Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Triều Tiên

2021-01-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã sửa đổi các điều lệ đảng, trong đó nêu rõ về việc tăng cường tiềm lực quốc phòng. Trong báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban trung ương đảng Lao động, các vấn đề quân sự cũng chiếm một phần đáng kể. Miền Bắc cũng lần đầu tiên tổ chức buổi duyệt binh kỷ niệm Đại hội đảng vào tối ngày 14/1. Tại đây, Bình Nhưỡng đã phô trương năng lực quốc phòng bằng cách giới thiệu một loạt các vũ khí mới có thể mang được đầu đạn hạt nhân. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ giải thích chi tiết hơn về kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Triều Tiên.


Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ 8, cũng là kỳ Đại hội dài thứ hai trong lịch sử, Bắc Triều Tiên khẳng định tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của đất nước trong thời gian tới. Sau Đại hội, miền Bắc đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn nhằm một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm này thông qua việc phô trương các loại vũ khí tối tân. Năm nay, có vẻ như Bình Nhưỡng đang quyết tâm tái hiện chính sách “chính trị ưu tiên quân đội” của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Đây được coi là một rào cản lớn đối với tương lai quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều.


Tại Đại hội đảng vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un tiết lộ Bắc Triều Tiên đang trong quá trình phát triển tên lửa đa đầu đạn, tên lửa siêu vượt âm, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Tất cả những vũ khí này được liệt kê vào hàng nguy hiểm trong bối cảnh toàn cầu chạy đua vũ trang hạt nhân.

Động thái phô trương sức mạnh quân sự của miền Bắc có được cho là nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ và chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai với Mỹ. Nhiều nhà phân tích coi đây là một thông điệp nhằm vô hiệu hóa chính sách “kiên nhẫn chiến lược” và yêu cầu phi hạt nhân hóa mà Chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể lựa chọn . 

Động thái cải tiến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể là một nhân tố tiêu cực châm ngòi cho cuộc đối đầu với Mỹ trong tương lai. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội vào năm 2019, Bình Nhưỡng đã thể hiện ý định phát triển vũ khí chiến lược khi sử dụng cụm từ “răn đe chiến tranh hạt nhân”. Trong Đại hội đảng gần đây, Bắc Triều Tiên chính thức tuyên bố tăng cường vũ khí hạt nhân nhằm cảnh báo Chính phủ mới của Mỹ. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với miền Bắc có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Tổng thống Biden, tương lai nối lại và xúc tiến của các cuộc đàm phán Mỹ-Triều là rất mong manh nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục có các động thái gây căng thẳng. 


Việc Bình Nhưỡng chỉ tập trung tăng cường sức mạnh quân sự thay vì để ngỏ khả năng đàm phán với chính quyền tân Tổng thống Biden là rất đáng lo ngại. Bắc Triều Tiên đã có một nước đi sai lầm khi nhấn mạnh chính sách cải thiện năng lực quốc phòng tại Đại hội đảng và sau đó tổ chức một cuộc duyệt binh phô trương vũ khí mới ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Biden, người vốn coi trọng quy trình và chủ trương đàm phán từ cấp chuyên viên. Sẽ tốt hơn nếu miền Bắc có thái độ hòa giải, nhưng đáng tiếc là quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Chính phủ mới của Mỹ lại bắt đầu không mấy tốt đẹp.


Đáng chú ý, Bình Nhưỡng đã tiết lộ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới trong cuộc duyệt binh gần đây thay vì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có thể được triển khai để sử dụng trong thực tế. Là vũ khí chiến lược nhắm vào Mỹ, tên lửa ICBM được Bắc Triều Tiên công bố trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động miền Bắc vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, lần này Bình Nhưỡng không phô trương vũ khí chiến lược này nhằm thể hiện thiện chí đàm phán với Mỹ. 


