Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên bổ nhiệm chuyên gia kinh tế làm Đại sứ tại Trung Quốc

2021-02-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cho biết cựu Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Ri Ryong-nam đã được bổ nhiệm làm Đại sứ mới tại Trung Quốc. Theo đó, ông Ri đã trở thành người kế nhiệm ông Ji Jae-ryong, vốn là Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh trong hơn 10 năm qua. Các cựu Đại sứ tại Trung Quốc, trong đó có ông Ji, hầu hết đều xuất thân từ Vụ quốc tế thuộc đảng Lao động miền Bắc, cơ quan phụ trách ngoại giao với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý, tân Đại sứ Ri Ryong-nam là một chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm từng làm việc trong Bộ Thương mại Bắc Triều Tiên. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết chi tiết hơn về quyết định bổ nhiệm Đại sứ mới tại Trung Quốc của Bình Nhưỡng.

 

Việc Bắc Triều Tiên bổ nhiệm một quan chức kinh tế vào ghế Đại sứ nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Tân Đại sứ Ri Ryong-nam sinh năm 1960 tại Bình Nhưỡng, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và bắt đầu sự nghiệp vào năm 1994 với vị trí Thư ký phụ trách kinh tế tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Singapore. Từ năm 1998, ông làm việc tại Bộ Thương mại miền Bắc và trở thành Thứ trưởng Thương mại năm 2001. Ông được thăng chức Bộ trưởng năm 2008 và đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 2016, sau đó giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cho đến gần đây. Nói cách khác, ông Ri Ryong-nam được biết đến với chuyên môn về kinh tế và thương mại. Quyết định bổ nhiệm ông Ri vào ghế Đại sứ miền Bắc tại Trung Quốc cho thấy Bình Nhưỡng nhận thức rõ sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, vốn là đồng minh truyền thống và đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

 

Sau khi Bắc Triều Tiên bổ nhiệm Đại sứ mới, Trung Quốc được cho là cũng có kế hoạch thay thế Đại sứ tại miền Bắc. Đầu tháng 2/2021, nhật báo Thành Đô của Hong Kong và hãng tin Kyodo của Nhật Bản dự đoán Bắc Kinh sẽ bổ nhiệm ông Vương Á Quân, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản nước này, làm Đại sứ mới tại Bình Nhưỡng ngay sau khi miền Bắc nới lỏng các lệnh phong tỏa biên giới. Từng làm việc tại Ban liên lạc Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trong 5 năm, ông Vương tích lũy kinh nghiệm ngoại giao chủ yếu ở châu Âu và đã có vài dịp gặp gỡ các quan chức Hàn Quốc.

 

Có vẻ như bổ nhiệm ông Vương Á Quân là quyết định có qua có lại của Bắc Kinh sau khi Bình Nhưỡng bổ nhiệm một chuyên gia kinh tế làm Đại sứ tại Trung Quốc. Ông Vương cũng được coi là một chuyên gia kinh tế và có một số mối quan hệ với các quan chức ở cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Năm 2018, một phái đoàn do Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc Pak Thae-song dẫn đầu đã đến thăm Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ông Vương đã đích thân chào hỏi quan chức Bắc Triều Tiên và đưa đoàn đi thăm quê hương Tây An của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quyết định bổ nhiệm ông Vương Á Quân nếu được xác nhận sẽ cho thấy kế hoạch đổi mới hợp tác kinh tế giữa hai nước Trung-Triều, bắt đầu từ các khu vực biên giới.

 

Nếu Trung Quốc thay Đại sứ tại Bắc Triều Tiên, cả hai nước Trung-Triều sẽ có sự thay đổi thế hệ Đại sứ. Ông Ri Ryong-nam 61 tuổi, trẻ hơn người tiền nhiệm 17 tuổi. Tương tự, ông Vương Á Quân 51 tuổi, trẻ hơn 13 tuổi so với Đại sứ Trung Quốc đương nhiệm Lý Tiến Quân. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cả hai nước đều bày tỏ thiện chí tăng cường hợp tác song phương bằng cách bổ nhiệm các Đại sứ trẻ hơn.

