Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên đẩy nhanh phát triển kinh tế sau Đại hội đảng

2021-02-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ngày 8/2 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động, thảo luận về các mục tiêu kinh tế cụ thể cho Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm sắp tới, được đề ra tại Đại hội đảng lần thứ 8 diễn ra vào tháng 1 trước đó. Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đề ra mục tiêu năm 2021 ở từng lĩnh vực kinh tế, như tập trung đầu tư vào hai ngành công nghiệp trọng tâm là kim loại và hóa học, mở rộng sản xuất gang thép và phân bón hóa học. Ngay từ đầu năm 2021, chính quyền miền Bắc đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới công bố. 

Đặc biệt, tại Hội nghị toàn thể đảng Lao động, Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ ra những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng mục tiêu kinh tế. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9/2 đưa tin báo cáo tại hội nghị, nhà lãnh đạo Kim chỉ ra rằng các ban ngành kinh tế đang thiếu tích cực, có khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân khi thiết lập mục tiêu năm 2021. Ngoài ra, ông Kim cũng khiển trách các quan chức tham dự hội nghị đã không thể hiện đúng tinh thần Đại hội đảng ngay trong năm đầu tiên xây dựng kế hoạch 5 năm, chưa đáp ứng được kỳ vọng cao của đảng và nhân dân. Sau đây là phân tích của giáo sư Oh Gyeong-seob thuộc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc.


Nhiệm vụ của các ban ngành Chính phủ, doanh nghiệp quốc doanh miền Bắc là phải điều phối nguyên vật liệu, lập dự toán, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình này lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng do vướng lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế, giao dịch thương mại Trung-Triều giảm mạnh vì dịch COVID-19. Nếu đặt mục tiêu sản xuất ở mức cao trong khi thiếu vốn và vật tư, dẫn tới không đạt được mục tiêu thì lãnh đạo ban ngành đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Do vậy, các ban ngành Chính phủ và doanh nghiệp quốc doanh miền Bắc có xu hướng đặt mục tiêu sản xuất ở mức thấp. Chính bởi vậy mà Chủ tịch Kim Jong-un khiển trách rằng các ban ngành kinh tế đang thiếu tích cực, có khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Việc ông Kim Jong-un rà soát Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia trong bối cảnh Đại hội đảng mới kết thúc được một tháng cho thấy nhà lãnh đạo miền Bắc nhận định tình hình kinh tế hiện nay đang hết sức nghiêm trọng, nóng lòng phát triển kinh tế đất nước, đưa kinh tế tăng trưởng.


Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã áp dụng phương pháp quản lý kinh tế mới nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế, trong đó bổ sung thêm yếu tố kinh tế thị trường, công nhận một phần chế độ tài sản tư hữu, trao thưởng cho cơ quan, doanh nghiệp nào đạt được thành quả cao hơn so với mục tiêu được phân bổ.  Một ví dụ tiêu biểu là “chế độ quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa”, trong đó mở rộng tính tự quyết trong hoạt động kinh doanh như sản xuất, bán hàng, đầu tư cho doanh nghiệp, khen thưởng tùy theo kết quả đạt được. Tuy nhiên, chế độ này cũng gây ra các tác dụng phụ. 


Vào ngày 30/5/2014, Bắc Triều Tiên công bố phương pháp quản lý kinh tế mới, trong đó áp dụng chế độ quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa, trao quyền cho các doanh nghiệp có thể tự quyết về tất cả các vấn đề, mở rộng khen thưởng với những doanh nghiệp gia tăng sản xuất thông qua thị trường, từ đó khuyến khích sản xuất. Tuy nhiên, điều chỉnh này dẫn tới quyền hạn của doanh nghiệp lớn hơn trước rất nhiều. Trong khi các doanh nghiệp thu được lợi nhuận lớn thì ngược lại, nguồn thu thuế của Nhà nước chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định như trước, khiến chính quyền miền Bắc muốn kiểm soát cả lợi nhuận gia tăng của doanh nghiệp, quay lại đẩy mạnh giám sát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh như trước đây.


Với lý do đó, Bắc Triều Tiên đã điều chỉnh lại đường lối, nhấn mạnh rằng các hoạt động kinh tế thị trường cần sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Báo Lao động ngày 29/1 vừa qua đã đăng bài xã luận với nhan đề “Tự lực cánh sinh trên phương diện quốc gia, có kế hoạch và khoa học", trong đó nhấn mạnh nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phát huy hết tiềm năng phát triển vô hạn dưới sự chỉ đạo thống nhất, chiến lược của quốc gia. Trong thời gian qua, miền Bắc trao quyền tự quyết cho các doanh nghiệp và địa phương, khuyến khích “tự lực cánh sinh”, nhưng sau khi xảy ra nhiều vấn đề ngoài dự đoán, nước này lại đưa ra quân bài “sự kiểm soát của chính quyền trung ương”. 


