Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chiến lược mới về chính sách Bắc Triều Tiên của Chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

2021-01-28

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 22/1 (giờ địa phương), phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ vẫn đặc biệt quan tâm tới việc răn đe Bắc Triều Tiên và sẽ áp dụng một chiến lược mới đối với nước này. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng sử dụng cụm từ "cách tiếp cận mới", ám chỉ rằng chính sách về miền Bắc của Chính phủ tân Tổng thống Joe Biden sẽ khác với chính sách của Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về chính sách mới của Washington.


Khác với cách tiếp cận đi từ cấp thượng đỉnh đến cấp chuyên viên của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden được cho là sẽ chọn cách tiếp cận từng bước của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Thay vì áp dụng “chính sách ngoại giao chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ” của ông Trump, tân Tổng thống Biden chủ trương chú trọng hơn vào hợp tác với các đồng minh. Theo đó, ông Biden rất có thể sẽ áp dụng hình thức đàm phán đa phương có sự tham gia của các đồng minh, giống như các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên dưới thời ông Obama. Tuy nhiên, vì khả năng thành công thấp, Chính phủ mới của Mỹ sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào các cuộc đàm phán đa phương như trước. Thay vào đó, Washington có thể sẽ kết hợp cả hai phương thức đàm phán đa phương và song phương.


Phát ngôn viên Jen Psaki cho biết Nhà Trắng sẽ bắt đầu thực hiện cách tiếp cận mới bằng việc xem xét kỹ lưỡng chính sách về Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken cũng có phát ngôn tương tự. Từ đó, có thể thấy chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa đưa ra chiến lược cụ thể nào và có thể mất nhiều tháng để Washington đưa ra định hướng chính sách cụ thể. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng xác định lập trường và tiến hành xử lý các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên càng sớm càng tốt. Theo đó, nếu Bình Nhưỡng có bất kỳ hành động khiêu khích nào trước khi Washington đưa ra chính sách cụ thể thì quan hệ song phương sẽ đóng băng và khả năng đàm phán sẽ bị hủy. 


Tổng thống Joe Biden có vẻ đã có sự chuẩn bị kỹ càng khi lập tức ban hành một số lệnh hành chính ngay sau khi nhậm chức. Do đó, Washington có thể sẽ đưa ra chính sách về Bắc Triều Tiên sớm hơn so với dự kiến. Mỹ đã theo dõi sát sao Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 và cuộc duyệt binh gần đây của miền Bắc để xem Bình Nhưỡng đưa ra thông điệp gì và trình làng loại vũ khí mới nào. Trong Đại hội đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un không công bố thông điệp trực tiếp nhắm vào Mỹ nhưng ngầm ám chỉ khả năng tham gia đàm phán nếu Bắc Triều Tiên được công nhận là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Chính quyền Biden sẽ phân tích kỹ vấn đề này trước khi đối phó với miền Bắc.


Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim đã được bổ nhiệm làm Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân miền Bắc dưới thời ông Obama và ông Trump, nên am hiểu sâu sắc về chính sách Bắc Triều Tiên của các đời Tổng thống Mỹ. Quyết định bổ nhiệm này cho thấy chính quyền Tổng thống Biden coi vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng là một vấn đề ngoại giao quan trọng cần được giải quyết khẩn cấp, đồng thời phản ánh việc Chính phủ mới của Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình đưa ra chính sách đối với miền Bắc. 


Ông Sung Kim là một chuyên gia về Bắc Triều Tiên khi từng là đặc phái viên hàng đầu của Mỹ trong các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên và từng là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Dưới thời cựu Tổng thống Obama, ông đã đến thăm miền Bắc nhân dịp Bắc Triều Tiên phá hủy tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan). Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, ông đã tham gia các cuộc hội đàm cấp chuyên viên với Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui. Do đó, ông Sung Kim có thể sẽ phân tích kết quả các cuộc đàm phán Mỹ-Triều của Chính phủ ông Obama và ông Trump trước khi đưa ra đề xuất mới.


Ngày 23/1, tờ báo tuyên truyền đối ngoại của miền Bắc mang tên “Bắc Triều Tiên ngày nay” đưa tin ông Joe Biden đã chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Đây là lần đầu tiên miền Bắc đề cập đến chiến thắng của Tổng thống Biden, nhưng không phải qua một phương tiện truyền thông Nhà nước mà là một phương tiện truyền thông tuyên truyền. Theo đó, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố quan điểm chính thức về chiến thắng của ông Biden. Theo một số nhà phân tích, do còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ đáp trả Mỹ một cách thận trọng sau khi xem xét các động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 


Bắc Triều Tiên sẽ theo dõi sát sao hướng đi “chiến lược mới” của chính quyền tân Tổng thống Biden. Trên hết, Bình Nhưỡng muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Để đạt được mục tiêu đó, miền Bắc có khả năng sẽ nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Khác với cựu Tổng thống Trump, ông Joe Biden được kỳ vọng sẽ tập trung vào vấn đề nhân quyền, lao động và môi trường khi thực hiện chính sách về Bắc Triều Tiên. Mỹ thậm chí còn có khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với miền Bắc vì vấn đề nhân quyền chứ không chỉ vì vấn đề hạt nhân.

 

Cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Chính phủ Tổng thống Biden ở Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bổ nhiệm cựu Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong vào ghế Ngoại trưởng. Quyết định này đã thể hiện quyết tâm khởi động lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, vốn bị đình trệ kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. Ứng cử viên Ngoại trưởng Chung Eui-yong có khả năng sẽ tìm cách kết hợp chính sách về Bắc Triều Tiên của Seoul và Washington dựa trên Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6 tại Singapore, đồng nghĩa với việc Tổng thống Moon có thể yêu cầu Mỹ kế thừa trong chừng mực các chính sách liên quan đến miền Bắc của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông sẽ khó chấp nhận yêu cầu này. Trong trường hợp đó, Seoul và Washington có thể nảy sinh xung đột.

Các nhà phân tích cho rằng ứng cử viên Ngoại trưởng Chung Eui-yong, người từng đại diện Hàn Quốc đóng vai trò chủ chốt trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore, cần gặp Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken để nêu rõ tầm quan trọng của việc thiết lập tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. 


Trước tiên, Seoul cần tìm ra điểm khác biệt trong cách tiếp cận theo từng giai đoạn của chính quyền Tổng thống Joe Biden và có phương án thuyết phục hoặc thỏa hiệp theo yêu cầu của Washington nếu cần thiết. Tôi nghĩ rằng quan hệ Hàn-Mỹ sẽ tiến triển thuận lợi dưới thời Tổng thống Joe Biden hơn là so với thời kỳ đầu của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Hàn Quốc cần thận trọng hơn trong mối quan hệ với Mỹ.


Thiết lập lại mối quan hệ với Chính phủ mới của Mỹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới đây. Tuy nhiên, Seoul được cho là đang thúc đẩy một cuộc gặp thượng đỉnh song phương Hàn-Mỹ càng sớm càng tốt bằng phương thức tối ưu nhất có thể, bao gồm cả gặp trực tiếp. Hy vọng Chính phủ hai nước Hàn Quốc và Mỹ sẽ đảm bảo thông tin liên lạc giữa các nhà lãnh đạo được thông suốt và hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân tại Bắc Triều Tiên một cách hiệu quả.

Lựa chọn của ban biên tập