Trong các cuộc duyệt binh trước đây, Bắc Triều Tiên thường chào sân các tên lửa ICBM và các đầu đạn hạt nhân, vốn có thể được sử dụng để tấn công đến lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, tại sự kiện gần đây, tên lửa ICBM không hề xuất hiện. Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un nhấn mạnh cách tiếp cận "lấy cứng rắn đáp trả cứng rắn, lấy mềm mỏng đáp trả mềm mỏng" khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến Mỹ, đồng nghĩa với việc thái độ của Bình Nhưỡng sẽ tùy thuộc vào chính sách về miền Bắc của Washington.


Bắc Triều Tiên tuy không cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) xuất hiện tại lễ duyệt binh nhưng vẫn giới thiệu một loạt vũ khí mới có khả năng đưa toàn lãnh thổ Hàn Quốc vào tầm bắn. Đặc biệt, phiên bản nâng cấp của tên lửa đất đối đất mà miền Bắc giới thiệu được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, phù hợp với chỉ thị phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Chủ tịch Kim Jong-un. Khác với vũ khí hạt nhân chiến lược nhắm vào Mỹ, vũ khí hạt nhân chiến thuật được phát triển để nhắm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoại trừ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Sao Bắc Cực-5, hầu hết vũ khí xuất hiện tại lễ duyệt binh đều được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc. 


Bắc Triều Tiên đã tiết lộ nhiều loại vũ khí chiến thuật khác nhau, trong đó có tên lửa tầm ngắn nhắm vào miền Nam, làm dấy lên suy đoán miền Bắc hiện đang chuyển mục tiêu từ Mỹ sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong Đại hội đảng vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định quan hệ liên Triều có thể trở lại trạng thái hòa hảo như ba năm trước hay không tùy thuộc vào thái độ của Hàn Quốc. Ông Kim cũng nhận định quan hệ hai miền Nam-Bắc hiện tại đã trở lại tình trạng căng thẳng như trước năm 2018. Động thái này nhằm đảm bảo Hàn Quốc sẽ không phớt lờ và tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến Bắc Triều Tiên. Sâu xa hơn, tôi cho rằng Bình Nhưỡng đang thể hiện hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Seoul và Washington.


Trong cuộc họp báo đầu năm mới vào ngày 14/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ tin tưởng Hàn Quốc có khả năng đối phó với tiềm lực quân sự mạnh mẽ của Bắc Triều Tiên. Về các cuộc tập trận quân sự Hàn-Mỹ vào tháng 3 hàng năm, Tổng thống Moon cho biết Seoul và Bình Nhưỡng có thể thảo luận vấn đề này tại Ủy ban quân sự chung liên Triều, đồng thời kỳ vọng có thể cải thiện quan hệ Mỹ-Triều trong tương lai và nhấn mạnh lập trường chính sách của Hàn Quốc tương tự với Chính phủ Tổng thống Biden. 


Tổng thống Moon Jae-in coi động thái phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên như một thông điệp chính trị chứ không phải là một động thái chuẩn bị cho chiến tranh. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ-Triều bề ngoài dường như rất tốt đẹp. Trong khi đó, quan hệ Hàn-Mỹ lại đi vào căng thẳng, như đã thấy từ các cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng bị trì hoãn và tin đồn ông Trump muốn rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tổng thống Moon bày tỏ kỳ vọng quan hệ Hàn-Mỹ có thể được củng cố dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ngoài ra, có nhiều khả năng ông Moon sẽ thuyết phục Mỹ nối lại đàm phán với miền Bắc.


Bắc Triều Tiên đã gây sức ép với Hàn Quốc và Mỹ bằng cách phô trương vũ khí hạt nhân và sức mạnh quân sự nhằm giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán. Hiện tại, miền Bắc khó có thể tìm được cách giải quyết các khó khăn trong nước nếu không hợp tác với nước ngoài. Do đó, điều Bình Nhưỡng cần làm là theo đuổi các gói viện trợ nhân đạo thay vì tỏ thái độ đe dọa bằng cách giới thiệu vũ khí hạt nhân mới.

Lựa chọn của ban biên tập