 

Sự thay đổi thế hệ trong ngoại giao của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng khi thể hiện mong muốn thúc đẩy một mối quan hệ mới, đặc biệt là về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trước tình trạng một số quan chức cấp cao từ thời các cố Chủ tịch miền Bắc vẫn đang làm việc, có vẻ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un muốn xây dựng quan hệ mới với Trung Quốc bằng cách trọng dụng các quan chức trẻ sau khi củng cố được nền tảng quyền lực của mình. Đặc biệt, việc bổ nhiệm Đại sứ mới tại Trung Quốc cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ông Kim trong việc thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh.

 

Trên thực tế, trao đổi thương mại Trung-Triều đã giảm sút kể từ khi miền Bắc đóng cửa biên giới vào tháng 1 năm ngoái để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan vào trong nước. Các nhà ngoại giao cư trú tại Bắc Triều Tiên cho biết người dân nước này rất khó mua được nhu yếu phẩm hàng ngày và bị thiếu điện trầm trọng. Theo một báo cáo gần đây được công bố bởi Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), thương mại Trung-Triều đã giảm 80,7%, từ 2,5 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 539 triệu USD vào năm ngoái. Trước tình hình này, việc thay thế Đại sứ tại Bắc Kinh cho thấy những lo lắng về khó khăn kinh tế của Bình Nhưỡng.

Do biên giới Trung-Triều vẫn đóng cửa, vẫn chưa thể xác định được khi nào tân Đại sứ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ chính thức nhậm chức. Tuy nhiên, có vẻ nhân việc bổ nhiệm tân Đại sứ, hai nước Trung-Triều sẽ đẩy chóng tiến độ thực hiện các dự án hợp tác song phương. Đặc biệt, miền Bắc có khả năng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế vì các lệnh trừng phạt đối với nước này khó có thể được Chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nới lỏng. Trên thực tế, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã có nhiều động thái thúc đẩy tình hữu nghị song phương trong ba tháng gần đây.

 

Nhân dịp Bắc Triều Tiên tổ chức Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng trước, Trung Quốc là nước đầu tiên gửi thông điệp chúc mừng, mặc dù lịch trình cụ thể của Đại hội không được tiết lộ. Qua đó, có thể thấy Bình Nhưỡng đã chia sẻ thông tin về sự kiện kín này cho Bắc Kinh, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. Khi Bắc Triều Tiên kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động 10/10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới miền Bắc để thể hiện tình hữu nghị song phương. Đáp lại, cùng tháng đó, Chủ tịch Kim Jong-un đã đến dâng hoa tại Tháp hữu nghị ở Bình Nhưỡng và nghĩa trang tưởng niệm binh lính Trung Quốc để kỷ niệm 70 năm ngày quân đội Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Kể từ nửa cuối năm ngoái, hai nước cũng đã có một số động thái thiện chí nhằm thắt chặt tình hữu nghị.

 

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon đã trao đổi thông điệp chúc mừng năm mới vào ngày 1/2 vừa qua. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng mở ra một chương mới trong quan hệ Trung-Triều năm nay. Trong không khí ngoại giao hòa hảo, tình hình phong tỏa biên giới giữa hai nước được cho là sẽ sớm thay đổi.

 

Biên giới Trung-Triều nên được mở lại trước khi hai nước nối lại thương mại. Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tình hình COVID-19. Một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát  ổn định, miền Bắc sẽ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới và nối lại thương mại với Trung Quốc. Trong tình hình kinh tế cấp bách hiện tại, Bắc Triều Tiên có thể sẽ nới lỏng các lệnh phong tỏa biên giới trong vòng nửa đầu năm nay. Theo tôi, Bình Nhưỡng đang hy vọng có thể mở lại biên giới càng sớm càng tốt.

 

Sau khi Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Trung Quốc cần sự ủng hộ của Bắc Triều Tiên để có thể một lần nữa giành thế chủ động trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn Quốc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng đang rất cần sự giúp đỡ từ Bắc Kinh để giải quyết những khó khăn kinh tế. Đó là lý do tại sao các nhà phân tích suy đoán miền Bắc sẽ sớm mở lại biên giới với Trung Quốc, mặc dù có thể là theo từng giai đoạn. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều cũng như Mỹ-Triều bị ảnh hưởng bởi các lợi ích khác nhau, Chính phủ Hàn Quốc cần theo dõi cẩn thận những diễn biến trong quan hệ Trung-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập