/12, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng nhận định rằng miền Bắc có thể sẽ tiến hành các hành động khiêu khích quân sự. Cuối tháng trước, Mỹ đã cử máy bay trinh sát bay trên không phận của Hàn Quốc trong ba ngày liên tiếp để giám sát bất kỳ dấu hiệu khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng. 


Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên thường có hành động khiêu khích vào khoảng thời gian Mỹ chuyển giao chính quyền, sau đó thay đổi thái độ hoặc tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. Các chuyên gia an ninh suy đoán miền Bắc có thể sẽ có động thái khiêu khích vào khoảng ngày 20/1 năm sau. Nhưng điều quan trọng là mức độ khiêu khích của Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên có vẻ đã cố gắng không chọc tức Tổng thống Donald Trump khi chỉ trình làng vũ khí cải tiến trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10. Tuy nhiên, một số báo cáo cho biết ông Trump đã rất tức giận. Dù thế nào đi chăng nữa, Washington vẫn sẽ tiếp tục cảnh cáo các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian trước khi ông Biden nhậm chức.


Bắc Triều Tiên đã báo hiệu trước rằng tháng 1/2021 sẽ là thời điểm chính trị quan trọng, vì nước này sẽ tổ chức một loạt các sự kiện như Đại hội đảng Lao động và phiên họp Hội đồng nhân dân tối cao. Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó với đại dịch trên toàn quốc bằng tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, Bình Nhưỡng lại lên kế hoạch tổ chức một loạt các sự kiện chính trị quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm người. Chúng ta hãy cùng chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra những chính sách đối nội và đối ngoại nào vào tháng 1/2021.

Lựa chọn của ban biên tập