Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng cho bán đảo Hàn Quốc sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Hàn-Mỹ

2021-03-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 18/3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Hàn-Mỹ (Hội nghị 2+2)  đã được tổ chức tại Seoul với sự tham gia của Ngoại trưởng Chung Eui-yong, Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook từ Hàn Quốc và Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từ Mỹ. Kết thúc hội nghị, hai bên đã đưa ra bản tuyên bố chung đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về ý nghĩa sự kiện này.

 

Hội nghị 2+2 mang ý nghĩa về nhiều mặt khi là cuộc hội đàm cấp cao Hàn-Mỹ đầu tiên sau 5 năm và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Hội nghị này cho Seoul một số manh mối về đường lối chính sách đối ngoại của Washington trong tương lai, và đây cũng là cơ hội để hai nước điều chỉnh các chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Về tuyên bố chung sau hội nghị, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định ưu tiên cùng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc. Tuy nhiên, trong khi cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên” được nêu rõ trong tuyên bố chung tương tự giữa Mỹ và Nhật Bản, tuyên bố chung Hàn-Mỹ lần này lại đề cập mơ hồ là “vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo”. Có phân tích cho rằng điều này là do có sự khác biệt trong quan điểm của Hàn Quốc và Mỹ .

 

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hàn-Mỹ, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong và Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui đã liên tiếp đưa ra những phát ngôn cứng rắn, thể hiện quan điểm của miền Bắc. Ngày 16/3, bà Kim Yo-jong đe dọa mối quan hệ hai miền Nam-Bắc sẽ khó trở lại ôn hòa như mùa xuân của ba năm trước, khi hai bên ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Bà cũng cảnh cáo Chính phủ Biden không nên gây hấn ngay từ thời gian đầu của nhiệm kỳ nếu muốn yên ổn trong 4 năm tới. Trong khi đó, vào sáng sớm ngày 18/3, ngày diễn ra Hội nghị 2+2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Choe và nhấn mạnh sẽ không có cuộc tiếp xúc hay đối thoại Mỹ-Triều nào diễn ra nếu Washington không từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

 

Thông điệp của bà Kim Yo-jong có mục đích cảnh báo Hàn Quốc đừng để Mỹ làm lung lay. Trong khi đó, tuyên bố của Thứ trưởng Choe Son-hui được đưa ra nhằm gây sức ép với Washington trước các cuộc đối thoại Mỹ-Triều trong tương lai, cho thấy Bình Nhưỡng muốn bắt đầu đàm phán với Chính phủ Joe Biden từ một xuất phát điểm thuận lợi hơn so với thời cựu Tổng thống Donald Trump. Về cơ bản, Bắc Triều Tiên nhấn mạnh lần nữa mong muốn Mỹ công nhận nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

 

Tuy nhiên, Mỹ lại có một lập trường khác. Washington đã công khai chỉ trích vấn đề nhân quyền tại miền Bắc, vốn rất nhạy cảm với Bình Nhưỡng. Trong buổi họp báo sau cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hàn-Mỹ vừa qua tại Seoul, Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Rõ ràng, Mỹ không mấy mặn mà với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với miền Bắc. Trong một diễn biến khác, ngày 19/3, Bắc Triều Tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia để phản đối việc nước này cưỡng chế dẫn độ một doanh nhân miền Bắc cho Mỹ.

 

Một doanh nhân Bắc Triều Tiên tên Mun Chol-myong, vốn đã sống ở Malaysia được khoảng 10 năm, bị cáo buộc buôn bán các mặt hàng xa xỉ bị cấm như rượu và đồng hồ từ Singapore đến miền Bắc và rửa tiền thông qua các công ty ma. Sau khi Tòa án liên bang Washington phát lệnh bắt giữ ông Mun vào tháng 5/2019, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã yêu cầu Chính phủ Malaysia dẫn độ nghi phạm và Tòa án Malaysia cuối cùng đã đồng ý. Bắc Triều Tiên tuyên bố toàn bộ câu chuyện là bịa đặt và yêu cầu dẫn độ của Mỹ là vô lý, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ phải trả một cái giá thích đáng.

 

Doanh nhân Mun Chol-myong đã trình diện tại Tòa án liên bang Washington vào ngày 22/3 (giờ địa phương) và trở thành công dân Bắc Triều Tiên đầu tiên hầu tòa tại Mỹ. Ông này bị cáo buộc đã lợi dụng hệ thống tài chính Mỹ để rửa số tiền trị giá 1,5 triệu USD nhằm vận chuyển xa xỉ phẩm đến miền Bắc. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định ông Mun Chol-myong có liên quan tới Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên, cơ quan đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

 

Nhiều người đang chú ý xem vụ việc lần này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ-Triều. Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể hơn với miền Bắc. Tôi nghĩ đây là chiến lược giáng một đòn vào Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un nhằm hối thúc Bắc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa. Động thái này của Washington chắc chắn sẽ nhận được phản ứng nhạy cảm từ Bình Nhưỡng. Song nói cách khác, chiến lược của Mỹ sẽ gây thiệt hại thực tế cho ban lãnh đạo miền Bắc. Do đó, để giảm thiệt hại, Bắc Triều Tiên có thể sẽ nhượng bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa, đây cũng chính là điều mà Chính phủ Mỹ mong đợi. Những động thái này cho thấy Chính phủ mới của Mỹ hoàn toàn đi ngược lại cách tiếp cận từ trên xuống của Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump. Chính sách ngoại giao tổng thể của Mỹ dường như đang đi theo hướng ưu tiên các cuộc đàm phám cấp chuyên viên và cách thực hiện từng bước một để có được hiệu quả cụ thể.

 

Trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi thư thoại trong cuộc gặp giữa tân Đại sứ miền Bắc tại Trung Quốc Ri Ryong-nam và Trưởng Ban liên lạc đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào tại Bắc Kinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác Trung-Triều. Sự kiện này được tổ chức ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc hội đàm cấp cao kéo dài hai ngày tại bang Alaska (Mỹ) vào tuần trước mà không đưa ra tuyên bố chung nào. Trong cuộc gặp với các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã đề cập đến các mối đe dọa mới từ Trung Quốc và miền Bắc. Các nhà phân tích suy đoán việc trao đổi thư thoại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vào thời điểm cụ thể như vậy là nhắm vào Chính phủ Biden.

 

Tôi nghĩ thời điểm gửi thư thoại có ý nghĩa quan trọng hơn là nội dung của nó. Mỹ muốn gây sức ép với Trung Quốc qua việc hợp tác với các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tương tự, Trung Quốc đang tích cực tìm cách thành lập một liên minh chống Mỹ cùng các đồng minh của mình. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Ngoại trưởng Nga, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ không can thiệp vào công việc đối nội của các nước khác. Tương tự, miền Bắc khả năng sẽ thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh để nâng cao tiềm lực đàm phán với Washington. Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên đã nghiên cứu cách tiếp cận có thể được chính quyền Joe Biden áp dụng cũng như biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ một cách cụ thể và cẩn trọng hơn.

 

Ngày 21/3 và ngày 25/3, Bắc Triều Tiên lần lượt phóng các loại tên lửa. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của miền Bắc kể từ khi Chính phủ Joe Biden nhậm chức, được coi là một động thái thị uy cường độ thấp nhằm đáp trả các chỉ trích ngày càng tăng từ Mỹ và cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, tương lai quan hệ Mỹ-Triều vẫn là một dấu hỏi lớn. Do đó, chúng ta cần thận trọng theo dõi động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng và chính sách Bắc Triều Tiên sắp tới của Washington.

Lựa chọn của ban biên tập