Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tiểu thuyết tại Bắc Triều Tiên

2021-01-14

Vì một bán đảo thống nhất


Cuối năm 2020, cộng đồng văn học Bắc Triều Tiên đón nhận một tin tuyệt vời khi bản dịch tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Friend: A Novel from North Korea” (tạm dịch: “Bạn: Cuốn tiểu thuyết từ Bắc Triều Tiên”) của nhà văn miền Bắc Paek Nam-nyong được tạp chí Thư viện Mỹ “Library Journal” bình chọn là một trong 10 tác phẩm văn học thế giới xuất sắc nhất năm 2020. Cuốn tiểu thuyết có tên gốc là “Bạn”, phát hành năm 1988, được giáo sư Immanuel Kim thuộc trường đại học George Washington dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái. Cuốn tiểu thuyết có nội dung xoay quanh một nữ ca sĩ trẻ trong một đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên đệ đơn ly hôn chồng và quá trình người thẩm phán phụ trách vụ kiện nhìn lại cuộc hôn nhân của chính mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tiểu thuyết ở Bắc Triều Tiên.

 

Tiểu thuyết “Bạn”

Trong số các tác phẩm văn học được sáng tác từ những năm 1960 tại Bắc Triều Tiên, “Bạn” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đề tài ly hôn. Vào thời điểm phát hành, cuốn sách trở nên rất nổi tiếng và thu hút được nhiều sự chú ý. Năm 2011, tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp và trở thành “tiểu thuyết tiếng Hàn” bán chạy nhất mọi thời đại tại quốc gia này. Ở miền Bắc, cuốn sách đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình mang tên “Gia đình”. Ban đầu, bộ phim dự kiến sẽ có 10 tập, nhưng sau đó phải dừng lại ở tập thứ 9 do tranh cãi về nội dung câu chuyện.

 

Tiểu sử nhà văn Paek Nam-nyong

Paek Nam-nyong là một trong những nhà văn hàng đầu tại Bắc Triều Tiên. Ông sinh năm 1949 và bắt đầu sự nghiệp văn học vào năm 1979 sau khi truyện ngắn “Những người phục vụ” được đăng trên tạp chí “Văn học Triều Tiên”. Kể từ đó, ông đã xuất bản khoảng 20 tác phẩm, bao gồm cả truyện ngắn và truyện vừa. Hầu hết các cuốn sách của ông gây tranh cãi do khắc họa các vấn đề hàng ngày của người dân và cảm xúc của họ. Tương tự, tiểu thuyết “Bạn” cũng thu hút được nhiều sự quan tâm vì kể lại chân thực cuộc sống thường nhật của người dân miền Bắc.

Cũng giống như các nhà văn Bắc Triều Tiên khác, ông Paek Nam-nyong cũng viết sách tuyên truyền chế độ và tôn vinh thành tích của các nhà lãnh đạo. Ông hoạt động trong "Đoàn sáng tác văn học 15/4", nhóm nhà văn chuyên viết các tác phẩm ca ngợi chiến tích hào hùng của các nhà lãnh đạo cấp cao miền Bắc. Là thành viên của nhóm từ cuối những năm 1980, ông Paek đã viết một số tác phẩm ca ngợi các nhà lãnh đạo, trong đó có cuốn tiểu thuyết đầu tiên nêu bật những thành tựu của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mang tên “Phục hưng”, phát hành tháng 10/2020.

 

Tiểu thuyết trở thành phương tiện tuyên truyền tại Bắc Triều Tiên

Dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, văn học miền Bắc chủ yếu có chủ đề quân đội, còn gọi là "Văn học tiên quân” (tức văn học ưu tiên quân sự),  nhấn mạnh địa vị tuyệt đối của quân đội và giới thiệu những thành tựu quân sự của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Trong những năm 1990, văn học miền Bắc thường đề cập đến sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cùng những khó khăn kinh tế của đất nước trong thời kỳ “Tháng 3 gian khổ”. Để khắc phục khó khăn trong nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, Bình Nhưỡng thực hiện chính sách ưu tiên quân đội, nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của việc phát triển công nghiệp quốc phòng. Nhờ đó, miền Bắc đã ổn định được chế độ và nền kinh tế, đồng thời thuật ngữ "Văn học ưu tiên quân sự" đã trở nên phổ biến hơn.

 

Cách xây dựng hình ảnh khác biệt của Chủ tịch Kim Jong-un

Tuy nhiên, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, cách thức các tiểu thuyết Bắc Triều Tiên tuyên truyền ca ngợi lãnh đạo đã thay đổi. Thay vì xây dựng một hình tượng đầy quyền lực và mạnh mẽ như hai cố lãnh đạo, ông Kim Jong-un chủ trương trở thành một nhà lãnh đạo thân thiện trong mắt người dân. Hình ảnh một vị Chủ tịch mềm mỏng trở nên mới mẻ với người dân miền Bắc, những người đã chán ngán nền chính trị ưu tiên quân sự từ thời đại trước.

 

Sự giao lưu văn học giữa hai miền Nam-Bắc

Sau Tuyên bố chung liên Triều ngày 15/6/2000, các nhà văn hai miền Nam-Bắc đã thành lập “Hiệp hội nhà văn dân tộc 15/6” vào năm 2006. Đây là tổ chức văn học đầu tiên được các nhà văn của hai miền cùng lập ra kể từ khi đất nước bị chia cắt. Tháng 2/2008, hiệp hội đã cho xuất bản tạp chí văn học chính thức đầu tiên mang tên “Văn học thống nhất”, phát hành 6 tháng một lần cho đến số thứ 3, cũng là số cuối cùng vào tháng 3/2009. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ liên Triều lâm vào bế tắc, cho đến nay vẫn chưa có thêm hoạt động giao lưu văn học nào giữa hai bên. Sẽ rất tuyệt vời nếu các viện nghiên cứu hai miền Nam-Bắc tiến hành và mở rộng giao lưu văn học, chẳng hạn như dự án cùng biên soạn cuốn từ điển dân tộc từng thực hiện trước đó.

Việc tiểu thuyết Hàn Quốc có thể tiếp cận độc giả ở Bắc Triều Tiên hay không vẫn là một ẩn số. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng hiện nay, khó có thể mong đợi bất kỳ sự kiện giao lưu văn học nào giữa hai bên vào lúc này. Hy vọng hai miền Nam-Bắc sẽ trở thành những “người bạn” thực sự, như tiêu đề cuốn tiểu thuyết của tác giả Paek Nam-nyong, và sớm có một ngày các tiểu thuyết gia hai miền có thể giao lưu, trao đổi với nhau.

Lựa chọn của ban biên tập