Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách với Bắc Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc trong năm 2021

2021-01-07

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

2021 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông hiện đang phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn trước mắt, trong đó có việc phải đối phó với đại dịch COVID-19 và xoa dịu tình hình căng thẳng giữa Phủ Tổng thống và cơ quan công tố. Ngoài ra, thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc cũng là một sứ mệnh đầy thách thức, trong bối cảnh nền chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Ngày 4/1, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã phát biểu về cơ hội tạo ra một bước đột phá lớn trong quan hệ liên Triều trong năm nay. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về chính sách Bắc Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc trong năm 2021.

 

Trong bài phát biểu đầu năm mới, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã thể hiện niềm tin vào một bước đột phá lớn trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và quan hệ liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục chính sách hòa hảo với Bắc Triều Tiên trong năm nay. Bộ trưởng Lee cho rằng miền Bắc đang mong đợi một thông điệp về đối thoại và hợp tác tích cực hơn. Theo ông Lee, nếu hai miền Nam-Bắc nỗ lực thực hiện bước đầu tiên hướng tới hợp tác song phương trong nửa đầu năm nay, tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc sẽ đi đúng quỹ đạo trong nửa cuối năm. Theo đó, tôi cho rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các động thái để đạt được kết quả tích cực trong quan hệ liên Triều trong năm nay.

 

Ngày 4/1, truyền thông Mỹ đưa tin Bắc Triều Tiên đã đăng ký xin cấp vắc-xin COVID-19 từ tổ chức phi Chính phủ Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI). Trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19 cho miền Bắc, với hy vọng mở ra cơ hội hợp tác liên Triều trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra bất cứ lập trường nào. Do đó, nhiều nhà phân tích tỏ ra bi quan về khả năng Bình Nhưỡng chấp nhận đề xuất của Seoul về hợp tác kiểm dịch và chăm sóc sức khỏe trong năm nay.

 

Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tuyên bố không có ca nhiễm COVID-19 nào. Tuy nhiên, miền Bắc đã gửi đơn xin nhận vắc xin từ Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng, mà không đưa ra phản hồi nào trước đề xuất của Bộ trưởng Thống nhất Lee In-young về việc viện trợ vắc-xin của Seoul. Điều này cho thấy miền Bắc không có ý định nhận vắc-xin từ Hàn Quốc. Tôi cho rằng thứ Bình Nhưỡng muốn không chỉ là vắc-xin mà ít nhất là việc nối lại các dự án kinh tế liên Triều hiện đang bị đình trệ.

 

Trong năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của quốc tế, vừa chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai bão lũ cùng việc đóng cửa biên giới kéo dài do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, miền Bắc nhiều khả năng sẽ tìm cách tiến hành các cuộc trao đổi thương mại với Hàn Quốc hơn là nhận viện trợ vắc xin. Tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 khai mạc vào ngày 5/1, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã thừa nhận thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Năm nay, miền Bắc có khả năng sẽ chuyển hướng sang nhận hỗ trợ kinh tế từ miền Nam do tình hình kinh tế ngày càng xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích suy đoán Bắc Triều Tiên sẽ tiếp cận Hàn Quốc trước thay vì Mỹ, bởi Washington đang bận rộn chuẩn bị ra mắt Chính phủ mới. Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon lại có ý kiến khác.

 

Phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un trong Đại hội đảng Lao động đã thu hút nhiều sự chú ý khi ông Kim thừa nhận sự thất bại kinh tế và cho biết hầu hết các lĩnh vực đều không đạt được mục tiêu của "Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia 5 năm" được đưa ra trong Đại hội đảng lần thứ 7. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định cách nhanh nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại là tăng cường sức mạnh và khả năng tự lực của quốc gia trong mọi lĩnh vực. Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ khó có thể cải thiện quan hệ với Mỹ trong thời điểm hiện tại và nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ duy trì lập trường đối với Seoul. Miền Bắc có vẻ đang cho rằng chỉ khi quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện thì nước này mới có thể hàn gắn quan hệ và nhận được nhiều viện trợ hơn từ Hàn Quốc.

