Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo Mỹ-Nhật nhất trí trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc

2021-02-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Sáng ngày 4/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lần đầu tiên có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước đó, vào ngày 28/1, tân lãnh đạo Nhà Trắng và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã có cuộc điện đàm đầu tiên kéo dài 30 phút kể từ khi ông Biden nhậm chức. Động thái này cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách khôi phục hợp tác với các đồng minh để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau đây, tiến sĩ Oh Gyeong-seob đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ phân tích nội dung cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật.


Lãnh đạo Mỹ-Nhật nhất trí sẽ tăng cường hợp tác thông qua một cơ chế thảo luận an ninh không chính thức mang tên "QUAD", bao gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, nhằm gây áp lực với Trung Quốc. Đáng chú ý, ông Biden cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật áp dụng cho cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), vùng đảo đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Qua cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Cả Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga đều nhất trí về sự cần thiết của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc và sớm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị miền Bắc bắt cóc.


Ngoài những vấn đề song phương Mỹ-Nhật và phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Suga Yoshihide cũng thảo luận về xung đột giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Thủ tướng Suga được cho là đã giải thích lập trường đơn phương của Nhật Bản trong tranh chấp giữa Seoul và Tokyo về vấn đề cưỡng ép lao động và nô lệ tình dục thời chiến.


Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga đã thống nhất nguyên tắc cơ bản của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc là thúc đẩy Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Hai nhà lãnh đạo cũng được cho là đã đề cập tới các vấn đề xung đột Hàn-Nhật, trong đó có vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động và cưỡng ép mua vui thời chiến. Báo Yomiuri Nhật Bản ngày 29/1 đưa tin Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden đã thảo luận về tầm quan trọng của liên minh ba nước Hàn-Mỹ-Nhật trong đối phó với kế hoạch phát triển tên lửa của miền Bắc. Báo Mainichi của Nhật Bản cũng đưa tin cho rằng Tổng thống Biden có khả năng đã đề nghị Tokyo cải thiện quan hệ với Seoul.


Trước những đồn đoán Hàn Quốc đã không còn là ưu tiên ngoại giao của Mỹ, Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định các cuộc điện đàm diễn ra phù hợp với truyền thống ngoại giao của Nhà Trắng và do đó thứ tự các cuộc gọi không mang ý nghĩa cụ thể. Nhiều nhà phân tích đồng tình với quan điểm này, vì các cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật thường được tổ chức trước các cuộc gọi giữa Mỹ và Hàn Quốc.


Ở Đông Bắc Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ, nên không có gì ngạc nhiên khi Washington đánh giá cao liên minh Mỹ-Nhật trong quá trình thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc. Cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga đã phản ánh điều này. Tất nhiên, Mỹ cũng coi trọng liên minh Hàn-Mỹ song song với liên minh Mỹ-Nhật và xem Hàn Quốc là một đối tác quan trọng khi hoạch định chính sách an ninh đối ngoại tại Đông Bắc Á. Mặc dù thứ tự các cuộc điện đàm cho thấy sự khác biệt giữa vị thế ngoại giao của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của Seoul lúc này là nỗ lực giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh bằng cách đối thoại với Washington.


Trên thực tế, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc điện đàm vào ngày 26/1 theo yêu cầu của Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc điện đàm của lãnh đạo Hàn-Trung diễn ra trước khi Tổng thống Moon Jae-in tổ chức điện đàm với Tổng thống Joe Biden có thể khiến Washington hiểu lầm. Tương tự Chính phủ cựu Tổng thống Trump, Chính phủ ông Biden đã thể hiện ý định gây áp lực lên Trung Quốc và yêu cầu các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, cùng tham gia. Mỹ có thể sẽ cho rằng Seoul đang đứng về phía Bắc Kinh nhằm chống lại Washington. Tuy nhiên, một quan chức chủ chốt tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ suy đoán này và giải thích rằng cuộc điện đàm giữa ông Moon và ông Tập đã được lên kế hoạch từ năm ngoái, trước cả khi ông Biden nhậm chức và chỉ đơn giản là để gửi lời chúc mừng năm mới.


Trong khi Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden, một số nhà phân tích chỉ ra rằng Hàn Quốc đang đơn phương độc mã đưa ra một lập trường riêng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang trong giai đoạn xem xét lại toàn bộ chính sách Bắc Triều Tiên. Mặc  dù Nhà Trắng đề cập đến một "cách tiếp cận mới" đối với miền Bắc, Hàn Quốc vẫn hy vọng cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên hơn là theo đuổi phi hạt nhân hóa. Đặc biệt, Tổng thống Moon đã đề cập đến sự cần thiết phải kịp thời nối lại đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời thực hiện Tuyên bố chung Mỹ-Triều được ký giữa Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên năm 2018. Ông Moon cũng đã bổ nhiệm Ngoại trưởng mới nhằm kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Chính phủ Tổng thống Biden tin rằng chính sách phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên của ông Trump đã thất bại và Mỹ cần một cách tiếp cận khác. Vì vậy, Washington đã đưa ra một chiến lược đàm phán mới nhằm thúc đẩy Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và ưu đãi qua ngoại giao nếu cần. Ngược lại, Seoul theo đuổi chính sách tập trung đối thoại với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, làm thế nào để thuyết phục miền Bắc phi hạt nhân hóa vẫn là một dấu hỏi lớn. Để có thể hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc cần đưa ra những ý tưởng hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.


Chính phủ Tổng thống Biden nhấn mạnh sự hợp tác giữa các đồng minh, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc và Nhật Bản cần hàn gắn mối quan hệ song phương. Đó là lý do tại sao các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in tập trung cải thiện mối quan hệ Hàn-Nhật vốn đang cực kỳ căng thẳng do hàng loạt tranh chấp về các vấn đề lịch sử.


Chính phủ Tổng thống Biden đánh giá cao sự hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Để củng cố sự hợp tác này, Mỹ có thể sẽ tạo áp lực để Hàn Quốc và Nhật Bản hàn gắn mối quan hệ. Seoul và Tokyo cần tham gia đối thoại để giải quyết các vấn đề ngoại giao còn tồn đọng.


Để ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và theo đuổi chính sách ngoại giao thiết thực, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in cần thúc đẩy hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật cũng như Hàn-Trung-Nhật. Theo đó, Seoul cần nhanh chóng cải thiện quan hệ với Tokyo và tìm ra cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh chính trị quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Lựa chọn của ban biên tập