Trong bài xã luận ngày 29/1, báo Lao động chỉ ra hai vấn đề lớn. Trước tiên, bài báo nhấn mạnh tự lực cánh sinh không thể diễn ra ở từng lĩnh vực đơn lẻ. Nếu để mặc các hoạt động kinh tế diễn ra một cách vô trật tự sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Nội dung thứ hai mà bài xã luận nhấn mạnh đó là nếu không xúc tiến các dự án kinh tế trên phương diện quốc gia, mà chỉ dồn công sức, ngân sách và tài nguyên vào giải quyết các vấn đề đơn lẻ thì sẽ gây ra lãng phí sức lao động xã hội. Tóm lại, các ban ngành kinh tế, doanh nghiệp quốc doanh, hay các địa phương phải “tự lực cánh sinh” phát triển kinh tế dựa trên sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Đường lối này lại hoàn toàn đi ngược lại với đường lối mở rộng hoạt động kinh tế thị trường trước đó, đẩy mạnh nền kinh tế kế hoạch.


Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un thừa nhận chưa đạt được mục tiêu kinh tế 5 năm trước đó, yêu cầu Nội các đóng vai trò “Bộ Tư lệnh kinh tế”. Tại Đại hội, đảng Lao động quyết định thành lập một bộ phận chuyên trách về chính sách kinh tế, nhằm trực tiếp đứng ra chỉ đạo việc lập và thực hiện các chính sách kinh tế, giao cho Phó Thủ tướng phụ trách bộ phận này, điều cực kỳ hiếm thấy.


Tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tối cao vừa qua, ông Jon Hyon-chol được bổ nhiệm là Phó Thủ tướng, kiêm chức Trưởng phòng Chính sách kinh tế đảng Lao động, đóng vai trò chỉ đạo hoạt động kinh tế ở tất cả các ban ngành Chính phủ. Đặc biệt, việc Phó Thủ tướng lại kiêm nhiệm vị trí đứng đầu một cơ quan chuyên môn trong đảng là điều rất hiếm thấy. Tại Đại hội đảng, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ đẩy mạnh vai trò “Bộ Tư lệnh kinh tế” của Nội các. Theo đó, tôi cho rằng trong thời gian tới, nhà lãnh đạo Kim sẽ tăng cường chỉ đạo kinh tế với Nội các thông qua Phó Thủ tướng Jon Hyon-chol.


Từ đầu năm nay, Bắc Triều Tiên thể hiện sự tập trung cao độ vào việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dự báo nước này sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc đạt mục tiêu đề ra. Nếu cộng đồng quốc tế không dỡ bỏ cấm vận với miền Bắc thì nước này sẽ khó tìm ra được bước đột phá cho các hoạt động kinh tế. Cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể hiện quyết tâm phi hạt nhân hóa, nên rất ít khả năng cộng đồng quốc tế dừng cấm vận với nước này.


Trả lời phỏng vấn của đài NBC Mỹ ngày 31/1 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề cập tới chính sách với Bắc Triều Tiên, trong đó nhắc tới cả vấn đề cấm vận bổ sung và ưu đãi ngoại giao với miền Bắc. Do vậy, nhiều khả năng Chính phủ Biden sẽ duy trì hoặc siết chặt hơn nữa cấm vận với Bình Nhưỡng nếu nước này không thể hiện quyết tâm phi hạt nhân hóa trong quá trình đối thoại. Điều này sẽ khiến kinh tế Bắc Triều Tiên rơi vào tình cảnh khó khăn hơn. Tức Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia mà Chủ tịch Kim Jong-un đề ra tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 sẽ không tránh khỏi thất bại. Vậy nên điều mà miền Bắc phải lựa chọn lúc này đó là thể hiện quyết tâm giải trừ hạt nhân, đối thoại một cách nghiêm túc với Washington, để đổi lấy sự nới lỏng cấm vận, hỗ trợ kinh tế từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Hàn Quốc. Chỉ có như vậy nước này mới có thể phát triển kinh tế.


Chính phủ của tân Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố xem xét lại toàn bộ chính sách với Bắc Triều Tiên, thậm chí còn đề cập tới việc cấm vận bổ sung với miền Bắc. Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong lại liên tục nhấn mạnh lập trường sẽ tập trung nguồn lực ngoại giao để sớm nối lại đối thoại Mỹ-Triều. Hy vọng rằng Bắc Triều Tiên sẽ nhận thức rõ việc dỡ bỏ cấm vận là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế, có thái độ tích cực hơn trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân thời gian tới. 

Lựa chọn của ban biên tập