Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thảo luận về vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên

2021-03-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong ngày khai mạc khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc 22/2 (giờ địa phương), Ngoại trưởng của 30 quốc gia thành viên đã có cuộc họp cấp cao, thảo luận về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định cần phải lên tiếng chống lại những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các nước như miền Bắc. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-moon cũng nhấn mạnh sự quan tâm và lo ngại sâu sắc của Seoul đối với tình hình nhân quyền ở miền Bắc. Ông Choi kêu gọi Bình Nhưỡng đáp lại đề nghị của Seoul trong giải quyết vấn đề các gia đình bị chia cắt bởi Chiến tranh Triều Tiên, một trong những vấn đề nhân đạo và nhân quyền cấp bách nhất. Sau đây, tiến sĩ Oh Gyeong-seob thuộc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ giải thích chi tiết hơn về các nội dung thảo luận của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc xung quanh vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên.

 

Ủy ban Nhân quyền, tiền thân của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đã thông qua các nghị quyết lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên từ năm 2003 đến năm 2005. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau đó cũng liên tiếp thông qua nghị quyết này trong 18 năm tính đến năm 2020. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua nghị quyết tương tự hàng năm kể từ năm 2005. Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc (COI) thành lập vào tháng 3/2013 đã điều tra các vi phạm nhân quyền có tổ chức, phổ biến và nghiêm trọng tại nước này trong khoảng một năm. Trong báo cáo của COI, nhiều hành vi vi phạm nhân quyền tại miền Bắc tương ứng với tội ác chống lại nhân loại. Sau đó, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã mở văn phòng tại Seoul nhằm điều tra và cải thiện tình hình vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

 

Lần trở lại của Mỹ sau ba năm kể từ khi nước này rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý. Mỹ được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền vào năm 2009 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và đã đưa ra đề xuất thảo luận, ủng hộ nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên từ năm 2010 đến năm 2018. Tuy nhiên, Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hội đồng nhân quyền vào tháng 6/2018 và hầu như không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa nhằm không khiêu khích miền Bắc.

Sau khi Chính phủ Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington đã tái gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với mục đích kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

Khác với chính quyền cựu Tổng thống Trump, Chính phủ Tổng thống Biden tích cực tham gia vào vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng phản đối gay gắt sự chỉ trích từ quốc tế đối với vấn đề nhân quyền tại miền Bắc.

 

Ngày 1/3, trang chủ của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã đăng tải văn bản với tiêu đề “Mưu đồ lợi dụng nhân quyền xâm phạm quyền quốc gia”, tuyên bố nước này chưa bao giờ vi phạm nhân quyền và khẳng định người dân là chủ đất nước. Bình Nhưỡng cáo buộc cộng đồng quốc tế lợi dụng vấn đề nhân quyền nhằm can thiệp vào nội bộ chính trị và gọi đây là một âm mưu nhằm lật đổ Chính quyền nước này. Tuy nhiên, những lời chỉ trích của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên không trực tiếp nhắm vào Mỹ do lo ngại vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

 

Ngày 11/3 (giờ địa phương), 43 quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Anh và Úc, đã đệ trình dự thảo nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên lên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với nội dung lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống, phổ biến và nghiêm trọng đã xảy ra từ lâu và vẫn còn tiếp diễn ở miền Bắc.

 

Dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều có nội dung tương tự nhau đã được đệ trình nhiều lần trong quá khứ, phản ánh tình hình vẫn chưa được cải thiện tại miền Bắc. Dự thảo nghị quyết lần này kêu gọi Bình Nhưỡng thực thi các nghị quyết nhân quyền đã được Liên hợp quốc thông qua trước đây, chỉ ra rằng những người vi phạm vẫn chưa bị trừng phạt. Bản dự thảo cũng kêu gọi tất cả các nước liên quan chung tay cùng gây ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên để thúc đẩy nước này ngừng vi phạm nhân quyền, đóng cửa các trại tù chính trị và thực hiện các biện pháp cải cách nội bộ. Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Bình Nhưỡng không được hành động quá mức với người dân ở các khu vực biên giới và các khu vực khác trong công tác phòng dịch COVID-19. Đồng thời, bản dự thảo cũng yêu cầu miền Bắc cho phép nhân viên của các tổ chức quốc tế đến làm việc để có thể viện trợ cho nước này một cách hợp lý.

 

Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua trong phiên bế mạc khóa họp Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ngày 23/3 (giờ địa phương). Tính đến nay, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã 18 năm liên tiếp thông qua nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, kể từ năm 2016, nghị quyết được thông qua dưới hình thức nhất trí không qua biểu quyết.

 

Về cơ bản, hầu hết các quốc gia đều công nhận tình hình nhân quyền rất đáng lo ngại ở Bắc Triều Tiên. Do đó, Hội đồng nhân quyền thông qua nghị quyết qua sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, trừ khi có một thành viên yêu cầu bỏ phiếu. Ngay cả Trung Quốc, Nga, Venezuela và Cuba cũng không yêu cầu bỏ phiếu cho thấy cộng đồng quốc tế thừa nhận tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở miền Bắc. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực từ quốc tế đối với Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng gia tăng. Liên hợp quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để buộc Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, thủ phạm chính gây ra những vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, phải chịu trách nhiệm thích đáng.

 

Mỹ được cho là sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên trên trường ngoại giao quốc tế, trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Tổng thống Biden, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, đã từng chỉ trích vấn đề này khi còn làm việc dưới thời cựu Tổng thống Obama. Bình Nhưỡng cũng được dự đoán là sẽ phản đối mạnh mẽ động thái này thông qua các cơ quan tuyên truyền của Bộ Ngoại giao. Theo đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên và Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến căng thẳng về vấn đề nhân quyền.

 

Sự đối đầu của Mỹ và Bắc Triều Tiên, vốn đã rất nghiêm trọng vì vấn đề hạt nhân, nay có thể còn căng thẳng hơn sau khi Chính phủ Joe Biden gây áp lực lên Bình Nhưỡng về vấn đề nhân quyền. Chính phủ Mỹ kêu gọi miền Bắc cùng ngồi vào bàn đối thoại để tiến tới đạt cam kết phi hạt nhân hóa. Nếu Bắc Triều Tiên thể hiện thiện chí tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và nếu Washington đồng ý với lộ trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng thì Mỹ sẽ tiến tới đối thoại cấp cao hơn. Nếu Mỹ cho rằng miền Bắc không có ý định phi hạt nhân hóa, tôi nghĩ hai nước sẽ có một cuộc đối đầu gay gắt.

 

Việc Mỹ trở lại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là một nước đi nhằm thể hiện rằng nước này là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Là cầu nối giữa hai nước Bắc Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc cần có một chính sách ngoại giao linh hoạt nhằm giải quyết các thách thức về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập