Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8

2021-01-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 đã trở thành sự kiện gây được nhiều sự chú ý khi chính thức khai mạc vào ngày 5/1 và kéo dài trong 8 ngày, lịch trình dài thứ hai trong lịch sử sau Đại hội đảng lần thứ 5 năm 1970. Trong phiên họp đầu tiên của Đại hội đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã thừa nhận sự thất bại trong các chính sách kinh tế chung. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thừa nhận sự thất bại của một chiến lược quốc gia tại sự kiện chính trị lớn nhất toàn quốc này.

Trong kỳ Đại hội đảng lần này, miền Bắc đã thay thế 70% ban chấp hành Đại hội và bầu Chủ tịch Kim Jong-un làm Tổng bí thư đảng Lao động, đánh dấu thời kỳ đỉnh cao quyền lực của ông Kim. Đây cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng sửa đổi các điều lệ đảng sau 5 năm, và đưa ra cam kết củng cố năng lực quốc phòng. Sau đây, tiến sĩ Oh Gyeong-seob từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ giải thích chi tiết hơn về Đại hội đảng lần thứ 8 của Bắc Triều Tiên.

 

Một trong những chủ đề chính của Đại hội đảng lần này là chiến lược giải quyết khó khăn kinh tế. Về cơ bản, Bắc Triều Tiên chủ trương phát triển kinh tế bằng cách “tự lực cánh sinh” và không đưa ra được mục tiêu đột phá nào trong chính sách. Trong lĩnh vực quân sự, Bình Nhưỡng chú trọng phát triển công nghiệp quốc phòng và tăng cường khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân. Bằng việc sửa đổi các điều lệ đảng, miền Bắc đã khôi phục ban thư ký và chức danh Tổng bí thư đảng Lao động nhằm củng cố quyền lực của ông Kim Jong-un. Điều thu hút sự chú ý trong cuộc cải tổ nhân sự lần này là việc ông Jo Yong-won được bầu làm Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và trở thành nhân vật chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của miền Bắc. Trong khi đó, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lại bị loại khỏi danh sách ứng viên dự khuyết Bộ Chính trị.

 

Vào ngày họp thứ ba của Đại hội đảng 7/1, Chủ tịch Kim Jong-un được cho là đã xem xét lại quan hệ liên Triều và đưa ra định hướng chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nội dung chi tiết không được công bố rộng rãi, nên chưa rõ ông Kim đã đề cập những khía cạnh nào trong quan hệ với Hàn Quốc. Được biết, ông Kim đã đỗ lỗi cho Hàn Quốc khi cho rằng miền Nam đã đẩy quan hệ liên Triều trở lại trạng thái căng thẳng như trước khi có Tuyên bố Bàn Môn Điếm năm 2018. Mặc dù cáo buộc Hàn Quốc sử dụng vũ khí tối tân và tổ chức các cuộc tập trận quân sự Hàn-Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn bỏ ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Seoul và nhấn mạnh quan hệ song phương có thể cải thiện hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Hàn Quốc.

 

Hàn Quốc trước đó đã bày tỏ hy vọng hàn gắn quan hệ liên Triều qua hợp tác kiểm dịch, viện trợ nhân đạo và triển khai các tour du lịch cá nhân của người dân miền Nam tới miền Bắc. Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un cho rằng thay vì những vấn đề không cần thiết này, Hàn Quốc cần ngừng việc sử dụng thiết bị quân sự công nghệ cao và các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Ông Kim cũng yêu cầu Hàn Quốc thực hiện đúng các thỏa thuận liên Triều. Nếu không, quan hệ hai miền Nam-Bắc sẽ rất khó có thể trở lại như mùa xuân của ba năm trước, khi hai bên ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, để cải thiện quan hệ với miền Nam, Bắc Triều Tiên phải thay đổi thái độ và đạt được thỏa thuận đàm phán hạt nhân với Mỹ trước. Thay vì đổ lỗi cho Seoul, Bình Nhưỡng nên tạo một môi trường hòa bình, tạo điều kiện cho đối thoại để cải thiện quan hệ liên Triều.

 

Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng đã gửi một thông điệp tới Mỹ, cũng là thông điệp đầu tiên kể từ khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 năm ngoái. Ông Kim khẳng định bản chất các chính sách của miền Bắc sẽ không bao giờ thay đổi cho dù Tổng thống Mỹ có là ai, đồng thời nhấn mạnh Washington cần ưu tiên từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong-un dường như đang yêu cầu sự chân thành nhất định từ Mỹ và Hàn Quốc để xây dựng lòng tin trước khi tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào.

 

Chủ tịch Kim Jong-un cho biết miền Bắc sẽ tiếp cận Mỹ theo nguyên tắc “lấy cứng rắn đáp trả cứng rắn, lấy mềm mỏng đáp trả mềm mỏng”, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tập trung đối ngoại nhằm kiềm chế và khuất phục Mỹ, kẻ thù chính của đất nước. Bắc Triều Tiên nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Triều sẽ không có nhiều thay đổi trừ khi Mỹ công nhận năng lực hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với miền Bắc. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ nhượng bộ yêu cầu giải trừ hạt nhân của Washington mà sẽ chỉ tăng cường răn đe hạt nhân để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ triển vọng quan hệ Mỹ-Triều trong thời gian tới sẽ không mấy sáng sủa.

 

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên dường như không đưa ra lập trường cứng rắn đối với chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Thông điệp gửi tới Mỹ trong Đại hội đảng không bị coi là xúc phạm hay có dấu hiệu khiêu khích. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẽ kiềm chế các hành động quân sự cường độ cao như phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cho đến khi Tổng thống đắc cử Biden đưa ra chính sách cụ thể về miền Bắc. Mặc dù vậy, Bắc Triều Tiên khẳng định sẽ tăng cường khả năng quốc phòng để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự từ Mỹ, đồng nghĩa với việc miền Bắc không chỉ chờ đợi để đối thoại với Mỹ mà có thể sẽ có các hành động khiêu khích nếu Washington không đưa ra được một giải pháp rõ ràng.

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh về việc Bắc Triều Tiên sẽ tập trung cải tiến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và phát triển vũ khí siêu vượt âm để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa. Cùng với đó, ông Kim còn đề cập đến kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân. Qua đó, có thể thấy miền Bắc sẽ đối đầu với các mối đe dọa từ Mỹ và đảm bảo sự sống còn của đất nước bằng năng lực phòng thủ và vũ khí hạt nhân. Do đó, tương lai của quan hệ Mỹ-Triều phụ thuộc vào cách Chính phủ mới của Mỹ phản ứng với thái độ của Bắc Triều Tiên.

 

Trong khi đó, sự thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo đảng Lao động cho thấy vai trò của các quan chức ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc đã giảm sút. Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Sun-hui, vốn không xuất hiện trước công chúng kể từ sau tháng 7/2020 khi phát biểu lập trường về chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, đã bị giáng chức từ vị trí ủy viên Ủy ban trung ương đảng thành ủy viên dự khuyết. Ông Kim Yong-chol, người bị cách chức Chủ tịch Mặt trận Thống nhất sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 không thành công, đã được tái bổ nhiệm. Mặc dù phục hồi ban thư ký, miền Bắc đã loại bỏ vị trí thư ký phụ trách các vấn đề liên Triều, một chức vụ đã được duy trì trong nhiều năm từ thời các cố lãnh đạo.

Về phần mình, trong thông điệp năm mới công bố ngày 11/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định miền Nam sẵn sàng đối thoại với Bắc Triều Tiên mọi lúc mọi nơi, kể cả bằng hình thức không gặp mặt. Tuy nhiên, Tổng thống Moon đã không đưa ra phản hồi trực tiếp về việc miền Bắc yêu cầu Hàn Quốc ngừng sử dụng vũ khí công nghệ cao và các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ.

 

Việc đáp ứng yêu cầu của Bắc Triều Tiên trong thời điểm hiện tại là rất khó, vì Chính phủ Hàn Quốc sẽ giải quyết những vấn đề này theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào tình hình hạt nhân trên bán đảo Hàn Quốc, đồng thời cần tham khảo ý kiến của Mỹ. Seoul có thể sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng và nhấn mạnh cam kết đối thoại liên Triều. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng cần xem xét cách kiềm chế khả năng tăng cường hạt nhân của miền Bắc và tạo môi trường thuận lợi để Bắc Triều Tiên tiến tới các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Lựa chọn của ban biên tập