 

Điều đáng quan tâm là thời điểm Seoul và Bình Nhưỡng sẽ khôi phục quan hệ trong năm nay. Đầu tháng 12/2020, Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc dự đoán khoảng tháng 7 khi Thế vận hội mùa hè Tokyo diễn ra, hoặc khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 sẽ là thời điểm vàng cho khôi phục quan hệ liên Triều và khởi động lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Nếu Bắc Triều Tiên không có động thái khiêu khích để phản đối các cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ vào tháng 3 và tháng 4, đồng thời thành công trong công tác ngăn chặn dịch bệnh sau khi nhận được viện trợ vắc-xin từ Trung Quốc và Nga, thì những nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc có thể sẽ mang lại kết quả.

 

Thế vận hội mùa hè Tokyo khó có thể được tổ chức theo đúng kế hoạch trong năm nay trong bối cảnh Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19. Kể cả khi Thế vận hội có thể diễn ra, tôi vẫn không cho rằng sự kiện thể thao này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. Thay vào đó, cần cân nhắc các chính sách của Chính phủ Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden khi dự đoán thời điểm quan hệ hai miền Nam-Bắc được cải thiện. Chính quyền ông Biden sẽ đi vào hoạt động toàn lực vào mùa hè tới, sau khi hoàn tất các phiên điều trần nhân sự. Theo đó, quan hệ liên Triều có thể sẽ có biến chuyển sau thời gian đó, tức là vào tháng 9 hoặc tháng 10.

 

Chính phủ Tổng thống đắc cử Biden vẫn chưa đưa ra bất kỳ chính sách cụ thể nào đối với Bắc Triều Tiên, ngoài khả năng sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên bắt đầu từ các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Sự kiện đang gây chú ý lúc này chính là liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có ảnh hưởng như thế nào đến chính sách ngoại giao xung quanh bán đảo Hàn Quốc và chính quyền ông Biden có coi trọng vấn đề Bắc Triều Tiên như chính quyền Tổng thống Donald Trump hay không. Vẫn chưa chắc chắn liệu tân Tổng thống Mỹ Biden có tiếp quản kết quả của các Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều từ thời ông Trump hay không, hay ông sẽ quay trở lại chính sách kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc nên chủ động trong việc giải quyết các vấn đề liên Triều, vì chính sách về Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của Mỹ. Trước đây, các đời Chính phủ do đảng Dân chủ cầm quyền ở Mỹ thường tham khảo quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc khi đưa ra chính sách với Bắc Triều Tiên, nên nếu Seoul đưa ra một đề xuất sáng tạo thì Washington có thể sẽ tôn trọng đề xuất đó. Đây là lý do Hàn Quốc đang cố gắng tìm ra cách đạt được tuyên bố kết thúc chiến tranh và hợp tác y tế liên Triều.

 

Hàn Quốc không được quên rằng mọi thứ đều có giới hạn. Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Nhưng nếu Seoul mù quáng theo đuổi đích đến này thì sẽ khó có thể có được sự ủng hộ từ Chính phủ ông Biden. Tổng thống Trump có thể đã gây bất ngờ khi đồng ý với đề xuất này, nhưng ông Joe Biden thì có thể không như vậy. Ngoài ra, Chính phủ ông Joe Biden sẽ khó mà chấp nhận nếu Hàn Quốc đột ngột nối lại các dự án liên Triều, như tour du lịch núi Geumgang và khu công nghiệp Gaesung. Thay vào đó, tôi nghĩ Seoul có thể vừa thúc đẩy quan hệ liên Triều vừa tìm ra điểm chung với Washington thông qua hợp tác kinh tế và thương mại từng phần với Bình Nhưỡng.

 

Quan hệ liên Triều đã liên tục lâm vào bế tắc xuyên suốt năm 2020. Hy vọng trong năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc có thể xây dựng một chính sách Bắc Triều Tiên phù hợp với tình hình quốc tế luôn thay đổi nhanh chóng, đồng thời mang lại bước đột phá trong ngoại giao khu vực, vốn đang bế tắc kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 2 năm 2019.

Lựa chọn của ban biên tập